Kẽ hở trong lá chắn Mỹ
Alaska – vùng đất xa xôi và băng giá từng là tuyến phòng thủ đầu tiên của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh, đang trở lại tâm điểm trong những toan tính chiến lược toàn cầu. Với vị trí chỉ cách lãnh thổ Nga vỏn vẹn 88km qua eo biển Bering, Alaska không chỉ là cửa ngõ dẫn vào lục địa Bắc Mỹ mà còn là tấm lá chắn phía bắc dễ bị xuyên thủng nhất trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc lớn ngày càng gay gắt.
Tuy nhiên, việc Mỹ bất ngờ huỷ bỏ kế hoạch mua sắm máy bay cảnh báo sớm E-7 Wedgetail đã tạo ra khoảng trống trong khả năng phòng không-không quân của nước này, đặc biệt trước mối đe dọa ngày càng rõ rệt từ Nga.
Trong các bài phân tích mới đây, giới chuyên gia quân sự Nga chỉ ra rằng chính khoảng trống radar và khả năng phản ứng chậm tại Alaska, có thể sẽ trở thành điểm đột phá quan trọng nếu xảy ra xung đột quy mô lớn. Trong khi địa hình hiểm trở và thời tiết khắc nghiệt vốn đã khiến việc triển khai quân sự tại đây vô cùng phức tạp, thì việc thiếu vắng một nền tảng chỉ huy – kiểm soát tầm xa trên không như E-7 khiến khả năng nhận biết sớm và phản ứng trước mối đe dọa bị thu hẹp đáng kể.

Chiến đấu cơ Su-57. Ảnh The War Zone
Trước đây, Mỹ sử dụng E-3 Sentry – dòng máy bay ra mắt từ thập niên 1970 làm xương sống cho mạng lưới cảnh báo sớm. Tuy nhiên, với radar lỗi thời, khả năng phát hiện mục tiêu tàng hình kém và nhu cầu bảo trì ngày càng tăng, E-3 gần như không còn phù hợp trước các chiến đấu cơ thế hệ 5 như Su-57 của Nga hay J-20 của Trung Quốc.
Trong khi đó, E-7 Wedgetail – vốn sử dụng radar MESA cho khả năng bao phủ 360 độ và phát hiện mục tiêu ở cự ly trên 320km lại bị loại khỏi ngân sách quốc phòng do ưu tiên dồn cho các lĩnh vực khác như không gian, vũ khí siêu vượt âm hay tác chiến mạng.
Lằn ranh đỏ mờ dần
Động thái cắt giảm E-7 khiến giới quan sát lo ngại rằng Nga sẽ tận dụng thời cơ để “thăm dò” vùng trời Alaska bằng những khí tài tiên tiến nhất, điển hình là Su-57 Felon. Với thiết kế tàng hình, khả năng siêu hành trình và hệ thống cảm biến tích hợp tiên tiến, Su-57 được ví như “bóng ma” khó lường trên không trung.
Không những vậy, vai trò hộ tống máy bay ném bom tầm xa như Tu-95 Bear hay Tu-160 Blackjack – vốn thường xuyên tuần tra sát không phận Alaska khiến Su-57 trở thành nhân tố chiến thuật mang tính quyết định, trong việc xuyên phá hệ thống phòng không Mỹ.
Khả năng phối hợp giữa Su-57 và lực lượng ném bom chiến lược cho phép Nga tạo ra mối đe dọa đa tầng: các tiêm kích thế hệ 5 dọn đường, vô hiệu hóa radar và máy bay đánh chặn như F-22, để các oanh tạc cơ tiến sâu hơn vào không phận gần Alaska. Điều đáng lo ngại là với tầm bắn vượt 1.500km của các tên lửa hành trình mà Tu-95 và Tu-160 mang theo, những căn cứ trọng yếu như Eielson hay Elmendorf có thể lọt vào vùng nguy hiểm nếu không được cảnh báo sớm.
Dù sở hữu ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới, Mỹ lại đang đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan ở Alaska. Cơ sở hạ tầng cũ kỹ, khoảng cách địa lý xa xôi và môi trường khắc nghiệt đã là rào cản truyền thống. Giờ đây, thêm việc thiếu nền tảng AEW&C hiện đại khiến mọi giải pháp tăng cường tiêm kích như F-22 hay F-35 đều trở nên “nửa vời”, nếu không có cảnh báo sớm đủ nhanh.

Tu-160 của Nga. Ảnh ABC News
Dù vẫn còn các radar mặt đất của NORAD hay vệ tinh giám sát trên quỹ đạo, giới quân sự Mỹ thừa nhận rằng hiệu quả thời gian thực của các phương tiện này không thể so với máy bay cảnh báo sớm bay vòng trên không phận khu vực. Các phương án thay thế như nâng cấp E-3 hay sử dụng UAV giám sát như MQ-4C Triton vẫn đang bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn ngân sách và kỹ thuật.
Trong khi đó, Nga liên tục tăng tần suất hoạt động của máy bay ném bom gần không phận Mỹ, còn Trung Quốc âm thầm mở rộng ảnh hưởng ở Bắc Cực thông qua đầu tư và diễn tập liên quân với Moskva.
Đọc bài gốc tại đây.