
Theo báo cáo tổng kết năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt Nam hiện có hơn 54.500 doanh nghiệp công nghệ số, tăng 16% so với năm 2023, đóng góp doanh thu gần 152 tỷ USD và tạo việc làm cho hơn 1,2 triệu lao động trong lĩnh vực này.
“Những con số này không chỉ đơn thuần là số liệu. Chúng là minh chứng rõ ràng cho thấy, công nghệ ngày nay không chỉ còn là một lĩnh vực riêng biệt, mà đã trở thành hạ tầng phát triển cốt lõi quốc gia”, đây là những chia sẻ của ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT tại Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – Châu Á 2025 (Vietnam – Asia DX Summit 2025) với chủ đề “Làm chủ công nghệ – Đột phá, Vươn mình” tổ chức vào ngày 27 – 28/5.
Tại diễn đàn, ông Vũ Anh Tú cũng cho rằng, hiện nay, chúng ta không còn tranh luận về việc có nên chuyển đổi số hay không. Câu hỏi bây giờ là: chúng ta chuyển đổi nhanh đến đâu để không bị bỏ lại phía sau?
Nghị quyết 57 đã xác định rõ: khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là động lực chính cho tăng trưởng. Tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế số chiếm ít nhất 50% GDP, Việt Nam trở thành trung tâm AI và công nghệ số của khu vực. Để hiện thực hóa tầm nhìn đầy thách thức này, ông Tú cho biết AI và nền tảng xanh sẽ đóng vai trò định hình tương lai và là trụ cột tăng trưởng của tập đoàn trong thập kỷ tới.
Theo đó, thay vì bắt đầu từ con số không, đơn vị này chọn cách “đứng trên vai người khổng lồ”, tận dụng các mô hình AI tiên tiến và sáng tạo thêm để phù hợp với đặc thù Việt Nam.
“Như thành công của DeepSeek đã cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra các sản phẩm AI có giá trị riêng cho người Việt” – ông Tú nói.
Để phát triển sản phẩm AI, ông Vũ Anh Tú cho rằng cần tự chủ dữ liệu bởi chúng ta đang thiếu dữ liệu chất lượng cho việc huấn luyện mô hình lớn, phần vì hạ tầng số chưa hoàn thiện, phần vì dữ liệu chưa được chia sẻ hiệu quả.
Theo đó, giải pháp là đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện các ngành y tế, giáo dục, hành chính công… Khuyến khích chia sẻ nguồn dữ liệu công cộng, phục vụ cho nghiên cứu và phát triển. Ví dụ, khi sở hữu dữ liệu y tế có chiều sâu, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển các hệ thống dự đoán và chăm sóc sức khỏe chủ động, phù hợp với đặc điểm bệnh lý của người Việt.
Song song với đó, tập đoàn đã đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng AI, với AI Factory được triển khai tại Việt Nam và Nhật Bản từ năm 2024. Hạ tầng này giúp rút ngắn thời gian thử nghiệm một ý tưởng AI từ 45 ngày xuống chỉ còn 1 ngày, mở ra cơ hội lớn cho nghiên cứu và thương mại hóa công nghệ.
Mục tiêu đưa Việt Nam thành trung tâm AI khu vực vào 2045.
Không chỉ dừng lại ở việc phát triển công nghệ lõi, FPT còn đặc biệt chú trọng đến việc kiến tạo nguồn nhân lực AI chất lượng cao. Từ giáo dục phổ thông đến hợp tác quốc tế, tập đoàn đang xây dựng một hệ sinh thái đào tạo toàn diện.
Từ năm 2023, chương trình AI đã được giảng dạy trong hệ thống tiểu học. Đối với học sinh trung học, FPT tổ chức cuộc thi lập trình AI Robot – năm 2025 sẽ có hơn 1.000 đội trên toàn quốc tham gia. FPT đang hợp tác với đại học (ĐH) hàng đầu của Mỹ xây dựng một nền tảng học AI mở dành riêng cho học sinh phổ thông, dự kiến triển khai trong năm nay.
Trong 6 năm qua, đơn vị này đã hợp tác đào tạo AI cùng các tổ chức như Mila, Landing AI, ĐH Quốc gia Singapore… FPT đã tổ chức 5 khóa AI Residency, với hơn 50 học viên được nhận học bổng thạc sĩ, tiến sĩ tại các trường danh tiếng như Stanford, UPenn, UCLA, EPFL…
Ông Vũ Anh Tú cũng tiết lộ, FPT hiện đang thử nghiệm lớp học ngược, nơi học sinh tự học qua nền tảng online và đến lớp để thảo luận – giáo viên đóng vai trò phản biện. Mô hình này sẽ được áp dụng rộng rãi từ năm học 2025 – 2026.
Ở cấp đại học, hơn 12.000 sinh viên đã được đào tạo về AI và thực hành với các công cụ như CodeVista để nâng cao năng suất và tư duy sáng tạo.
Tháng 5 vừa qua, năm trường ĐH lớn của Việt Nam – trong đó có ĐH Bách Khoa Hà Nội và ĐH FPT – đã cùng thành lập liên minh đào tạo nhân sự triển khai nghị quyết 57 với mục tiêu là: Xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao; Thúc đẩy đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng.
Ở cấp độ doanh nghiệp, FPT đã tổ chức hơn 5 khóa đào tạo AI Residency và cung cấp 10.000 chứng chỉ AI từ Nvidia cho nhân viên. Nhân viên FPT bắt buộc phải học ít nhất 42 giờ mỗi năm, trong đó có ít nhất một khóa học AI.
Ngoài ra, tập đoàn tổ chức các khóa đào tạo AI thực chiến cho các doanh nghiệp lớn như MobiFone, Hòa Phát và Vinaconex.
FPT cũng đề xuất các giải pháp vĩ mô hơn nhằm thu hút và phát triển nhân tài như kêu gọi chuyên gia Việt Nam trở về hoặc đóng góp từ xa, hợp tác kinh doanh quốc tế để chuyển giao công nghệ và đào tạo quốc tế thực chiến hay tổ chức các cuộc thi với giải thưởng gắn với các bài toán thực tế của đất nước.
Hành trình xây dựng hạ tầng AI hiện đại, làm chủ công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao đang đặt nền móng cho mục tiêu đưa Việt Nam thành trung tâm AI khu vực vào 2045. Như ông Vũ Anh Tú nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng tôi là giúp mọi học sinh, sinh viên, nhân viên và công dân Việt Nam sử dụng AI hiệu quả và an toàn, từ đó hình thành một lực lượng lao động AI trình độ cao, đồng hành cùng đất nước.”
Đọc bài gốc tại đây.