Nội dung chính
Công nghệ lỗi thời
Chiếc drone luồn lách dưới gầm cầu, từ từ tiếp cận thứ gì đó hình dáng giống người đang nằm trên mố của một trụ cầu bê tông.
Qua màn hình camera, người điều khiển phía Ukraine nhìn thấy một binh sĩ Nga đang say ngủ, quấn mình trong chiếc chăn đỏ, dường như không hề hay biết về cỗ máy tử thần đang vo ve ngay bên cạnh.
Vụ phục kích vô hiệu hóa người lính Nga này vào tháng trước chỉ có thể thực hiện được là nhờ chiếc drone được dẫn đường bằng cáp quang, cho phép người điều khiển duy trì kết nối trực tiếp ngay cả khi bị che khuất bởi hàng tấn bê tông.

Những cuộc tấn công đầy sáng tạo như vậy đang diễn ra khắp miền Đông Ukraine, nơi quân đội nước này đang nỗ lực làm chậm bước tiến của Nga bằng một thế hệ quadcopter mới, được điều khiển bởi những cuộn dây siêu mỏng và cực kỳ linh hoạt.
Trong cuộc chạy đua giành lợi thế trên chiến trường, drone cáp quang là một giải pháp mang hơi hướng “cổ điển” để đối phó với chiến thuật tác chiến điện tử và các rào cản vật lý mà cả hai bên đã và đang sử dụng để vô hiệu hóa hầu hết các loại máy bay không người lái thông thường. Thay vì tín hiệu vô tuyến dễ bị gây nhiễu, drone cáp quang truyền dữ liệu về cho người điều khiển thông qua sợi cáp mà nó nhả ra trong suốt hành trình bay.
“Nếu không có những chiếc drone này, tôi không chắc mình sẽ làm gì bây giờ”, một phi công hàng đầu của Lữ đoàn 68 ‘Dovbush Hornets’ của Ukraine, đơn vị đã thực hiện cuộc phục kích, cho biết. “Cáp quang chính là huyết mạch của chúng tôi.”
Cuộc chiến đã thúc đẩy một tốc độ đổi mới công nghệ chóng mặt, và sự ra đời của drone cáp quang dường như là một bước phát triển tất yếu.
Tình trạng thiếu hụt đạn pháo từ năm 2023 đã buộc Ukraine phải ngày càng phụ thuộc vào hàng triệu drone FPV (góc nhìn thứ nhất) – loại được trang bị camera và một lượng thuốc nổ nhỏ để tấn công binh lính, kho vũ khí và xe bọc thép của đối phương.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào tín hiệu vô tuyến khiến chúng trở thành mục tiêu dễ bị tấn công bởi các hệ thống tác chiến điện tử được Nga bố trí dày đặc dọc chiến tuyến dài gần 1.000 km và gắn trên các phương tiện quân sự khắp miền Đông Ukraine.
Một giải pháp mới là điều cấp thiết. Và đó là lúc drone cáp quang xuất hiện.
Thoạt nhìn, chúng không khác gì những chiếc quadcopter không dây thông thường. Nhưng điểm khác biệt nằm ở một chiếc hộp gắn trên thân, chứa một cuộn cáp quang có thể dài tới 20 km – loại cáp dùng cho Internet tốc độ cao. Sợi cáp này tạo ra một liên kết vật lý giữa drone và trạm điều khiển mặt đất.
Khi bay, sợi cáp được nhả ra từ một khe nhỏ trên hộp, đảm bảo kết nối liền mạch. Những chiếc drone này có thể được triển khai tiên phong trong các cuộc tấn công tổng lực để vô hiệu hóa hệ thống tác chiến điện tử của Nga, mở đường cho các phi đội drone điều khiển bằng sóng vô tuyến tràn vào hủy diệt mục tiêu.

Kẻ thay đổi cuộc chơi
Drone cáp quang thực sự là một “kẻ thay đổi cuộc chơi” tại các khu vực đô thị, nơi nhà cửa hay địa hình hiểm trở thường cản trở tín hiệu vô tuyến. Một người điều khiển lão luyện có thể lái drone vòng qua chướng ngại vật và tấn công đối phương từ những hướng không ngờ nhất, phá hủy xe bọc thép ẩn náu ở vùng đất trũng hay sâu trong rừng rậm. Chúng thậm chí có thể bay vào các tòa nhà và nằm chờ mục tiêu, hoặc đột nhập vào nhà xe, nhà chứa máy bay để phục kích chiếc xe tăng đầu tiên của Nga tiến vào.
