Theo Công an tỉnh Bình Định, ông T.M.T (trú tại huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) nhận được điện thoại từ một người xưng là nhân viên điện lực thông báo làm hồ sơ điện tử, cần lấy thông tin, giấy tờ tùy thân để cập nhật hồ sơ hợp đồng mua bán điện. Nếu khách hàng làm sớm sẽ được hoàn 15% tiền điện.
Ông T cho biết đã kết bạn Zalo, cài app từ một đường link do người tự xưng nhân viên điện lực hướng dẫn thông qua video call. Khi thao tác thì màn hình hiện lên mã chuyển tiền QR nhưng do tài khoản ông T không còn tiền để chuyển nên không bị mất.
Còn ông Đ.H.S trú thành phố Quy Nhơn nhận điện thoại từ số máy 0917896904 do một người đàn ông tự giới thiệu tên là Nam làm ở điện lực, hướng dẫn ông cài đặt ứng dụng điện lực để theo dõi chỉ số điện tiêu thụ hằng tháng của gia đình. Ông S đã làm theo hướng dẫn của đối tượng này kết nối với ứng dụng Agribank Plus của Ngân hàng Agribank mà ông S đang sử dụng và yêu cầu ông sao chép mã code được họ gửi bằng tin nhắn Zalo để quét sinh trắc học nhằm kích hoạt ứng dụng theo dõi chỉ số điện. Sau khi thực hiện xong thao tác trên thì tài khoản của ông S đã mất hơn 114 triệu đồng.
Cũng từng gặp nhân viên điện lực giả mạo nhưng nhờ tinh thần cảnh giác nên anh L.V.T trú phường Trần Phú, thành phố Quy Nhơn không rơi vào bẫy lừa đảo. Anh T kể, vừa qua có hai người đàn ông mặc đồ nhân viên điện lực đến chào bán 02 cây thang nhôm. Người này giới thiệu là nhân viên công ty điện lực đang làm việc tại một công trình kế bên, họ nói do công ty cấp dư 02 cây thang nhôm nên tìm người chia lại với giá “hữu nghị”. Do không có nhu cầu sử dụng nên anh T không bị lừa.
Ông Thái Minh Châu, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định cảnh báo: “Thời gian gần đây, Công ty nhận được nhiều thông tin phản ánh, một số đối tượng giả danh nhân viên điện lực hướng dẫn người dân, khách hàng truy cập các đường link, app (ứng dụng) giả mạo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, tại thành phố Quy Nhơn, từ trung tuần tháng 3/2025 đến nay, xuất hiện đối tượng mặc trang phục nhân viên điện lực, chào mời người dân mua các thiết bị chuyên dụng như: Thang nhôm, ổ khóa, dây điện… với giá rẻ hơn thị trường. Thực tế, đây chỉ là chiêu trò của các đối tượng lừa đảo nhằm tạo lòng tin với người dân, từ đó lừa bán hàng kém chất lượng”.
Hành vi giả danh nhân viên ngành điện của các đối tượng này không chỉ gây mất uy tín cho ngành mà còn ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tổn hại đến lợi ích kinh tế của khách hàng. Vì vậy, người dân, khách hàng sử dụng điện cần hết sức tỉnh táo trước những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi này.
“Qua các nguồn tin báo của khách hàng sử dụng điện, ngành điện đã cử nhân viên trực tiếp đến các hộ gia đình tìm hiểu và ghi nhận thông tin. Hiện chúng tôi đã có công văn gửi Công an tỉnh đề nghị phối hợp nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm của các đối tượng trên, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn, bảo vệ tài sản của người dân và không để phát sinh ở các địa bàn khác”, ông Châu cho hay.
Trước tình trạng trên, cơ quan Công an khuyến cáo: “Người dân tuyệt đối không kết bạn Zalo, truy cập link, website lạ, quét mã QR hay đăng nhập tài khoản ngân hàng trên app lạ; không chuyển tiền qua tài khoản cá nhân, không mua hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi phát hiện các đối tượng nghi vấn lừa đảo, cần nhanh chóng thông báo với cơ quan chức năng, Công an địa phương để kịp thời ngăn chặn, xử lý”.
Linh San
Đọc bài gốc tại đây.