Trang chủ Công nghệCNQP Vụ tai nạn cách đây 22 năm đã tạo nên Su-30, Su-35 như thế nào?

Vụ tai nạn cách đây 22 năm đã tạo nên Su-30, Su-35 như thế nào?

bởi Admin
0 Lượt xem

Năm 2002, nguyên mẫu Su-37 “Terminator” – một máy bay chiến đấu đầy hứa hẹn và có khả năng cơ động cao của Nga, đã bị rơi trong một chuyến bay thử nghiệm thường lệ gần Zhukovsky. Đối với Nga, vốn đang háo hức chứng minh năng lực công nghệ của mình trong lĩnh vực hàng không chiến đấu vào thời điểm đó, nhưng sự cố đã trở thành một đòn giáng mạnh, phơi bày những sai sót nghiêm trọng trong các hệ thống điều khiển bay tiên tiến nhất của nước này.

Sự cố của Su-37

Chuyến bay bắt đầu suôn sẻ với một phi công thử nghiệm giàu kinh nghiệm điều khiển. Chiếc Su-37 được trang bị động cơ đẩy vector và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, đã thực hiện các thao tác phức tạp ở độ cao lớn. Nhưng đột nhiên, mọi thứ trở nên tồi tệ.

Máy tính trên máy bay bắt đầu cung cấp dữ liệu sai cho hệ thống điều khiển bay fly-by-wire và sự ổn định của máy bay biến mất trong vài giây. Phi công đã cố gắng giành lại quyền kiểm soát, nhưng đã quá muộn – máy bay đang rơi tự do. Lựa chọn duy nhất của anh ta là phóng ra ngoài.

Một lát sau, xác máy bay Su-37 nằm rải rác khắp một khu vực không có người ở. Thủ phạm là một lỗi công nghệ. Các kỹ sư Nga phát hiện ra rằng, một máy tính quan trọng trên máy bay đã trục trặc, gửi các dữ liệu đầu vào hỗn loạn đến các động cơ đẩy vector và khiến máy bay gần như không thể kiểm soát được.

Vụ tai nạn năm 2002 đánh dấu sự kết thúc của chương trình Su-37 đầy tham vọng, vốn nhằm mục đích thể hiện sự thống trị về công nghệ của Nga trong không chiến. Thay vào đó, sự cố này làm nổi bật những điểm yếu của các hệ thống kỹ thuật số mà Nga đang cố gắng tích hợp.

Trong khi Su-37 bị xếp xó sau vụ tai nạn, phần lớn công nghệ của nó, bao gồm cả khả năng cơ động cao, đã được đưa vào thế hệ máy bay chiến đấu tiếp theo.

Những công nghệ được kế thừa

Khi Su-37 “Terminator” của Nga bị rơi vào năm 2002, đó không phải là kết thúc của câu chuyện mà là sự khởi đầu của một thế hệ máy bay chiến đấu mới. Chương trình Su-37 bị gác lại, nhưng chiếc máy bay vẫn được sử dụng để thử nghiệm công nghệ phát triển trên Su-30 và Su-35.

Điểm chú ý nhất là động cơ đẩy vector của Su-37 cho phép động cơ điều khiển luồng khí thải của máy bay, nhờ vậy mà Su-30MKI và Su-35 hiện nay có được khả năng cơ động đáng kinh ngạc. Công nghệ này giúp cho máy bay chiến đấu của Nga có thể thực hiện những động tác như “Pugachev Cobra” (rắn hổ mang).

Động cơ AL-31FP ban đầu được phát triển cho Su-37, sau đó được lắp vào Su-30. Còn Su-35 sử dụng động cơ AL-41F1S tiên tiến hơn, mang lại lực đẩy và hiệu suất vượt trội. Giúp máy bay đạt tốc độ nhanh hơn, sức bền tốt hơn và sự nhanh linh hoạt trong các tình huống chiến đấu.

Một công nghệ hiện đại khác nữa trên Su-37 là fly-by-wire (hệ thống thay thế các điều khiển bay thủ công bằng giao diện điện tử), là tiền thân của các hệ thống điều khiển chính xác và tiên tiến trên Su-35.

Radar “Bars” thử nghiệm trên Su-37 cũng được truyền lại cho các phiên bản sau. Nó được tích hợp vào Su-30, còn Su-35 được trang bị phiên bản cải tiến Irbis-E, giúp máy bay mở rộng tầm quan sát và khả năng theo dõi nhiều mục tiêu cùng lúc.

Về buồng lái. Su-37 là một trong những máy bay chiến đấu đầu tiên của Nga sử dụng màn hình đa chức năng và quản lý vũ khí hiện đại. Ngày nay, Su-35 kế thừa khái niệm này, có giao diện kỹ thuật số tiên tiến giúp phi công trở thành trung tâm của cuộc chiến với nhận thức tình huống tốt hơn bao giờ hết.

Nếu sự cố không xảy ra

Nếu sự cố với Su-37 không xảy ra và chương trình không bị hủy bỏ, chiếc máy bay này có thể đã trở thành một trong những nền tảng chiến đấu nguy hiểm nhất của thế kỷ 21.

Nếu chương trình Su-37 được tiếp tục, máy bay có thể sẽ nhận được động cơ mạnh hơn và hiệu quả hơn. Trong khi các máy bay chiến đấu của Mỹ như F-22 tập trung vào khả năng tàng hình, Su-37 đã thiết lập các tiêu chuẩn mới về khả năng cơ động tuyệt đối trong cận chiến, thách thức các máy bay phản lực phương Tây trên không.

Công nghệ fly-by-wire được phát triển cho Su-37 có thể được cải tiến hơn nữa, giúp máy bay có thể điều khiển chính xác ngay cả trong những pha điều khiển phức tạp. Kết hợp với hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, màn hình đa chức năng và hệ thống chỉ thị gắn trên mũ bảo hiểm của phi công, Su-37 có thể đã vượt xa thời đại của nó. Buồng lái của Su-37 sẽ trở thành trung tâm điều khiển với dữ liệu được kết nối mạng, giúp phi công kiểm soát hoàn toàn môi trường chiến đấu.

Su-37 có thể sẽ trải qua nhiều giai đoạn hiện đại hóa để tích hợp công nghệ tàng hình. Cấu trúc cải tiến với vật liệu composite và giảm tín hiệu radar, sẽ cho phép Su-37 hoạt động không chỉ như một máy bay chiến đấu có khả năng cơ động cao mà còn là một nền tảng cho các cuộc tấn công sâu. Điều này sẽ định vị Su-37 như một đối thủ cạnh tranh trực tiếp với F-22.

Su-37 sẽ là mối đe dọa đối với cả mục tiêu trên không và trên mặt đất khi được trang bị các tên lửa tầm xa như R-37M, vũ khí siêu thanh và đạn dược dẫn đường chính xác.

Nếu Su-37 vẫn được sử dụng và được hiện đại hóa, nó có thể là nền tảng chính để chuyển đổi không quân chiến đấu của Nga sang thế hệ thứ năm ngay từ những năm 2010. Thay vì tập trung vào việc phát triển Su-57 từ đầu, Nga có thể sử dụng Su-37 làm nền tảng, đẩy nhanh quá trình phát triển công nghệ và tích hợp chúng vào máy bay chiến đấu hàng loạt.

Thay vào đó, vụ tai nạn năm 2002 đã khiến Su-37 trở thành một biểu tượng chưa được hiện thực hóa, một dự án đầy tham vọng đã chết trước khi nó có thể đạt được tiềm năng đầy đủ của mình. Các công nghệ của nó không bị mất, nhưng quá trình phát triển của chúng đã bị phân tán vào các dự án sau này.

Nếu Su-37 “sống sót”, ngày nay nó có thể là một máy bay chiến đấu huyền thoại, không chỉ đối với không quân Nga mà còn đối với các lực lượng không quân trên thế giới.

Quang Hưng

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan