
Báo cáo từ Cimigo, thực hiện từ ngày 1/4/2025 đến 16/4/2025 với 948 người dùng tại TP.HCM (490) và Hà Nội (458), cho thấy Grab không nằm trong top 3 siêu ứng dụng được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam.
MoMo được sử dụng trung bình 4,16 lần/tuần, vượt xa các đối thủ. Be xếp thứ hai với 3,60 lần/tuần, nhờ sự phổ biến trong dịch vụ gọi xe và giao hàng. Shopee đứng thứ ba với 3,23 lần/tuần, được yêu thích nhờ các chương trình ưu đãi hấp dẫn. Trong khi đó, Grab chỉ đạt 2,97 lần/tuần, tụt lại phía sau và cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường siêu ứng dụng. ZaloPay đạt 1,50 lần/tuần, TikTok Shop 1,46 lần/tuần, và Traveloka 0,17 lần/tuần.

Báo cáo từ Cimigo
Báo cáo chỉ ra rằng giá rẻ, nhiều ưu đãi (93%), thao tác nhanh, tiện lợi (64%), và chất lượng dịch vụ ổn định (53%) là ba lý do chính khiến người dùng trung thành với các siêu ứng dụng. MoMo, với hệ sinh thái thanh toán điện tử mạnh mẽ, đáp ứng tốt nhu cầu giao dịch nhanh chóng và tiết kiệm, đặc biệt trong nhóm 18-44 tuổi tại TP.HCM. Trong khi đó, Grab, dù vẫn được 65% người dùng đánh giá cao về tiện lợi, lại không đủ sức cạnh tranh về tần suất sử dụng so với các đối thủ.
Báo cáo tiết lộ một xu hướng đáng chú ý là có tới 90% người dùng Việt Nam sử dụng nhiều siêu ứng dụng cho cùng một dịch vụ để so sánh giá và ưu đãi. Ví dụ, 56% tận dụng các chương trình hoàn tiền, mã giảm giá, và tích điểm từ nhiều nền tảng khác nhau. Điều này lý giải tại sao Grab, dù mạnh về gọi xe và giao đồ ăn, lại bị chia sẻ thị phần bởi các ứng dụng như Be – được nhóm từ 18 đến 44 tuổi ưa chuộng và Shopee – thống trị mua sắm online với 96% người dùng chọn vì giá rẻ.
Nhóm 18-24 tuổi là động lực chính thúc đẩy sự thay đổi. Họ sử dụng Shopee 3,51 lần/tuần và TikTok Shop là 1,64 lần/tuần thường xuyên hơn, trong khi nhóm trên 44 tuổi ít sử dụng TikTok Shop chỉ 1,01 lần/tuần và Traveloka là 0,15 lần/tuần. Be được nhóm 18-44 tuổi ưa chuộng hơn.
Ba dịch vụ được sử dụng nhiều nhất trên siêu ứng dụng là thanh toán điện tử 3,88 lần/tuần, gọi xe máy 3,04 lần/tuần và đặt đồ ăn 2,83 lần/tuần. Đáng chú ý, chi tiêu cho đặt đồ ăn cao nhất, đạt 1,166 triệu VND/tháng, phản ánh lối sống tiện lợi của người Việt đô thị. Theo sau là gọi xe máy với 591,614 VND/tháng và thanh toán điện tử là 320,491 VND/tháng.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng người dùng ở TP.HCM sử dụng các dịch vụ này thường xuyên hơn so với Hà Nội, đặc biệt với đặt đồ ăn và gọi xe máy. Trong khi Hà Nội cho thấy tiềm năng với 64% người dùng sẵn sàng sử dụng dịch vụ nhiều điểm đón và 31% người dùng gặp tình huống cần đón thêm người trong cùng chuyến đi, phổ biến ở nhóm trên 44 tuổi. Với nhóm 18-24 tuổi, 30% ghé thêm điểm giao hàng hoặc mua sắm.
Đọc bài gốc tại đây.