
Ngày 26/5/2025, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức họp báo công bố sự kiện “Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2025”. Đây là sự kiện được NHNN tổ chức thường niên, và chủ đề của năm nay sẽ là “Hệ sinh thái số thông minh trong kỷ nguyên mới”.
Tại sự kiện, thảo luận về vấn đề: Ngành ngân hàng đã có những giải pháp nào để bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng của người dùng trong bối cảnh nạn lừa đảo ngày càng gia tăng và diễn biến khó lường?”, ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết:
“Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng kho dữ liệu về các tài khoản nghi ngờ gian lận. Trong thời gian tới, các ngân hàng lớn sẽ lần lượt triển khai thí điểm tính năng cảnh báo này”.
Trước đó, ngày 1/4, BIDV đã được chọn là ngân hàng thí điểm, và đến nay đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Theo báo cáo của BIDV, ngân hàng đã ngăn chặn hơn 100 tỷ đồng chuyển khoản cho tội phạm lừa đảo, thông qua việc cảnh báo khách hàng về các tài khoản lừa đảo.
Nếu được triển khai rộng rãi trên toàn ngành, con số này sẽ còn cao hơn nữa, đồng thời giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi giao dịch. Lộ trình triển khai tính năng cảnh báo tài khoản nghi ngờ tại các ngân hàng lớn trong thời gian tới như sau: Vietcombank – dự kiến triển khai từ 30/6/2025; VietinBank – 4/7/2025; MB: 14/7/2025; Agribank: 24/7/2025.
Giải thích thêm về tính năng cảnh báo tài khoản lừa đảo, ông Tuấn thông tin: “Khi khách hàng sử dụng ứng dụng ngân hàng để chuyển tiền, hệ thống sẽ hiển thị trạng thái của tài khoản người nhận, cho biết tài khoản đó có bị nghi ngờ gian lận hay không. Trong trường hợp có cảnh báo, người chuyển tiền sẽ là người quyết định có tiếp tục giao dịch hay không, và nếu tiếp tục, sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm với quyết định của mình”.
Bên cạnh đó, ông đề nghị các ngân hàng tích cực thực hiện truyền thông đến khách hàng để kích hoạt và thẩm định tính năng mới, từ đó có thể rút ra các bài học kinh nghiệm, tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ. Dự kiến, việc triển khai toàn ngành sẽ được thực hiện trong năm 2025, sau khi hoàn tất giai đoạn thí điểm tại 5 ngân hàng lớn.
Ngoài ra, các ngân hàng cần thực hiện việc thẩm định thường xuyên để tránh tình trạng tài khoản đã xác thực, không còn thuộc diện nghi ngờ gian lận nhưng vẫn nằm trong danh sách, gây ảnh hưởng đến quá trình giao dịch của khách hàng.
Ông Phạm Anh Tuấn cũng đề cập thêm tới các giải pháp như: Yêu cầu xác thực sinh trắc học đối với tài khoản doanh nghiệp, không cho phép người dân sử dụng tính năng Alias để chuyển tiền tránh tình trạng chuyển nhầm,…
Đầu tháng 4 năm nay, BIDV đã triển khai tính năng Smart Alert, cho phép tự động nhận diện và cảnh báo cho người dùng ứng dụng ngân hàng khi chuyển tiền đến số tài khoản có dấu hiệu nghi ngờ rủi ro.
Theo đó, khi khách hàng nhập số tài khoản người nhận, hệ thống sẽ tự động dò quét với cơ sở dữ liệu do cơ quan chức năng cung cấp (Bộ Công An, Ngân hàng nhà nước,…). Trường hợp phát hiện tài khoản nằm trong danh sách nghi ngờ gian lận, hệ thống lập tức bật thông báo về việc tài khoản nhận có thể thuộc danh sách nghi ngờ rủi ro và cảnh báo khách hàng cân nhắc khi thực hiện giao dịch.
BIDV cho biết, hiện nhà băng này có nhiều nguồn cơ sở dữ liệu được kết nối nhất, liên quan đến danh sách tài khoản nghi ngờ lừa đảo. Tuy nhiên trong danh sách này, có những tài khoản lừa đảo thật, nhưng cũng có những tài khoản thuộc diện nghi ngờ (căn cứ các dấu hiệu về tài khoản nghi ngờ theo thông tư 17 của NHNN), hoặc những tài khoản nghi ngờ mới chưa kịp cập nhật vào danh sách. Do đó, bên cạnh hỗ trợ từ ngân hàng, các cơ quan chức năng, bản thân người dùng cũng cần nâng cao tính cảnh giác, đề phòng rủi ro gian lận, giả mạo.
Đọc bài gốc tại đây.