Nội dung chính
F-16 Ukraine lần đầu bị hạ trong đòn phủ đầu bằng UAV và tên lửa
Đêm 28/6/2025, vùng trời Chernihiv bốc cháy trong một cơn bão lửa khi Nga tung ra cuộc không kích lớn chưa từng có, huy động 537 phương tiện tấn công đường không gồm 477 UAV – chủ yếu là loại Geran-2 (Shahed-136), cùng 60 tên lửa các loại như Kinzhal, Kalibr, Iskander và Kh-101.
Trong nỗ lực đánh chặn đợt tấn công quy mô này, một chiếc F-16 của Không quân Ukraine đã bị bắn hạ. Phi công, Trung tá Maksym Ustymenko, thiệt mạng sau khi phá hủy được bảy mục tiêu và cố gắng lái máy bay tránh khu dân cư nhưng không kịp nhảy dù.

Tổn thất này đánh dấu lần đầu tiên một chiếc F-16 của Ukraine – dòng máy bay chiến đấu biểu tượng do Mỹ viện trợ, bị bắn rơi trong tác chiến. Bộ Quốc phòng Ukraine xác nhận máy bay rơi ở Chernihiv trong khi đang tham gia đánh chặn UAV và tên lửa hành trình. Hiện chưa rõ nguyên nhân trực tiếp: liệu máy bay bị trúng đạn, trúng mảnh vỡ của mục tiêu bị tiêu diệt, hay gặp sự cố kỹ thuật. Một ủy ban điều tra đặc biệt với sự tham gia của chuyên gia quốc tế đang phân tích xác máy bay để làm rõ.
Dù Ukraine tuyên bố đã bắn hạ 436 UAV và 38 tên lửa trong tổng số 537 mục tiêu, tổn thất về người và khí tài cho thấy đòn tập kích của Nga được tính toán kỹ lưỡng nhằm vào các điểm yếu trong hệ thống phòng không hỗn hợp của Ukraine, đặc biệt là nhóm F-16 vừa được biên chế chưa đầy một năm.
F-16 không phải “lá chắn thần kỳ”
F-16 Fighting Falcon do Lockheed Martin phát triển từ thập niên 1970 là chiến đấu cơ đa nhiệm nổi bật nhờ tốc độ Mach 2, bán kính chiến đấu khoảng 565 km với nhiên liệu trong thân, tích hợp radar AN/APG-66 hoặc AN/APG-68 với khả năng dò tìm mục tiêu đến 180 km. Vũ khí đi kèm gồm tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM và AIM-9 Sidewinder, cùng bom dẫn đường JDAM. Đây là bước nhảy vọt so với MiG-29 hay Su-27 mà Ukraine từng vận hành.
Tuy nhiên, F-16 không được thiết kế để đối đầu với các mục tiêu bay chậm, nhỏ và tàng hình radar như Geran-2. Những UAV tự sát này có giá chỉ khoảng 20.000 USD, tầm bay trên 2.000 km và mang đầu nổ 50 kg, khiến việc sử dụng chiến đấu cơ trị giá hàng chục triệu USD để đánh chặn trở nên phi lý. Chưa kể, F-16 yêu cầu tới 16 giờ bảo trì cho mỗi giờ bay – gánh nặng lớn trong điều kiện Ukraine thiếu phi công lẫn hậu cần.

Từ giữa năm 2024, Ukraine bắt đầu nhận lô F-16 đầu tiên từ các nước NATO gồm Hà Lan (24 chiếc), Đan Mạch (19), Na Uy (12) và Bỉ (30), với tổng số cam kết khoảng 85 chiếc. Tuy nhiên, một phần được dùng để huấn luyện tại Trung tâm F-16 châu Âu đặt tại Romania, khiến số lượng thực chiến ở tiền tuyến ước tính chỉ khoảng 50 máy bay vào đầu năm 2025.
Trong thực tế, F-16 chủ yếu làm nhiệm vụ đánh chặn tên lửa hành trình, UAV và hỗ trợ hỏa lực tầm xa, kể cả các phi vụ tấn công qua biên giới sang vùng Kursk của Nga. Dù radar và tên lửa của F-16 vượt trội MiG-29 với hệ thống N019 lỗi thời, nhưng khi đối đầu với chiến thuật bão hỏa lực giá rẻ của Nga, lợi thế công nghệ cũng khó phát huy hiệu quả. Điều này khiến giới chỉ huy Ukraine ngày càng dè dặt trong việc sử dụng F-16 cho nhiệm vụ đánh chặn UAV, thay vào đó cần ưu tiên các tổ hợp mặt đất như Patriot hay NASAMS.
Không quân Nga chuyển mình
Từ khi xung đột bùng phát đầu năm 2022, Nga đã nhanh chóng chuyển từ lối đánh truyền thống bằng chiến đấu cơ có người lái sang chiến tranh không đối xứng sử dụng UAV và tên lửa hành trình. Đòn tập kích ngày 29/6 cho thấy sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các lớp vũ khí: UAV giá rẻ Geran-2, tên lửa hành trình Kh-101 với tầm bắn 2.800 km, tên lửa siêu vượt âm Kinzhal bay Mach 10 gần như không thể đánh chặn, cùng Iskander, Kalibr phóng từ tàu chiến, tạo thành lưới hỏa lực tấn công đồng loạt vào hệ thống phòng không Ukraine.
Phương pháp này tương tự chiến lược Iran từng dùng tại Trung Đông: tập kích với số lượng lớn, giá rẻ, ép đối phương phải tiêu hao tên lửa phòng không đắt đỏ. Đòn đánh ngày 29/6 nối tiếp cuộc tập kích quy mô 499 mục tiêu hôm 9/6, chứng tỏ Moskva đang đẩy chiến sự sang giai đoạn tiêu hao và kiệt quệ năng lực phòng thủ của Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố “tất cả mục tiêu định trước đều bị phá hủy”, trong khi phía Ukraine khẳng định phần lớn bị đánh chặn. Tuy nhiên, việc mất thêm một chiếc F-16 – chiếc thứ tư kể từ khi biên chế, là đòn đau cả về chiến thuật lẫn tâm lý. Đặc biệt khi chỉ cần một chiếc UAV vài chục nghìn USD cũng có thể tiêu hao hoặc phá hủy tiêm kích trị giá hàng chục triệu USD.
Hồi chuông cảnh tỉnh cho phương Tây
Tổn thất ngày 29/6 chứng minh một điều rõ ràng: dù F-16 có hiện đại đến đâu, nếu sử dụng sai chiến thuật và không phù hợp với mục tiêu, chúng vẫn có thể bị tổn thất nặng nề. Trong bối cảnh Ukraine tiếp tục nhận viện trợ vũ khí phương Tây, từ máy bay tới hệ thống phòng không, câu hỏi đặt ra là: liệu phương Tây có đang giúp Ukraine sử dụng đúng công cụ cho đúng trận tuyến?
Nếu không điều chỉnh, những vũ khí đắt đỏ như F-16 sẽ tiếp tục bị rút cạn giá trị trên chiến trường được thiết kế để tiêu hao, nơi Moskva rõ ràng đã hiểu rõ quy luật chi phí – hiệu quả hơn bất cứ ai.
Quang Hưng (Theo Bulgarianmilitary)
Đọc bài gốc tại đây.