Trang chủ Công nghệCNQP Tên lửa “rẻ tiền” của Nga thành khắc tinh với tàu sân bay đắt đỏ Mỹ

Tên lửa “rẻ tiền” của Nga thành khắc tinh với tàu sân bay đắt đỏ Mỹ

bởi Admin
0 Lượt xem

Tên lửa đạn đạo siêu thanh Oreshnik của Nga, tiếp tục khuấy động cộng đồng nghiên cứu quân sự bởi sự nguy hiểm. Nhiều chuyên gia đã đặt ra câu hỏi: Liệu tên lửa này có thể là mối đe dọa nghiêm trọng đối với tàu sân bay Mỹ không? Sự tồn tại của tàu sân bay có còn ý nghĩa trước sự xuất hiện của tên lửa Oreshnik?

Tàu sân bay

Tàu sân bay là yếu tố then chốt trong chiến lược hải quân hiện đại, là nền tảng cơ động giúp triển khai sức mạnh vượt xa biên giới quốc gia. Nhiệm vụ chính của tàu sân bay là duy trì ưu thế trên không, tấn công các mục tiêu trên bộ và trên biển, thu thập thông tin tình báo và điều phối các hoạt động quân sự.

Khả năng triển khai nhiều loại máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay trinh sát của tàu sân bay khiến chúng trở nên không thể thiếu, trong các hoạt động ở những khu vực hạn chế tiếp cận hoặc không có cơ sở hạ tầng cho máy bay trên đất liền.

Ngoài ra, chúng còn đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động viện trợ nhân đạo, sơ tán và là biểu tượng của các cường quốc trên vùng biển quốc tế.

Mặt khác, tàu sân bay là nền tảng phức tạp và tốn kém, đòi hỏi nguồn lực đáng kể để bảo trì, bảo vệ và hậu cần. Chúng thường phụ thuộc vào tàu chiến và tàu ngầm đi kèm để đảm bảo an toàn trong các khu vực có nguy cơ bị tấn công cao.

Với sự phát triển của các công nghệ vũ khí mới, chẳng hạn như tên lửa siêu thanh và hệ thống ngầm tự động, tính dễ tổn thương của tàu sân bay ngày càng tăng, làm dấy lên nghi ngờ về hiệu quả của chúng trong các cuộc xung đột cường độ cao tiềm tàng.

Tên lửa Oreshnik

Tên lửa Oreshnik của Nga là loại tên lửa siêu thanh có thể trang bị nhiều đầu đạn, nó đã thu hút sự chú ý đáng kể sau cuộc tấn công vào một nhà máy của Ukraine ở Dnipro trong thời gian gần đây.

Sự kiện này đã mở ra câu hỏi về tính hiệu quả và sự cần thiết của tàu sân bay truyền thống trong chiến tranh hiện đại, đặc biệt là khi phải đối mặt với công nghệ tên lửa ngày càng tiên tiến.

Tên lửa siêu thanh Oreshnik, với khả năng mang nhiều đầu đạn, điều này có nghĩa là nhiều đầu đạn có thể được bắn vào một mục tiêu trong một vùng rộng cùng một lúc.

Chiến thuật này đặc biệt nguy hiểm đối với các mục tiêu có tầm quan trọng chiến lược như tàu sân bay, nơi mà ngay cả với hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại cũng khó có thể chống lại một cuộc tấn công như vậy.

Tàu sân bay phải dựa vào một số lượng lớn các hệ thống vũ khí hỗ trợ để chống lại các cuộc tấn công. Nhưng vấn đề phát sinh khi nhiều tên lửa tấn công tàu cùng một lúc. Oreshnik có thể mang nhiều đầu đạn lớn, sẽ áp đảo hệ thống phòng thủ của tàu sân bay.

Ngay cả khi không phải tất cả tên lửa đều thành công trong việc đánh trúng tàu sân bay, thì cuộc tấn công vẫn có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Ví dụ, hệ thống dẫn đường, hệ thống liên lạc hoặc sàn máy bay, vốn rất quan trọng đối với hoạt động của tàu.

Nếu Oreshnik tấn công dù chỉ một bộ phận trong các chức năng cốt lõi của tàu sân bay, nó sẽ khiến tàu phải rút lui để sửa chữa, làm mất khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Mục tiêu của Oreshnik có thể là vô hiệu hóa tàu sân bay mà không phá hủy hoàn toàn. Một cuộc tấn công vào boong tàu, nơi máy bay được bố trí, có thể khiến chúng không thể sử dụng được, làm giảm khả năng thực hiện các nhiệm vụ chính của tàu.

Nếu tên lửa tấn công vào các khu vực lưu trữ quan trọng được sử dụng để chứa vật tư và đạn dược, nó có thể gây ra khó khăn nghiêm trọng về mặt hậu cần, buộc tàu phải rút lui do nguồn cung hạn chế.

Trong trường hợp xảy ra tấn công hạt nhân, ngay cả khi sử dụng đầu đạn nhỏ hơn, bức xạ và tác động nhiệt vẫn có thể gây ra thiệt hại không thể khắc phục được, khiến tàu sân bay không thể hoạt động trong một thời gian dài.

Tương lai của tàu sân bay

Tàu sân bay là một trong những phương tiện quân sự đắt đỏ nhất thế giới, với chi phí sản xuất ước tính khoảng 10 tỷ đô la cho các lớp mới nhất, chẳng hạn như lớp “Nimitz” hoặc “Ford” của Hải quân Mỹ. Những con tàu này không chỉ đòi hỏi khoản đầu tư ban đầu khổng lồ mà còn cần chi phí liên tục cho việc bảo trì, sửa chữa, thủy thủ đoàn, nhiên liệu và vũ khí.

Tuổi thọ trung bình của một tàu sân bay là khoảng 50 năm, nhưng trong thời gian này, nó sẽ trải qua nhiều lần sửa chữa, nâng cấp và đòi hỏi chi phí hậu cần tốn kém.

Đồng thời, tên lửa siêu thanh như Oreshnik là khoản đầu tư nhỏ hơn đáng kể so với máy bay và thiết bị đi kèm của tàu sân bay.

Theo nhiều nguồn tin, chi phí sản xuất một tên lửa Oreshnik tương đương với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars của Nga, có giá khoảng 30 triệu đô la vào năm 2011. Trong điều kiện hiện tại, với lạm phát và những tiến bộ công nghệ, chi phí của tên lửa Oreshnik có thể lên tới khoảng 40,3 triệu đô la vào năm 2023.

Sự chênh lệch chi phí này đặt ra câu hỏi về tính hợp lý về tài chính khi đầu tư vào tàu sân bay, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ vũ khí hiện đại đang phát triển. Tên lửa siêu thanh không chỉ rẻ hơn đáng kể mà còn có hiệu quả đối với các mục tiêu có giá trị cao.

Một số nhà chiến lược quân sự chỉ ra rằng, xét đến giá trị tương đối của tên lửa siêu thanh so với tàu sân bay và tính dễ bị tổn thương của chúng, tương lai của các nền tảng hải quân lớn đang bị đặt dấu hỏi. Việc sản xuất tên lửa như Oreshnik có thể được coi là giải pháp thay thế hiệu quả và tiết kiệm, điều này cũng vô tình đẩy những chiếc tàu sân bay dần trở thành dĩ vãng.

Quang Hưng

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan