Theo một bài đăng trên Tạp chí Sinh học Thực nghiệm, nhà sinh thái học sa mạc, Tiến sĩ Bec West cho biết, các chuyên gia khoa học rất ngạc nhiên khi biết rằng ở các vùng đất khô cằn của Úc tồn tại một loài ếch kỳ lạ. Chúng rất hiếm khi được nhìn thấy, vì loài ếch này dành phần lớn cuộc đời, có thể kéo dài hàng thập kỷ, để sống trong hang dưới lòng đất.


Các chuyên gia khoa học rất ngạc nhiên khi biết rằng ở các vùng đất khô cằn của Úc tồn tại một loài ếch kỳ lạ. (Ảnh: ABC)
Đó chính là ếch trữ nước (Ranoidea platycephala, còn gọi là Cyclorana platycephala), loài đặc hữu của Úc, sinh sống ở các vùng khô cằn và bán khô cằn. Những con ếch này thường chôn mình sâu dưới lòng đất, rồi bất ngờ tái xuất hiện khi trời đổ mưa.
Chúng có thể đào hang sâu tới 1,2m. Các nhà khoa học đã đào được những con ếch có kén từ nhiều địa điểm ở các sa mạc cát và Pilbara tại Úc.
“Chiến binh ngủ hè” dưới lòng đất
Trang web của WAM (Bảo tàng Tây Úc) cho hay, khi mùa hạn kéo dài, bề mặt đất nứt nẻ và nguồn nước cạn kiệt, nhiều sinh vật buộc phải di cư hoặc đối mặt với nguy cơ tử vong. Nhưng ếch trữ nước chọn một chiến lược sinh tồn khác thường: đào sâu xuống đất, tự phong kín mình bằng một lớp kén chống thấm nước, được hình thành từ nhiều lớp da lột.


Loài ếch này dành phần lớn cuộc đời, có thể kéo dài hàng thập kỷ, để đào hang dưới lòng đất. (Ảnh: H Ehmann)
Các nhà khoa học đã thử lấy một con ếch ra khỏi kén và nó vẫn còn nguyên vẹn hình dạng khi ở trong kén. Các lớp biểu bì được bong ra để tạo thành kén với tốc độ một lớp sau mỗi 2-3,5 ngày. Kén của ếch bịt kín miệng và lỗ huyệt của nó, chỉ có một lỗ mở duy nhất là lỗ mũi, qua đó ếch thở với tốc độ chậm hơn vì đã vào trạng thái ngủ hè.
Bên trong chiếc “kén” này, ếch giảm thiểu mọi hoạt động sống, rơi vào trạng thái ngủ hè. Nó tương tự như cách các loài động vật khác ngủ đông , ngoại trừ việc nó diễn ra vào mùa hè trái ngược với mùa đông khi điều kiện thời tiết nóng và khô. Nhịp tim, nhịp thở, chuyển hóa năng lượng đều chậm đến mức tối thiểu. Nước được tích trữ trong bàng quang và mô cơ thể, đủ để duy trì sự sống trong thời gian dài, thậm chí lên tới nhiều năm nếu hạn hán kéo dài.
Phục hồi nhanh chóng sau những cơn mưa
Theo ABC News, khi những cơn mưa đầu tiên rơi xuống vùng đất nứt nẻ, độ ẩm thay đổi kích thích ếch trữ nước đào ngược lên mặt đất. Chúng nhanh chóng tái kích hoạt toàn bộ các chức năng sống, ăn uống, giao phối và sinh sản với tốc độ khẩn trương để tận dụng nguồn nước ngắn ngủi.
Tiến sĩ West cho biết khi mưa rơi xuống, hàng trăm con ếch bắt đầu chui ra khỏi cát. Bà cũng chia sẻ thêm, loài ếch trữ nước có tuổi thọ lên tới 20 năm, nhưng chúng dành phần lớn cuộc đời sống dưới lòng đất một cách biệt lập, chờ đợi cơ hội hiếm hoi để trồi lên và giao phối. Chúng có thể chỉ xuất hiện trên mặt đất khoảng 2-3 lần trong 20 năm đó, tùy thuộc vào chu kỳ mưa.


Khi những cơn mưa đầu tiên rơi xuống vùng đất nứt nẻ, độ ẩm thay đổi kích thích ếch trữ nước đào ngược lên mặt đất. (Ảnh: ABC)
Trứng được đẻ vào các vũng nước tạm thời, nòng nọc phát triển cực nhanh, hoàn tất vòng đời chỉ trong vài tuần trước khi nước bốc hơi trở lại, một chiến lược sinh tồn hoàn hảo giữa môi trường sa mạc khắc nghiệt.
Loài ếch có giá trị nghiên cứu hiện đại
Khả năng tích trữ nước kỳ diệu của loài ếch này cũng in sâu trong văn hóa người Thổ dân Úc. Họ kể truyền thuyết về Tiddalik, con ếch khổng lồ đã uống cạn nước của cả vùng đất, khiến các loài vật khác phải tìm cách khiến nó bật cười để nước trào ra, cứu lấy sự sống.
Hình ảnh của ếch trữ nước. (Nguồn: Facebook)
Ngày nay, các nhà khoa học không chỉ bất ngờ trước khả năng sinh tồn của ếch trữ nước mà còn kỳ vọng việc nghiên cứu chúng sẽ góp phần vào những ứng dụng như: bảo tồn nguồn nước, phát triển công nghệ lưu trữ sinh học, và thích nghi với biến đổi khí hậu trong tương lai.
Theo ABC News, NatGeo
Đọc bài gốc tại đây.