Tưởng chừng đã lùi sâu vào quá khứ, cái tên Samsung Galaxy Note 7 bất ngờ được “đào lại” và gây bão trên mạng xã hội, khơi lại ký ức về một trong những sự cố công nghệ nghiêm trọng và hy hữu nhất lịch sử.
Mọi chuyện bắt đầu từ một đoạn clip đăng hồi tháng 6 bởi TikTokker K-Shawn Brower (@malckbro), thu hút hơn 2,5 triệu lượt xem. Video ghi lại một tấm biển cảnh báo của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) tại sân bay, với nội dung tưởng thật mà đùa:
“VẬT PHẨM BỊ FAA CẤM / Samsung Galaxy Note 7 / Các cá nhân KHÔNG ĐƯỢC vận chuyển thiết bị này trên người, trong hành lý xách tay, hoặc trong hành lý ký gửi trên các chuyến bay đến, đi từ, hoặc trong phạm vi Mỹ”.

Sự việc khiến cộng đồng mạng, đặc biệt là những người dùng trẻ, xôn xao. Hàng loạt bình luận thể hiện sự ngạc nhiên và tò mò: “Tại sao nó bị cấm?”, một người hỏi. Trong khi đó, những người khác lại hài hước: “Không phải tôi đang xem cái này trên chiếc Samsung Galaxy Note 7 của mình chứ.”
Một số người am hiểu hơn đã giải thích: “Chiếc điện thoại đó từ năm 2016. Nó đã gần 10 năm tuổi rồi. Không ai nên dùng nữa vì nó quá lỗi thời… có lẽ vì nó được biết là có vấn đề về pin có thể tự bốc cháy. Có rất nhiều video về nó trên mạng.”
Đã 10 năm vẫn chưa yên
Đúng là như vậy, Galaxy Note 7 nằm trong danh sách cấm bay chính thức và vĩnh viễn của Cục An ninh Vận tải (TSA) nước Mỹ. Những điều trớ trêu ở đây là chuyện xảy ra đã gần 10 năm và có lẽ chẳng còn mấy ai dùng Galaxy Note 7 để mà cơ quan chức năng nước Mỹ phải cảnh báo cẩn thận như vậy nữa.
Có lẽ, TSA nghĩ rằng chẳng biện pháp an toàn nào là thừa và họ thỉnh thoảng sẽ nhắc lại câu chuyện đau lòng mà Samsung đã muốn quên đi.
Trên trang web của mình, cơ quan này trích dẫn lệnh khẩn cấp từ Bộ Giao thông Vận tải Mỹ, FAA và Cục An toàn Vật liệu Nguy hiểm và Đường ống, nêu rõ: “Các cá nhân sở hữu hoặc mang theo thiết bị Samsung Galaxy Note 7 không được vận chuyển thiết bị này trên người, trong hành lý xách tay, hoặc trong hành lý ký gửi.”

Nguyên nhân của lệnh cấm nghiêm ngặt này xuất phát từ một lỗi sản xuất nghiêm trọng vào năm 2016, khi chính Samsung đã thừa nhận phát hiện ra “vấn đề về cell pin” trên sản phẩm, có nguy cơ gây ra cháy nổ.
Trong một tuyên bố chính thức, gã khổng lồ công nghệ cho biết: “Tính đến ngày 1 tháng 9 (năm 2016), đã có 35 trường hợp được báo cáo trên toàn cầu và chúng tôi hiện đang tiến hành một cuộc kiểm tra kỹ lưỡng với các nhà cung cấp… Tuy nhiên, vì sự an toàn của khách hàng là ưu tiên tuyệt đối tại Samsung, chúng tôi đã ngừng bán Galaxy Note 7.”
Sự cố này nghiêm trọng đến mức chỉ riêng tại Mỹ, đã có 96 trường hợp pin quá nhiệt được báo cáo, dẫn đến 13 vụ bỏng và 47 vụ gây thiệt hại tài sản.
Siêu phẩm “đoản mệnh”
Trước khi sự cố xảy ra, Galaxy Note 7 là một niềm tự hào và là sản phẩm được cả thế giới công nghệ mong chờ. Samsung thậm chí đã bỏ qua tên gọi “Note 6” để ra mắt thẳng “Note 7” cho đồng bộ với dòng Galaxy S. Nhưng hóa ra, con số 7 lại “rốt cuộc cũng không may mắn như vậy”.
Chiếc điện thoại là một bản nâng cấp toàn diện, sở hữu hàng loạt công nghệ tiên phong: là sản phẩm đầu tiên trong dòng Note có cổng USB-C, chuẩn kháng nước IP68, mang khe cắm thẻ nhớ mở rộng trở lại sau khi bị loại bỏ trên Note 5, và có thiết kế hai cạnh cong lấy cảm hứng từ Galaxy Note Edge (dù độ cong được đánh giá là không quá ấn tượng hay hữu ích).

Bút S Pen cũng trang bị những khả năng hoàn toàn mới như dịch thuật, kính lúp màn hình và tạo ảnh GIF. Đặc biệt, công nghệ quét mống mắt tân tiến kết hợp với Samsung Pass đã mở ra một kỷ nguyên mới về bảo mật thanh toán.
Với những cải tiến vượt bậc, Note 7 đã phá vỡ mọi kỷ lục đặt hàng trước tại thị trường quê nhà Hàn Quốc và có nhu cầu rất cao ở khắp nơi. Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau khi lên kệ, các báo cáo về những chiếc Note 7 tự bốc cháy bắt đầu xuất hiện dày đặc.
Samsung đã nhanh chóng tiến hành một cuộc thu hồi toàn cầu, nhưng thảm họa tiếp tục leo thang khi ngay cả một số mẫu Note 7 dùng để thay thế cũng bắt đầu bốc cháy. Cuối cùng, chưa đầy hai tháng sau ngày ra mắt, Samsung buộc phải đưa ra quyết định đau đớn: khai tử hoàn toàn dòng sản phẩm này.
Một năm sau thảm kịch, như một con phượng hoàng tái sinh từ tro tàn, Samsung đã mang Note 7 trở lại vào giữa năm 2017 dưới một hình hài mới: Galaxy Note Fan Edition (FE).
Đây là những chiếc máy tân trang, được trang bị viên pin có dung lượng nhỏ hơn và quan trọng nhất là đã qua kiểm định an toàn nghiêm ngặt. Phiên bản này được bán giới hạn tại một số quốc gia châu Á và cũng là chiếc Note đầu tiên được tích hợp sẵn trợ lý kỹ thuật số Bixby.
Sự cố của Note 7 đã trở thành một bài học đắt giá về tầm quan trọng của việc kiểm soát chất lượng pin. Nó cũng là một phần trong mối lo ngại lớn hơn về an toàn pin lithium-ion trong ngành hàng không. Gần đây hàng loạt quốc gia như Trung Quốc và Mỹ đã bắt đầu đưa ra các quy định mới như cấm hoàn toàn sạc dự phòng và pin sạc trong hành lý ký gửi.
Dù phải nhận danh xưng không hề hay ho gì nhưng Galaxy Note 7 có thể tự hào khi trở thành một vật chứng quan trọng trong lịch sử ngành hàng không.
Đọc bài gốc tại đây.