“Bạn có thể cho chiếc drone này đậu trên mặt đất và chỉ việc đợi một phương tiện đi qua,” Michael Kofman, chuyên gia quốc phòng tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định. “Đây là một sự thích ứng hợp lý khi xét đến cuộc rượt đuổi không ngừng giữa drone và tác chiến điện tử trong cuộc chiến này – bên này tìm cách khắc chế bên kia.”
Đơn vị ‘Dovbush Hornets’ hiện sở hữu một trong những đội drone thiện chiến nhất quân đội. Người điều khiển 32 tuổi với biệt danh “Respected” đã mất nhiều tháng trời cố gắng thay đổi tần số của drone vô tuyến để né tránh hệ thống tác chiến điện tử của Nga. Dù đôi khi thành công trong chốc lát, phía Nga cũng nhanh chóng dò ra và gây nhiễu tần số đó.
Trong các nhiệm vụ tại Pokrovsk, một thành phố từng có 80.000 dân, những chiếc quadcopter của đơn vị “Respected” gần như không thể cất cánh khỏi mặt đất trước khi mất tín hiệu và trở nên vô dụng.
Nhưng những chiếc drone cáp quang họ nhận được vào mùa xuân vừa qua đã giải quyết triệt để vấn đề này.
“Respected”, một game thủ cuồng nhiệt từ Lviv bị gọi nhập ngũ khi đang mặc đồ ngủ dắt chó đi dạo vào mùa thu năm 2022, nhận thấy loại drone mới có thể dễ dàng vòng qua các vật cản kiên cố mà không hề mất kết nối.
Đơn vị của anh đã dùng chúng để tiêu diệt một nhóm lính Nga đang ẩn nấp trong một đoạn ống kim loại gần công trường xây dựng ở tiền tuyến. Trong một nhiệm vụ khác, họ đã điều khiển drone bay vào một ngôi trường bỏ hoang và phá hủy một kho trang thiết bị khổng lồ mà quân Nga để lại.
Một đoạn video lan truyền trên mạng cho thấy binh lính Nga bất lực dùng gậy gỗ để đập một chiếc drone cáp quang. Một clip khác ghi lại cảnh một người lính Nga chui ra khỏi nơi ẩn náu, sau khi thấy drone bay qua, đã dùng kéo cắt đứt sợi cáp, khiến chiếc drone rơi xuống.
“Chúng tạo ra một nỗi kinh hoàng tâm lý khi bạn biết rằng không có nơi nào để trốn,” Trung úy Andriy Kasianenko, đại đội trưởng thuộc Trung đoàn Drone Achilles, nói. “Bạn có thể bị tấn công trong các tòa nhà, ở những nơi trũng thấp, ở bất cứ đâu.”

Học hỏi từ quá khứ
Vũ khí được dẫn đường bằng dây không phải là khái niệm mới. Đức đã phát triển tên lửa không đối không dẫn đường bằng dây từ Thế chiến II, và tên lửa chống tăng có dây dẫn đã phục vụ trong quân đội nhiều thập kỷ.
Nga là bên đầu tiên sử dụng drone cáp quang trong cuộc chiến này và đã triển khai chúng thành công trong chiến dịch tái chiếm các khu vực thuộc Kursk vào mùa thu năm ngoái. Trong các trận chiến, một số phi công Nga đã cho drone “nằm vùng” bên lề đường, chờ đợi xe cộ của Ukraine đi qua rồi mới truy đuổi và phá hủy.
Ukraine đã phải chạy đua để bắt kịp. Họ bắt đầu huấn luyện binh sĩ sử dụng công nghệ mới này, dù đã từng thử nghiệm trước đó nhưng chưa bao giờ đưa vào thực chiến.
Trong kỷ nguyên của kết nối không dây, Ukraine nhận ra loại vũ khí này vừa là một bước tiến, vừa là một sự “lỗi thời”. Sợi cáp khiến drone trở nên cồng kềnh và thường bay chậm hơn. Dây cáp có thể bị gió lớn thổi lệch hướng, hoặc bị đứt khi vướng vào cây cối, nhà cửa. Xe tăng và các phương tiện bánh xích có thể dễ dàng cán đứt sợi cáp, làm mất hoàn toàn kết nối.
Trước một phi vụ gần đây, đơn vị của “Respected” đã phải yêu cầu người dân trong một khu mua sắm sầm uất đi đường vòng để tránh vướng vào sợi cáp. “Respected” cho biết, một nửa số chuyến bay của anh vẫn kết thúc với việc cáp bị đứt.
Trọng lượng cũng là một vấn đề. Hầu hết drone có thể mang tải trọng 3kg, nhưng một cuộn cáp quang dài 10km đã nặng khoảng 1.5kg, hạn chế đáng kể lượng thuốc nổ có thể mang theo.
“Cáp càng dài, drone càng phải lớn,” East, một phi công thuộc đơn vị của Kasianenko, giải thích. “Nhưng drone càng lớn thì càng dễ bị Nga phát hiện và bắn hạ.”
Khi drone cáp quang đến mục tiêu và phát nổ, hàng km dây cáp vẫn nằm lại trên mặt đất, phủ khắp các con đường và cánh đồng ở miền Đông và Nam Ukraine. Binh lính đã đăng tải các video họ bị vấp ngã vì dây cáp khi đi tuần. Thậm chí có người còn chụp được một tổ chim được làm hoàn toàn từ những sợi cáp quang bỏ đi.
Đây không chỉ là vấn đề môi trường. Binh lính Ukraine cho biết đối phương có thể dùng drone trinh sát để lần theo dấu vết sợi cáp về tận vị trí xuất phát.
“Với cáp quang, tốt nhất là phóng drone xong rồi di chuyển khỏi vị trí ngay,” East nói. “Việc bị truy dấu quá dễ dàng.”

Giải pháp chờ đợi tương lai
Sự xuất hiện của drone cáp quang đã tạo ra tác động lớn đến nỗi cả hai bên đều đang chạy đua để tăng cường sản xuất, đồng thời tìm cách phá hoại năng lực sản xuất của đối phương.
Sparrow Avia, một trong những nhà máy sản xuất drone lớn nhất Ukraine, cho biết họ đang quá tải vì đơn đặt hàng từ quân đội.
“Nhu cầu cực kỳ lớn,” Nikolai, giám đốc nhà máy với 220 nhân viên làm việc tại một địa điểm bí mật ở phía tây Kyiv, cho biết. Điều này diễn ra bất chấp việc drone cáp quang có giá khoảng gấp đôi drone FPV thông thường (khoảng 500 USD).
Nikolai cho biết Sparrow Avia đang sản xuất 12.000 drone cáp quang mỗi tháng và phải làm việc để đáp ứng các đơn hàng đã đặt trước cả năm. “Chúng tôi không thể sản xuất kịp,” ông nói và đặt mục tiêu đạt 20.000 chiếc mỗi tháng vào cuối năm nay.
Nhưng hiện tại, sự phụ thuộc vào Trung Quốc khiến họ rất dễ bị tổn thương.
“Nếu Trung Quốc ngừng cung cấp loại cáp này, tất cả các hoạt động bay bằng drone cáp quang ở Ukraine sẽ phải dừng lại ngay lập tức,” ông cảnh báo.
Trung úy Kasianenko, đại đội trưởng Achilles, cho biết những chiếc drone này sẽ tiếp tục được sử dụng cho các mục tiêu đặc thù mà drone thông thường không thể với tới, mở đường cho các loại đạn dược điều khiển bằng sóng vô tuyến tấn công.
Để đối phó, ông và các chỉ huy Ukraine khác hình dung về một tương lai nơi các cánh đồng gần tiền tuyến sẽ được bố trí những thiết bị giống như lưỡi kéo, sẵn sàng cắt đứt bất kỳ sợi cáp quang nào vắt ngang qua.
Nhưng có lẽ đến lúc đó, cuộc cách mạng công nghệ đã sang một trang mới, với các quadcopter dẫn đường bằng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tự động khóa mục tiêu và thay đổi tần số để tránh bị vô hiệu hóa.
“Sau cùng, tất cả các tần số vô tuyến cho hầu hết drone sẽ bị gây nhiễu hoàn toàn,” Kasianenko dự đoán. “Chẳng bao lâu nữa, hệ thống tự dẫn đường sẽ là tương lai.”
Cho đến khi đó, những sợi cáp quang mỏng manh vẫn sẽ tiếp tục giăng mắc khắp các vùng chiến sự, bao phủ những cánh đồng và thị trấn đổ nát như một mạng nhện khổng lồ, lấp lánh dưới ánh mặt trời.
Đọc bài gốc tại đây.