Trong quá trình bảo quản và kinh doanh, một số loại hải sản thường bị ngâm hóa chất để giữ màu sắc bắt mắt và kéo dài thời gian sử dụng. Việc tiêu thụ những sản phẩm này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng món ăn mà còn tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe.
Dưới đây là 5 loại hải sản dễ bị tẩy trắng nhất, bạn tham khảo để nhận biết cũng như biết cách lựa chọn an toàn hơn khi đi chợ nhé.
1. Mực
Mực là loại hải sản bị tẩy trắng phổ biến nhất. Sau khi đánh bắt, mực nếu không được bảo quản lạnh đúng cách sẽ nhanh chóng chuyển màu vàng, nâu sậm hoặc xám đục. Để giúp mực trắng sáng trở lại, một số người bán đã dùng hydrogen peroxide (oxy già công nghiệp), formol hoặc clo để tẩy trắng, khử mùi và tạo cảm giác “tươi mới”. Những loại mực đã qua xử lý hóa chất này không chỉ mất chất mà còn gây hại cho gan, thận nếu ăn thường xuyên.

Dấu hiệu nhận biết mực đã bị tẩy trắng là màu sắc trắng bệch toàn thân, không có ánh hồng hay lớp da sẫm màu tự nhiên. Mắt mực thường mờ đục, đầu dễ rơi khỏi thân và thịt mềm, mất độ đàn hồi. Đặc biệt, khi ngửi mực không có mùi tanh đặc trưng, thậm chí còn hơi thơm thơm lạ thường.

Để chọn mực tươi, bạn nên ưu tiên mực có lớp da ánh nâu hồng hoặc tím nhẹ, không quá trắng. Thân mực phải săn chắc, khi ấn vào có độ đàn hồi, mắt trong và rõ, râu gắn chặt vào thân. Nếu bạn ngửi thấy mùi tanh dịu nhẹ cũng là dấu hiệu mực còn tươi.

2. Tôm
Tôm là loại hải sản nhỏ nhưng rất hay bị “làm hàng” rất tinh vi. Một số người bán có thể dùng urê để giữ thân không bị nhũn và đồng thời làm vỏ tôm sáng bóng như vừa đánh bắt. Hoặc, ngâm tôm trong nước đá trộn hàn the hoặc chất tẩy để làm tôm cứng, trắng hơn cũng rất phổ biến nhưng điều này tiềm ẩn nguy cơ kích ứng đường tiêu hóa và gan thận nếu dùng thường xuyên dùng. Ngoài ra, tôm còn có thể bị bơm tạp chất như thạch hoặc gel vào bên trong để tăng trọng lượng.
Bạn có thể phát hiện tôm đã bị xử lý bằng cách quan sát lớp vỏ: Nếu có màu trắng đục hoặc trắng sáng bất thường, phần vỏ bóng loáng như phủ một lớp màng, thân phồng lên như bị bơm hơi thì đó là dấu hiệu đáng nghi. Những con tôm này có phần thân mềm nhũn hoặc ngược lại quá căng, đầu dễ rơi (dấu hiệu cho thấy tôm đã chết lâu và bị xử lý qua hóa chất, thường là sodium metabisulfite hoặc hydrogen peroxide) và gần như không có mùi tanh tự nhiên.

Để chọn tôm tươi ngon, bạn nên chọn những con có vỏ trong, hơi ánh xanh hoặc xám nhạt. Tôm tươi có thân cong tự nhiên, đầu dính liền thân, không long đầu, khi ấn tay vào thân sẽ thấy chắc thịt, đàn hồi tốt, không bị nhũn. Ngoài ra, tôm tươi sẽ có mắt sáng, mùi tanh nhẹ nhưng dễ chịu, không có mùi lạ hay hắc nồng.
Đặc biệt, nên tránh tôm quá to nhưng giá rẻ bất thường vì có thể là hàng đông lạnh cũ được tẩy làm mới.

3. Bạch tuộc
Bạch tuộc cũng là một “nạn nhân” thường xuyên của các loại hóa chất làm trắng. Do da bạch tuộc khi chết sẽ nhanh chóng chuyển sang màu xám đục hoặc thâm đen nên nhiều người bán đã dùng oxy già hoặc clo để khiến bạch tuộc trở nên trắng mịn bắt mắt. Tuy nhiên, khi bị tẩy trắng, bạch tuộc không chỉ mất hương vị mà còn chứa hóa chất tồn dư, gây ảnh hưởng tiêu hóa và nội tạng.

Một con bạch tuộc đã bị tẩy trắng sẽ có làn da trắng bóc, nhìn trơn nhẵn bất thường, thân mềm, không có độ co rút khi chạm vào. Bên cạnh đó, mắt thì mờ đục, bên dưới da có thể thấy thâm tím hoặc vết máu. Đặc biệt, bạch tuộc bị tẩy trắng gần như không có mùi hoặc có mùi hắc nhẹ giống thuốc sát trùng.

Muốn mua được bạch tuộc tươi, bạn nên quan sát màu da có ánh xám, nâu tím tự nhiên, thân chắc và có độ đàn hồi. Khi chạm nhẹ vào, bạch tuộc sẽ co nhẹ phần chân hoặc hút tay. Nếu được, hãy chọn loại còn sống hoặc đã đông lạnh kỹ, có nhãn mác rõ ràng.

4. Sò huyết
Dù nhiều người lầm tưởng sò huyết vỏ trắng là tươi ngon nhưng theo dân buôn lâu năm, đó lại là dấu hiệu cần cảnh giác. Sò huyết tự nhiên thường có vỏ đen sậm, hơi sần sùi do bám bùn hoặc tảo biển. Khi rửa sạch bằng nước thì vỏ có thể sáng hơn đôi chút, nhưng nếu vỏ trắng bóc đồng đều, sạch bóng bất thường thì khả năng cao đã bị ngâm chất tẩy trắng.

Để nhận biết sò huyết tươi, bạn nên chọn loại vỏ có màu tự nhiên, không đồng đều, cảm giác cầm chắc tay, còn sống, có phản xạ khi chạm vào. Khi mở ra, thịt sò tươi sẽ có màu đỏ đậm, giàu huyết, có mùi tanh nhẹ đặc trưng của hải sản, không bị bở hoặc có mùi lạ. Khi luộc hoặc hấp, sò huyết “xịn” sẽ ra nhiều huyết, thịt dai và ngọt nước, hoàn toàn khác với sò đã ngâm hóa chất – thịt nhạt, dễ teo và không còn vị ngon tự nhiên.

4. Cá nục
Cá nục là loại cá bình dân, được tiêu thụ rất nhiều nhưng cũng dễ bị ngâm hóa chất nhất. Nếu không được ướp lạnh ngay sau khi đánh bắt, cá sẽ có mùi và đổi màu. Vì thế, nhiều người bán đã sử dụng đá lạnh pha hóa chất bảo quản hoặc ngâm cá với oxy già để giảm mùi tanh, tăng cảm giác “vừa đánh bắt”.
Dấu hiệu của cá nục “ươn ngầm” này là thường có mắt mờ đục, lõm sâu, không sáng. Mang cá chuyển sang màu xám hoặc nâu sẫm, khô lại, không còn tươi đỏ. Khi sờ vào, da cá bóng loáng bất thường, vảy dễ tróc và thịt mềm, mất độ đàn hồi. Đặc biệt, cá không còn mùi tanh mà có thể hơi thơm nhẹ kiểu nước sát khuẩn.

Thế nên khi đi chợ chọn cá nục, bạn nên ưu tiên cá có mắt sáng và lồi nhẹ, mang đỏ tươi, da sáng bóng có ánh xanh và còn ướt. Hãy dùng tay ấn vào thân cá, nếu thấy thịt chắc, có độ đàn hồi là cá còn tươi. Đồng thời, mùi cá tươi là tanh nhẹ, không hắc, không lẫn mùi hóa chất.

Nguồn: Tổng hợp
Đọc bài gốc tại đây.