Trang chủ Công nghệCNQP Tiêm kích tàng hình F-22 sắp trở thành ‘tổng chỉ huy’ trên bầu trời

Tiêm kích tàng hình F-22 sắp trở thành ‘tổng chỉ huy’ trên bầu trời

bởi Admin
0 Lượt xem

F-22 là máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không tiên tiến, có khả năng đạt tốc độ tối đa 2.414 km/h.

F-22 dẫn đầu cuộc cách mạng phối hợp người – UAV

Không quân Mỹ đang chuẩn bị nâng cấp các tiêm kích F-22 Raptor nhằm biến chúng thành nền tảng chỉ huy trên không cho các Máy bay Chiến đấu Hợp tác (Collaborative Combat Aircraft – CCA).

Đây là bước tiến quan trọng trong việc tích hợp hệ thống không người lái vào năng lực không chiến thế hệ năm.

Theo trang The War Zone, F-22 sẽ là nền tảng tác chiến đầu tiên có khả năng kiểm soát CCA, với hệ thống điều khiển mới sử dụng máy tính bảng dự kiến được lắp đặt từ năm tài khóa 2026.

Theo yêu cầu ngân sách của Không quân Mỹ cho năm 2026, chương trình mang tên chính thức là Tích hợp Nền tảng có người lái (Crewed Platform Integration – CPI) sẽ bắt đầu với kinh phí 15 triệu USD để nâng cấp các tiêm kích F-22 đã sẵn sàng chiến đấu.

Trong tổng số 185 chiếc F-22, có 143 chiếc trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, số còn lại dùng cho huấn luyện và thử nghiệm.

Chương trình CPI sẽ trang bị 142 bộ điều khiển buồng lái – chủ yếu là máy tính bảng chịu va đập và hệ thống dây cáp truyền thông – cho các tiêm kích F-22 nhằm kết nối với CCA trong các nhiệm vụ tương lai. Mỗi bộ thiết bị có chi phí ước tính khoảng 86.218 USD.

Các hệ thống này cho phép phi công ra lệnh theo thời gian thực cho UAV trong khi bay, thông qua giao diện cảm ứng được tích hợp trong buồng lái.

Không quân Mỹ chưa công bố chính xác phương thức liên lạc giữa F-22 và UAV đồng hành, song hệ thống Dữ liệu Liên kết Trong Chuyến bay (Inter-Flight Data Link – IFDL), vốn được dùng để chia sẻ dữ liệu giữa các F-22, được cho là phương án khả thi do có khả năng chống gây nhiễu cao.

Các thử nghiệm trước đây với UAV XQ-58A Valkyrie cũng đã khảo sát khả năng cầu nối dữ liệu giữa F-22 và F-35, mở rộng thêm lựa chọn kiến trúc truyền thông cho chương trình CCA.

UAV “trung thành” sẽ sớm vào biên chế chiến đấu

Song song với chương trình CPI, Không quân Mỹ cũng đề xuất ngân sách 870 triệu USD trong năm tài khóa 2026 để tiếp tục phát triển đội UAV CCA. Hai nguyên mẫu giai đoạn đầu là YFQ-42A của General Atomics và YFQ-44A của Anduril hiện đang trong quá trình chế tạo.

Không quân Mỹ dự kiến sẽ mua từ 100 đến 150 chiếc trong đợt đầu, với mục tiêu lâu dài là sở hữu hơn 1.000 phương tiện bay không người lái thuộc đội hình CCA. Thời điểm chính thức đưa vào sử dụng dự kiến trước cuối thập kỷ này.

Tầm nhìn dài hạn của Không quân Mỹ đối với CCA là kết hợp các UAV này không chỉ với F-22, mà còn với F-35 Lightning II, chiến đấu cơ tương lai thuộc chương trình Thống trị Trên Không Thế hệ Tiếp theo (Next Generation Air Dominance – NGAD), thường được gọi là F-47, cũng như các tài sản chiến lược như máy bay ném bom B-21 Raider và máy bay tiếp dầu trên không.

Tính tương thích đa nền tảng là một trong các ưu tiên, với sự phối hợp giữa Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ nhằm xây dựng kiến trúc chỉ huy và điều khiển chung.

Lockheed Martin – nhà thầu chính của chương trình F-22 và F-35 – đã từng trình diễn hệ thống phối hợp người – máy bay không người lái, cho phép một phi công điều khiển nhiều UAV ngay từ trong buồng lái. Hệ thống này sử dụng màn hình cảm ứng dạng máy tính bảng, giúp ra lệnh chiến thuật cho UAV mà không gây quá tải công việc cho phi công.

“Hệ thống cho phép phi công ra lệnh cho nhiều UAV cùng tấn công mục tiêu đối phương chỉ bằng một chiếc máy tính bảng,” Lockheed Martin cho biết hồi đầu năm nay.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan