Sở hữu đường bờ biển dài 3260km trên đất liền và nhiều dãy núi hùng vĩ, song nước ta vẫn có nhiều địa phương mang địa hình đặc biệt, vừa không có núi, cũng không giáp biển. Đây thường là những địa phương nằm sâu trong nội địa, địa hình thuần đồng bằng.
Một trong những cái tên tiêu biểu là Vĩnh Long – tỉnh miền Tây Nam Bộ nằm giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu. Tuy nhiên mới đây, kể từ ngày 1/7, sau triển khai đề án sắp xếp, hợp nhất các địa phương, tỉnh Vĩnh Long đã thay đổi hoàn toàn.
Giờ đây, sau khi chính thức hợp nhất ba tỉnh Trà Vinh, Bến Tre và Vĩnh Long vào ngày 1/7/2025, tỉnh Vĩnh Long mới không chỉ mở rộng về diện tích và dân số, mà còn đánh dấu một bước ngoặt khi lần đầu tiên trở thành tỉnh ven biển.

Tỉnh Vĩnh Long sau 1/7 được sáp nhập từ 3 tỉnh cũ Trà Vinh, Bến Tre và Vĩnh Long, lần đầu tiên trở thành địa phương ven biển (Ảnh Quy Hoạch Quốc Gia)
Theo thông tin từ Cổng thông tin xây dựng chính sách của Chính phủ, địa phương mới có diện tích khoảng 6.296 km², dân số hơn 4,1 triệu người, và sở hữu khoảng 130 km đường bờ biển – phần diện tích ven biển được kế thừa từ hai tỉnh cũ là Trà Vinh và Bến Tre. Điều này mở ra cơ hội mới cho du lịch tỉnh Vĩnh Long, phát triển thành địa phương có du lịch biển, đem tới đa dạng trải nghiệm phục vụ du khách.
Du lịch biển Vĩnh Long có gì?
Đường bờ biển Vĩnh Long không có núi đá hay những vách dựng đứng như miền Trung nhưng lại mang vẻ đẹp mộc mạc, yên bình. Nó sở hữu đặc trưng địa hình vùng châu thổ: Bãi bồi phù sa, bằng phẳng, rừng ngập mặn trải dài, tạo nên hệ sinh thái đa dạng, giàu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng biển. Thêm vào đó, khí hậu quanh năm nắng ấm, ít bão lớn giúp biển Vĩnh Long có điều kiện thuận lợi để hình thành các sản phẩm du lịch bốn mùa.
Trong số các bãi biển nổi bật, biển Ba Động (thuộc Trà Vinh cũ) được xem là điểm đến đã có tên tuổi. Với bãi cát mịn, nước biển giàu phù sa và không gian yên tĩnh, nơi đây thích hợp cho các gia đình, nhóm nhỏ tìm kiếm kỳ nghỉ nhẹ nhàng. Khu du lịch Ba Động hiện đã được đầu tư cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, đáp ứng nhu cầu cơ bản của du khách.


Biển Ba Động, Trà Vinh giờ đây chính thức thuộc Vĩnh Long (Ảnh Cổng thông tin điện tử Trà Vinh)
Ở phía Bến Tre, hai bãi biển Cồn Bửng (Thạnh Phú) và Cồn Hố (Bình Đại) mang vẻ đẹp nguyên sơ, hoang dã. Cồn Bửng hiện đang phát triển các mô hình du lịch cộng đồng và homestay, kết hợp trải nghiệm tắm biển, đi thuyền xuyên rừng ngập mặn, thưởng thức hải sản tươi sống ngay tại chỗ. Trong khi đó, Cồn Hố thu hút những du khách yêu thích sự yên tĩnh, thích hợp để câu cá, tham quan làng chài hay khám phá hệ sinh thái ven biển.
Với lợi thế mới này, Vĩnh Long có cơ hội hình thành tuyến du lịch kết nối từ miệt vườn nội địa đến bờ biển, tạo nên sản phẩm đa dạng, độc đáo so với các tỉnh miền Tây khác. Sự thay đổi về địa lý hành chính mở ra một hướng đi hoàn toàn mới cho ngành du lịch tỉnh Vĩnh Long. Từ vùng đất không núi không biển, nay đã trở thành địa phương có biển, giàu tiềm năng và đầy triển vọng trong hành trình phát triển bền vững của vùng đồng bằng sông Cửu Long.


Biển Cồn Bửng và Cồn Hố (Ảnh Nụ cười Mê Kông)
Đậm nét miền Tây Nam Bộ ở Vĩnh Long
Bên cạnh những bãi biển mới hình thành sau sáp nhập, du lịch tỉnh Vĩnh Long vẫn giữ nguyên những nét đặc trưng vốn có của vùng đất miệt vườn sông nước miền Tây Nam Bộ – điều tạo nên sức hút khác biệt cho địa phương này. Từ miệt vườn trĩu quả đến những con rạch len lỏi quanh nhà, Vĩnh Long vẫn là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thiên nhiên, văn hóa và cuộc sống mộc mạc.
Đến Vĩnh Long vào mùa hè, du khách có thể bắt đầu hành trình từ cù lao An Bình – nơi được mệnh danh là “vương quốc trái cây”. Ngồi thuyền máy từ TP Vĩnh Long chỉ khoảng 10 phút, du khách sẽ đặt chân đến các vườn chôm chôm, sầu riêng, cam xoàn rộng hàng hecta. Tại đây, nhiều nhà vườn mở cửa đón khách trải nghiệm hái trái cây tại vườn, thưởng thức tại chỗ, hoặc tham quan kết hợp lưu trú qua đêm trong các homestay xanh mát.

Ảnh Nụ cười Mê Kông
Ngoài miệt vườn, hệ thống kênh rạch chằng chịt cũng là một phần không thể thiếu trong hành trình khám phá Vĩnh Long. Du khách có thể tham gia tour đi xuồng ba lá, len lỏi qua những con rạch nhỏ, dừng chân tại các làng nghề truyền thống như làm gạch, nấu rượu, đan lát thủ công hay lò bánh tráng ven sông. Nhiều cơ sở du lịch còn tổ chức các buổi trải nghiệm nấu ăn cùng người bản xứ, từ món cá lóc nướng trui đến bánh xèo củ hủ dừa – những hương vị đậm chất đồng bằng.
Nếu muốn sống chậm hơn, du khách có thể lựa chọn hình thức lưu trú homestay, phổ biến tại các xã ven sông như Hòa Ninh, Bình Hòa Phước. Tại đây, mỗi buổi sáng thức dậy giữa tiếng chim và không khí trong lành, du khách sẽ được chiêu đãi bữa sáng quê dân dã, rồi cùng gia đình chủ nhà tát mương bắt cá, thu hoạch rau trong vườn. Mô hình này đặc biệt phù hợp với du khách quốc tế hoặc các nhóm gia đình mong muốn kết nối thiên nhiên và trải nghiệm lối sống truyền thống.



Ảnh Du lịch Vĩnh Long
Ngoài ra, những ai yêu thích văn hóa bản địa có thể đăng ký tham gia đờn ca tài tử, một loại hình nghệ thuật đặc trưng của Nam Bộ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Nhiều điểm tham quan hiện nay tổ chức các buổi giao lưu đờn ca ngay tại vườn cây hoặc trên thuyền, đem đến trải nghiệm vừa thư giãn vừa đậm chất văn hóa phương Nam.
Giữa dòng chảy phát triển mới, Vĩnh Long không chỉ là tỉnh có biển, mà còn là điểm đến dung hòa giữa biển – vườn – sông – con người. Với du khách, đây là cơ hội để vừa khám phá những bãi biển mới mẻ, vừa trải nghiệm đời sống miệt vườn gần gũi, thân thiện – điều làm nên sức hút riêng của du lịch đồng bằng sông Cửu Long.
Đọc bài gốc tại đây.