Nội dung chính
Trung Quốc là quốc gia có sự hỗ trợ doanh nghiệp trong nước rất lớn, tạo nên môi trường cạnh tranh đầy khắc nghiệt đối với bất kỳ thương hiệu nào trên thế giới muốn kinh doanh tại đây. Trong khi một số công ty nước ngoài tiếp tục ăn nên làm ra, những công ty khác đã phải chứng kiến sự suy thoái mà họ chưa từng nghĩ một ngày sẽ xảy đến với mình.
Một trong những gã khổng lồ công nghệ đã trải qua biến cố như vậy là Samsung Electronics. Là công ty dẫn đầu ở Trung Quốc từ rất sớm, Samsung đã chứng kiến tầm ảnh hưởng trên mọi lĩnh vực của mình giảm nhanh chóng, để rồi phải rút dần mọi hoạt động sản xuất ra khỏi quốc gia tỷ dân, chuyển hướng sang Việt Nam và một số nước khác, giáo sư Michael Enright từ Đại học Northeastern nhận định.
Từ gã khổng lồ đứng đầu
Samsung Electronics là một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới, với doanh thu năm 2024 là 205 tỷ USD, lợi nhuận ròng 23,5 tỷ USD. Công ty được biết đến nhiều nhất với tư cách là nhà sản xuất smartphone so kè thị phần toàn cầu với Apple.
Công ty Hàn Quốc bước chân vào Trung Quốc từ rất sớm, bắt đầu sản xuất các sản phẩm giá thấp đến trung bình để xuất khẩu vào năm 1992. Năm 1994, công ty đầu tư gần 1 tỷ USD để thành lập nhà máy sản xuất điện tử và linh kiện tại Thiên Tân và tiếp theo là các nhà máy sản xuất đồ gia dụng tại Tô Châu (mở cửa năm 2003) và chất bán dẫn tại Tây An (bắt đầu vào năm 2012).

Samsung từng có sự hiện diện rất lớn tại Trung Quốc.
Samsung là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Trung Quốc vào đầu những năm 2010, với cấu trúc tích hợp theo chiều dọc bao gồm nghiên cứu và phát triển, thiết kế, sản xuất linh kiện, lắp ráp hàng hóa thành phẩm và các hoạt động bán hàng cũng như xuất khẩu.
Gã khổng lồ Hàn Quốc từng dẫn đầu thị trường về doanh số bán hàng tại Trung Quốc trong lĩnh vực điện thoại di động, điện thoại thông minh và TV, với ước tính chiếm khoảng 30% thị trường điện thoại thông minh của Trung Quốc vào năm 2011 so với 10% của Apple.
Samsung có sự hiện diện hùng hậu ở Trung Quốc đến nỗi người ta ví công ty đã “bê nguyên” trụ sở của mình từ Hàn Quốc sang Trung Quốc, với 60.000 nhân viên, chiếm 1/4 tổng số nhân viên toàn cầu của công ty vào thời kỳ đỉnh cao.
Trong nhiều năm tại thị trường tỷ dân, Samsung mở rộng sản xuất ra hầu hết mọi lĩnh vực, từ điện thoại di động, thiết bị viễn thông, máy tính, đồ điện tử gia dụng và đồ gia dụng; màn hình LCD, LED, chất bán dẫn và linh kiện quang điện tử.
Khác với nhiều công ty nước ngoài, tập đoàn Hàn Quốc luôn mang công nghệ tốt nhất đến Trung Quốc thay vì các công nghệ cũ. Samsung đã thu hút nhiều nhà cung cấp trong và ngoài nước đến gần các cơ sở của mình và triển khai các chương trình giúp các nhà cung ứng địa phương trở thành đối tác của Samsung, góp phần đáng kể vào năng lực chuỗi cung ứng điện tử tại Trung Quốc.
Nhưng thành công ban đầu của Samsung Electronics tại Trung Quốc không thể duy trì được lâu. Công ty tuyên bố đóng cửa nhà máy sản xuất điện thoại thông minh cuối cùng còn lại tại Trung Quốc vào năm 2019, nhà máy sản xuất máy tính cuối cùng vào năm 2020, và nhà máy sản xuất TV cuối cùng vào năm 2020.
Công ty đã chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam, Ấn Độ và các nơi khác, và được cho là đã đầu tư hơn 22 tỷ USD chỉ riêng tại Việt Nam. Các cơ sở còn lại duy nhất của công ty tại Trung Quốc là các cơ sở sản xuất đồ gia dụng ở Tô Châu và các cơ sở sản xuất chất bán dẫn ở Tô Châu và Tây An.
Vì sao tượng đài sụp đổ?
Từng là thương hiệu điện thoại hàng đầu, Samsung giờ chỉ chiếm chưa đến 1% thị phần tại Trung Quốc. Thị phần từng thống lĩnh của công ty trong ngành sản xuất TV tại Trung Quốc cũng giảm xuống còn 6%, trong khi các công ty Trung Quốc chiếm khoảng 85%.

Số lượng nhân viên của Samsung tại Trung Quốc đạt đỉnh 63.316 người vào năm 2013, giảm xuống dưới 20.000 vào năm 2022 và dự kiến sẽ giảm hơn nữa theo các đợt tái cấu trúc mới.
Sự suy giảm của Samsung trên thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc trùng hợp với sự phát triển của các cái tên trong nước như Xiaomi, Huawei, Oppo, Vivo và các công ty khác, một vài trong số đó đã tận dụng chính chuỗi cung ứng và kênh phân phối mà Samsung giúp tạo ra.
Samsung không nắm trong tay vũ khí độc quyền nào để bảo vệ mình khỏi các đối thủ cạnh tranh trực tiếp và điểm yếu của hãng ngày càng lộ ra do một loạt các sai lầm chiến lược.
Khi cửa hàng ứng dụng của Google biến mất khỏi các điện thoại thông minh do Samsung sản xuất tại Trung Quốc từ năm 2010, hãng đã không nhanh chóng phát triển một cửa hàng ứng dụng mới thay thế nhằm chiếm thế độc tôn.
Công ty cũng chậm nhận ra tiềm năng tăng trưởng của các thành phố hạng hai, hạng ba và hạng tư của Trung Quốc. Các điện thoại thông minh dòng C của Samsung được thiết kế cho thị trường Trung Quốc thất bại, khiến Samsung phải ngừng phát hành các mẫu trong dòng sản phẩm này từ năm 2017 đến năm 2024.
Công ty cũng không bắt kịp loạt tính năng sáng tạo mà các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc mang đến cho người tiêu dùng trong nước.
Danh tiếng của Samsung xuống mức thấp nhất vào năm 2017 với sự cố pin Galaxy 7 cháy nổ. Samsung đã ban hành lệnh thu hồi toàn cầu nhưng ban đầu vẫn loại trừ Trung Quốc với lý do pin ở đây có thể vẫn an toàn vì được cung cấp bởi một công ty khác.
Chỉ đến khi pin cũng bắt đầu bốc cháy ở Trung Quốc, công ty buộc phải tiếp tục lệnh thu hồi dưới sự chỉ trích gay gắt từ truyền thông Trung Quốc và người tiêu dùng. Những vấn đề này, cùng với việc đóng cửa hoặc bán các cơ sở tại Trung Quốc, khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào công ty.
Tai bay vạ gió
Địa chính trị cũng là yếu tố ảnh hưởng đến Samsung vào thời điểm dễ bị tổn thương. Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc vào năm 2017 đã gây ra phản ứng từ Trung Quốc, tạo nên một làn sóng tẩy chay mọi thứ liên quan đến Hàn Quốc.

Sự tự chủ công nghệ của Trung Quốc và các hãng điện thoại năng động trong nước khiến Samsung khó cạnh tranh hơn.
Trung Quốc đã hủy bỏ nhiều sự kiện giải trí và nghệ thuật có sự tham gia của các nghệ sĩ Hàn Quốc, cấm các trò chơi điện tử trực tuyến và ra lệnh cho các đại lý lữ hành không được bán các gói du lịch cho Hàn Quốc.
Các cơ quan quản lý cấm bán nhiều loại sản phẩm tiêu dùng của Hàn Quốc và người tiêu dùng Trung Quốc cũng tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc.
Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc, đơn vị nhượng đất để triển khai hệ thống THAAD, đã bị các cơ quan quản lý Trung Quốc đóng cửa hầu hết các cửa hàng bán lẻ tại đây và về cơ bản công ty này đã bị buộc phải rời khỏi đất nước.
Samsung, giống như nhiều công ty Hàn Quốc khác, đã thu hẹp phần lớn hoạt động tại Trung Quốc. Đến năm 2022, ước tính rằng chưa đến 25% sản lượng điện thoại thông minh của Samsung được gia công cho các nhà sản xuất theo hợp đồng tại Trung Quốc và hơn 75% sản lượng điện thoại thông minh đã được chuyển sang Việt Nam và các quốc gia khác.
Samsung đã công bố kế hoạch mới để giành thị phần ở phân khúc cao cấp của thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc vào năm 2024. Tuy nhiên, mọi thứ đã khác so với thời hoàng kim.
Theo Nikkei Asia, “người tiêu dùng Trung Quốc rất thích các sản phẩm trong nước. Họ tin rằng các lựa chọn trong nước luôn có thể thay thế các sản phẩm nước ngoài. Việc Samsung tái gia nhập thị trường là bước tiến lớn nhưng không có khả năng mang lại kết quả đáng kể”.
Với căng thẳng âm ỉ, cùng sự phát triển công nghệ tự chủ trong nước, các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc ngày càng có năng lực mạnh mẽ hơn và người tiêu dùng Trung Quốc cũng ủng hộ sản phẩm nội địa nhiều hơn trước đây, việc Samsung có thành công tại thị trường quan trọng bậc nhất này hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.
Kinh nghiệm của Samsung Electronics tại Trung Quốc cho thấy rằng ngay cả một công ty hàng đầu thế giới, từng đầu tư rất sớm và trở thành thế lực dẫn đầu, cũng có thể thấy vị thế của mình bốc hơi trước sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các công ty Trung Quốc, thị hiếu thay đổi của người tiêu dùng Trung Quốc và những diễn biến khó lường của thời cuộc.
Đọc bài gốc tại đây.