Soi từng quả tên lửa phóng đến
Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tối tân nhất của Israel – lá chắn Arrow – vừa trải qua cuộc “thử lửa” trong lần đối đầu trực tiếp thứ ba với Iran. Hai cuộc chạm trán trước đó vào năm ngoái đã giúp nhà sản xuất có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc chiến lần này, một cuộc chiến được xem là cam go nhất từ trước đến nay.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Business Insider, ông Boaz Levy, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI), cho biết công ty đang “phân tích từng vụ tấn công tên lửa” nhắm vào Israel một cách riêng lẻ, dù đó là một quả tên lửa đơn lẻ hay một đợt tấn công dồn dập.

“Chúng tôi đã rút ra được nhiều bài học quý giá về cách vận hành hệ thống, về năng lực của các mối đe dọa và nhiều hơn thế nữa,” ông chia sẻ.
Các hệ thống Arrow tiên tiến này là sản phẩm hợp tác giữa IAI và nhà thầu hàng không vũ trụ Boeing của Mỹ. Phiên bản Arrow 2, được triển khai lần đầu vào năm 2000, có khả năng đánh chặn tên lửa ở tầng thượng quyển. Phiên bản mới hơn là Arrow 3, đi vào hoạt động từ năm 2017, thậm chí có thể tiêu diệt mục tiêu ngoài không gian.
Cả hai hệ thống Arrow đều sử dụng tên lửa đánh chặn hai tầng đẩy, nhiên liệu rắn để phá hủy các tên lửa đạn đạo của đối phương. Chúng cùng nhau tạo nên tầng phòng thủ cao nhất trong mạng lưới phòng không trứ danh của Israel, mà trong đó, hệ thống Vòm Sắt (Iron Dome) chống rocket, đạn cối và pháo binh là nổi tiếng hơn cả.
Dù đã tham chiến nhiều năm, hệ thống Arrow phải đối mặt với một thử thách chưa từng có vào tháng 4 năm 2024, khi Iran phóng khoảng 120 tên lửa đạn đạo vào Israel trong một cuộc tấn công quy mô lớn kết hợp cả tên lửa hành trình và máy bay không người lái. Gần như toàn bộ các mối đe dọa này đã bị bắn hạ.
Tiếp đó, vào đầu tháng 10, Arrow lại một lần nữa chứng tỏ năng lực khi đánh chặn một đợt tấn công lớn khác với hơn 180 tên lửa đạn đạo từ Iran. Trong những tháng sau đó, hệ thống này liên tục được huy động để ngăn chặn các tên lửa do lực lượng Houthi được Tehran hậu thuẫn phóng đi từ Yemen.

Ông Levy, người từng là kỹ sư trưởng của dự án Arrow, giải thích rằng tất cả những lần tham chiến này chính là sự chuẩn bị quan trọng để Arrow bước vào thử thách lớn nhất từ trước đến nay: cuộc xung đột gần đây với Iran, khi đối phương đã bắn hàng trăm tên lửa đạn đạo vào Israel chỉ trong vòng 12 ngày.
Arrow đã đánh chặn đến 90%
Levy cho biết IAI phát triển Arrow theo “cơ chế module”, nghĩa là “chúng tôi liên tục nâng cấp năng lực của hệ thống bằng cách tích hợp thêm những module tính năng mới.”
“Trong khoảng thời gian từ tháng 4 năm ngoái cho đến cuộc tấn công lần này, chúng tôi đã thực hiện một vài đợt nâng cấp cho hệ thống,” ông nói. “Tôi tin rằng đây là phương thức đối phó đúng đắn. Đó là một sự thay đổi về phần mềm, giúp chúng tôi có được năng lực tốt hơn.”
Cuộc xung đột mới nhất bùng phát vào ngày 13 tháng 6, khi giới chức Israel tuyên bố khởi động một chiến dịch mới nhằm làm suy yếu chương trình hạt nhân và năng lực quân sự của Iran. Trong tuần rưỡi sau đó, Israel đã tiến hành các cuộc không kích sâu rộng trên khắp lãnh thổ Iran.

Theo dữ liệu mới nhất từ chính phủ Israel, Iran đã đáp trả bằng cách phóng hơn 550 tên lửa đạn đạo và hơn 1.000 máy bay không người lái vào lãnh thổ Israel. Hầu hết số vũ khí này đã bị các hệ thống phòng không đánh chặn.
Ông Levy từ chối tiết lộ con số cụ thể về số tên lửa Iran mà hệ thống Arrow đã đối phó. Tuy nhiên, ông cho biết phân tích sơ bộ cho thấy hệ thống này đã đánh chặn thành công ít nhất 90% số tên lửa mà nó nhắm tới kể từ ngày 13 tháng 6.
“Tôi cho rằng Arrow đã hoạt động đúng như kỳ vọng,” Levy nhận định. Israel cho biết tên lửa Iran đã tạo ra hơn 50 điểm va chạm trên cả nước. Một số tên lửa được phép lọt qua nếu điểm rơi của chúng được xác định là không quan trọng, nhưng cũng có những trường hợp vũ khí của Iran đã vượt qua được lá chắn phòng không và tấn công vào các khu vực dân sự.
Đọc bài gốc tại đây.