
.t1 { text-align: justify; }
Tập đoàn Uralvagonzavod của Nga đã bày tỏ mong muốn hợp tác với Ấn Độ, bao gồm việc bán phiên bản “nội địa hóa” của xe tăng T-14 Armata cho New Delhi.
Nếu có đủ sự quan tâm, chiếc MBT này sẽ được sản xuất tại những cơ sở của quốc gia Nam Á với sự tham gia của các chuyên gia địa phương.
Bản thân người Nga tuyên bố rằng phiên bản T-14 Armata “nội địa hóa” có thể trở thành cơ sở để thực hiện dự án riêng của Ấn Độ nhằm tạo ra thế hệ MBT mới, đó là NGMBT (Xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ tiếp theo), và đối tác tiềm năng của Ấn Độ dự báo sẽ là Trung tâm nghiên cứu xe chiến đấu (CVRDE).
Tuy nhiên theo cổng thông tin ZBiAM của Ba Lan, thực chất đề xuất nêu trên là nỗ lực của chính Liên bang Nga, nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản của dự án xe tăng T-14 Armata bằng cách sử dụng công nghệ nước ngoài.
Cụ thể, phía Nga tuyên bố chưa sẵn sàng bán phiên bản T-14 Armata cơ sở cho Ấn Độ, nhưng dường như đã sẵn sàng cung cấp biến thể “nội địa hóa” được trang bị động cơ diesel DATRAN-1500HP do Ấn Độ sản xuất, có công suất 1.500 mã lực.
Cần nói thêm trong khuôn khổ chương trình sản xuất xe tăng T-90 Bhishma của Ấn Độ, Uralvagonzavod cung cấp tới 83% số lượng linh kiện cần thiết, trong khi bản thân New Delhi chỉ tự sản xuất thiết bị điện tử cho chiếc MBT này.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata của Nga trong một cuộc duyệt binh.
Một trong những vấn đề cơ bản của dự án T-14 Armata là độ tin cậy của hệ thống động lực. Và nếu chúng ta nhắc lại việc người Nga từng thừa nhận Armata chưa thể chiến đấu, thì kết quả có vẻ hợp lý khi mà đến đầu năm 2024, Moskva chỉ còn khoảng 20 chiếc T-14, được sản xuất như một phần của loạt thử nghiệm.
Theo những gì diễn ra, kế hoạch sản xuất xe tăng T-14 Armata của tổ hợp công nghiệp quân sự Nga vào năm 2023 với số lượng 29 xe đã bị phá sản. Đến đầu năm 2024, dự định trên chính thức “xì hơi”, tiến độ thực hiện vẫn chưa rõ.
Trong bối cảnh này, có thể suy luận một cách hợp lý rằng Liên bang Nga đang cố gắng tranh thủ sự hỗ trợ công nghệ từ tổ hợp công nghiệp quốc phòng Ấn Độ để giải quyết các vấn đề cơ bản liên quan tới độ tin cậy của động cơ Armata, và đưa loại xe tăng này vào sản xuất quy mô nhỏ.
Đọc bài gốc tại đây.