Sau gần hai tuần giao tranh quyết liệt giữa Iran và Israel bắt đầu từ ngày 13/6, cuộc đối đầu đã chứng kiến bước ngoặt chiến lược khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) lần đầu tiên sử dụng tên lửa đạn đạo mang nhiều đầu đạn tấn công vào lãnh thổ Israel.
Cụ thể, trong đợt tập kích tên lửa thứ 21 diễn ra ngày 23/6, Tehran đã khai hỏa biến thể Kheibar Shekan – dòng tên lửa có khả năng mang nhiều đầu đạn dẫn đường chính xác, nhắm vào hàng loạt mục tiêu trọng yếu, từ sân bay Ben Gurion, cơ sở nghiên cứu sinh học, đến các trung tâm chỉ huy quân sự đầu não.

Sự kiện này được đánh giá là bước leo thang mới trong học thuyết tên lửa chiến lược của Iran, đồng thời phơi bày điểm yếu nghiêm trọng trong khả năng đánh chặn của các hệ thống phòng không Israel, dù chúng thuộc hàng tinh vi nhất khu vực.
“Kẻ tiêu hao tài nguyên phòng không”
Trong khi giới quan sát vẫn đang mổ xẻ tác động khủng khiếp từ lần đầu tiên Iran đưa vào chiến đấu tên lửa mang phương tiện lướt siêu vượt âm Fattah – loại vũ khí có vận tốc Mach 13 – 15 mà ngay cả hệ thống đánh chặn Arrow-3 cũng bất lực, thì mối đe dọa từ Kheibar Shekan lại nằm ở một khía cạnh hoàn toàn khác.
Không sở hữu tốc độ quá siêu vượt âm, cũng không có thiết kế đột phá về khí động học, nhưng chính khả năng mang nhiều đầu đạn và đánh trúng nhiều mục tiêu trong một đợt phóng đã khiến Kheibar Shekan trở thành “kẻ tiêu hao tài nguyên phòng không” hiệu quả nhất.

Trong bối cảnh kho đạn tên lửa đánh chặn của Israel đang bị cạn kiệt nhanh chóng sau hơn 60 đợt đánh chặn liên tiếp, mỗi quả tên lửa đa đầu đạn của Iran có thể khiến đối phương phải tiêu tốn từ 4-6 tên lửa phòng thủ để đối phó, một tỷ lệ tiêu hao vô cùng bất lợi về mặt chiến lược.
Về mặt thiết kế, Kheibar Shekan là biến thể cải tiến từ các dòng Fateh trước đó, sử dụng nhiên liệu rắn, có tầm bắn khoảng 1.400 km và trọng lượng nhẹ hơn so với các dòng Shahab đời cũ. Dù là một mẫu cũ hơn, dòng tên lửa này lại có khả năng mang tải trọng lớn, đủ để tích hợp 3-4 đầu đạn con có dẫn đường riêng biệt.
Mặc dù hiện chưa có bằng chứng xác thực việc các đầu đạn này có khả năng tự lựa chọn mục tiêu độc lập (MIRV theo đúng nghĩa), nhưng phía Iran khẳng định rằng mỗi đầu đạn vẫn có hệ thống dẫn hướng chính xác riêng biệt, đủ để tấn công các mục tiêu tách biệt nằm trong khu vực giới hạn. Điều này lý giải vì sao trong các đợt tập kích gần đây, chỉ một quả tên lửa được phóng đã gây ra thiệt hại ở nhiều cơ sở khác nhau trên khắp khu vực trung tâm Israel, buộc hệ thống phòng thủ phải “chia lửa” và phản ứng trong trạng thái hỗn loạn.
Trong bối cảnh truyền thông Israel áp đặt kiểm duyệt chặt chẽ, các hình ảnh và đoạn phim được hé lộ từ hiện trường các vụ nổ ở Tel Aviv cho thấy mức độ chính xác cao bất thường của các đợt tấn công. Điều này làm dấy lên giả thiết rằng các đầu đạn con của Kheibar Shekan có thể đã sử dụng công nghệ dẫn đường quán tính kết hợp với GPS hoặc GLONASS, cho phép tiếp cận mục tiêu với sai số chỉ vài mét.

Chiến thuật mới
Từ góc nhìn học thuyết, việc sử dụng tên lửa tầm trung mang nhiều đầu đạn dẫn đường là điều hiếm thấy, khi khái niệm này từ lâu vốn chỉ phổ biến với các tên lửa xuyên lục địa (ICBM) như Minuteman-III hay Topol-M. Chính vì vậy, màn phô diễn hỏa lực mới của Iran đang trở thành “phòng thí nghiệm chiến tranh” mà các cường quốc như Trung Quốc, Nga hay Triều Tiên sẽ theo dõi sát sao để áp dụng cho chính các dòng tên lửa tầm trung tương lai của họ.
Sự xuất hiện của những loại tên lửa như Kheibar Shekan cũng đặt ra bài toán đau đầu cho Israel – quốc gia từng tự tin sở hữu lưới lửa phòng không nhiều tầng với Arrow-2/3, David’s Sling, Barak-8 và Iron Dome. Trong khi các hệ thống này vốn được thiết kế để đối phó với đòn tấn công đơn lẻ, có quỹ đạo rõ ràng, thì sự phức tạp của các đầu đạn con, bay ở tốc độ khác nhau, quỹ đạo lệch pha, đồng thời tấn công các khu vực khác nhau, khiến thuật toán đánh chặn trở nên vô cùng khó khăn.
Càng về cuối giai đoạn xung đột, số lượng tên lửa đánh chặn của Israel – vốn có giá từ vài triệu USD mỗi quả – tiêu hao ngày một lớn, buộc nước này phải tính đến việc “nhường đòn” cho một số mục tiêu thứ yếu, nhằm bảo toàn năng lực bảo vệ các khu vực trọng yếu hơn.

Trong khi truyền thông phương Tây vẫn giữ khoảng cách dè dặt với thông tin từ phía Iran, giới chuyên gia quân sự khu vực đã bắt đầu xem việc Tehran đưa vào thực chiến Kheibar Shekan như một dấu mốc lớn. Không chỉ vì khả năng răn đe tăng vọt, mà còn bởi sự thay đổi tư duy sử dụng vũ khí tấn công tầm trung trong chiến tranh hiện đại. Với việc chi phí cho mỗi quả Kheibar Shekan được cho là chỉ bằng 1/10 so với tổng lượng đạn phòng thủ cần để đánh chặn nó, đây có thể là công thức khiến các đối thủ giàu có hơn cũng phải “nghẹt thở” nếu đối đầu kéo dài.
Chiến thuật dùng tên lửa đa đầu đạn kết hợp với phương tiện lướt siêu vượt âm và UAV cảm tử hiện nay cho thấy Iran đang từng bước xây dựng một học thuyết tấn công phi đối xứng kiểu mới, nơi ưu thế tài chính hay công nghệ không còn là yếu tố quyết định tuyệt đối.
Trong các cuộc chiến tranh hiện đại, chiến thắng không chỉ đến từ việc sở hữu vũ khí tối tân, mà còn từ khả năng khai thác điểm yếu trong hệ thống tác chiến của đối phương, điều mà Tehran đã làm rất rõ trong 11 ngày vừa qua.
(Theo Military Watch)
Đọc bài gốc tại đây.