Công an TP Hà Nội cho biết, về công tác chuyển đổi số,, đơn vị luôn xác định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu.
Thời gian qua, cùng với lực lượng công an cả nước, Công an Hà Nội tập trung nguồn lực để phát triển hạ tầng số, nền tảng số, tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng và bảo vệ bí mật Nhà nước trong chuyển đổi số; tăng cường số hóa hồ sơ, tài liệu phục vụ việc xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin từ Dân Trí.
Công an Thủ đô cho biết chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ. Hiện nay, đơn vị đã thực hiện việc giải quyết công việc, theo dõi, kiểm tra công tác chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử; xây dựng, vận hành hệ thống mạng nội bộ diện rộng, kết nối từ Công an TP đến công an các xã.
Tới nay, Công an Hà Nội có 3 trung tâm chỉ huy, quản lý hơn 720 camera các loại phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự.
Bên cạnh đó, Công an TP đang triển khai 4 dự án camera giám sát với khoảng 3.700 camera, có ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh trật tự, quản lý điều hành giao thông.

Công an Hà Nội đang triển khai 4 dự án camera giám sát với khoảng 3.700 camera, có ứng dụng công nghệ trí tuệ AI (Ảnh minh họa: Dân Trí).
Theo VnExpress, hồi tháng 1, UBND TP Hà Nội lên kế hoạch lắp trên 40.000 camera, trong đó có hơn 16.000 chiếc phục vụ quản lý nhà nước về an toàn giao thông, môi trường và trật tự đô thị.
Theo Đề án tổng thể về quản lý hệ thống camera giám sát tập trung trên địa bàn Thủ đô vừa được phê duyệt, việc lắp đặt camera sẽ được triển khai trong giai đoạn 2025-2030.
Trong hơn 40.000 camera, có 12.000 chiếc PTZ – loại quan sát an ninh có thể điều hướng, phóng to và thu nhỏ hình ảnh, khoảng 28.000 chiếc cố định – loại có góc quay cố định, không thể điều chỉnh được sau khi đã lắp đặt.
Camera cũng chia theo chức năng với hơn 23.700 chiếc giám sát đảm bảo an ninh, trật tự và xử lý vi phạm; gần 16.250 chiếc phục vụ quản lý nhà nước về an toàn giao thông, hạ tầng giao thông, môi trường, trật tự đô thị; khoảng 230 chiếc phục vụ quốc phòng.
Kinh phí lắp đặt camera được huy động từ ngân sách, nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác. Thành phố khuyến khích việc sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa để triển khai hệ thống camera giám sát trên địa bàn.
Mục tiêu của đề án là xây dựng hệ thống camera giám sát tập trung, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của từng hệ thống, thiết lập cơ sở dữ liệu dùng chung để chia sẻ, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực, đồng thời giám sát và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Thời gian tới, Công an Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục xây dựng, triển khai các ứng dụng chuyển đổi số mang tính đột phá, nhằm khai thác hiệu quả những thành tựu của khoa học công nghệ nâng cao năng suất, hiệu quả công tác của cán bộ chiến sĩ; giảm tải thời gian thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân.
Hiện tại, công an Hà Nội trung bình một ngày nhận gần 2.000 hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp, trong đó trả hồ sơ qua VNeID chỉ trong 3-9 ngày, còn qua hình thức trực tiếp và dịch vụ công trong 10-15 ngày.
Với công tác giấy phép lái xe đường bộ, Công an Hà Nội tiếp nhận gần 20.000 hồ sơ cấp, đổi giấy phép lái xe trong gần một tháng.
Đọc bài gốc tại đây.