Theo Công an tỉnh Kon Tum, sáng ngày 22/4, anh Vương Xuân L, trú tại phường Duy Tân, thành phố Kon Tum, nhận cuộc gọi của một số điện thoại lạ nói là người giao hàng VietNam Post, báo với anh là có đơn hàng chữ thư pháp anh đặt mua với giá 250.000 đồng.
Do không có ở nhà và sợ món hàng trên dễ bị bể vỡ trong quá trình vận chuyển nên anh L bảo là đang bận việc, không có ở nhà và hẹn người giao hàng giao hàng cho mình vào lúc trưa để kiểm tra hàng và thanh toán tiền.
Một lúc sau lại có một số điện thoại khác gọi đến anh và nói là người giao hàng giao hàng và báo các thông tin về đơn hàng giống hệt như người giao hàng trước. Thấy có gì đó hơi bất thường, sợ mình đặt nhầm 2 đơn hàng, anh L liền lên mạng kiểm tra lại đơn hàng, tuy nhiên chỉ thấy mình đặt có một đơn hàng mà lại có tới 2 người gọi giao hàng.
Đến trưa nhân viên giao hàng Vietnam Post đến giao hàng, anh L nhờ nhân viên khui hàng và kiểm tra cẩn thận có phải món hàng đã đúng với hàng mình đã đặt mua chưa, anh kiểm tra món hàng đúng như mình đặt, trả tiền mua món hàng cho nhân viên giao hàng và không quên hỏi nhân viên hỏi về vụ việc trên. Nhân viên giao hàng cũng cảnh báo với anh là hiện nay thông tin về đơn hàng của khách hàng bị lộ lọt rất nhiều nên người mua hàng cần phải cẩn thận hơn, nên kiểm tra hàng và trả tiền trực tiếp để tránh bị lừa.
Đơn hàng anh L đã nhận lúc trưa, tuy nhiên đến chiều vẫn có một số điện thoại lạ gọi đến nói là giao đơn hàng trên, biết là các đối tượng lừa đảo, anh L bảo là anh không có ở nhà và nhờ nhân viên bỏ hàng vào nhà anh và cho số tài khoản ngân hàng để anh chuyển trả số tiền trên. Sau mấy phút điện thoại của anh xuất hiện tin nhắn của người giao hàng lừa đảo về số tiền thanh toán đơn hàng kèm với số tài khoản ngân hàng để chuyển khoản.

Đối tượng lừa đảo nhắn tin yêu cầu anh Vương Xuân L chuyển tiền COD.
Sự việc tương tự cũng xảy ra với chị Thanh Thu, trú tại phường Duy Tân, thành phố Kon Tum, khi gần đây chị nhận điện thoại từ số máy lạ, đầu kia có người xưng là nhân viên chuyển phát của Viettel Post, thông báo giao một đơn hàng quần áo. Người gọi đọc rõ các thông tin của bưu gửi, như tên người gửi, tên người nhận, sản phẩm gì, thu bao nhiêu tiền và gửi số tài khoản yêu cầu chị chuyển khoản để nhận hàng.
Thấy các thông tin đều đúng, tuy nhiên chị Thu thấy hơi lạ là hôm nay số điện thoại nhân viên giao hàng khác nhân viên hôm trước và nhân viên liên tục yêu cầu chị chuyển khoản để thanh toán đơn hàng. Nghi ngờ bị lừa đảo, chị mở camera an ninh trong nhà để xem có người giao hàng nào gửi hàng cho mình không, không thấy có nhân viên nào giao hàng cả, chị biết là người giao hàng kia là đối tượng lừa đảo đã nắm được các thông tin về đơn hàng của mình nên đã không chuyển tiền đơn hàng trên.
Qua các vụ việc trên, nhiều người mua hàng qua các sàn giao dịch thương mại điện tử đặt ra câu hỏi, tại sao các thông tin trên đơn hàng lại bị lộ lọt, các đối tượng lừa đảo sao lại có chính xác những thông tin về tên, địa chỉ, số điện thoại của cả người gửi và người nhận cùng các thông tin về đơn hàng như họ đang cầm trên tay bưu kiện… khiến cho nhiều người mua hàng nếu không tỉnh táo rất dễ bị sập bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Để tránh bị sập bẫy của các đối tượng người giao hàng lừa đảo, người dân nên yêu cầu được kiểm tra hàng trước khi thanh toán, nếu người giao hàng từ chối, hãy liên hệ ngay với người bán hoặc tổng đài của đơn vị vận chuyển. Chỉ thanh toán khi hàng đó đúng do mình đặt, kiểm tra hàng đảm bảo chất lượng, nên thanh toán trực tiếp với bên bán hoặc thông qua các sàn thương mại số. Kiểm tra kỹ thông tin tài khoản trước khi chuyển tiền; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng cho người lạ hay các đối tượng mạo danh người giao hàng.
Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời tố cáo đến cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận, đồng thời chủ động lưu giữ các nội dung trao đổi giữa mình và đối tượng lừa đảo để cung cấp cho cơ quan Công an phục vụ công tác điều tra.
Đọc bài gốc tại đây.