Nội dung chính
Khi Mỹ tung ra dòng máy bay không người lái MQ-9 Reaper đầu những năm 2000, nó được ca ngợi là bước tiến nhảy vọt trong chiến tranh không đối xứng: vừa trinh sát, vừa tấn công chính xác từ độ cao lớn trong thời gian dài. Với tải trọng vũ khí hơn 1.700 kg, có thể mang tới 4 tên lửa AGM-114 Hellfire cùng hai bom dẫn đường laser GBU-12 Paveway II, Reaper từng gieo rắc nỗi kinh hoàng cho các mục tiêu khủng bố ở Trung Đông.
Sau gần hai thập niên hoạt động, MQ-9 Reaper – “sát thủ trên bầu trời” của Mỹ giờ đây không còn giữ được vị thế đáng sợ như xưa. Ngày càng có nhiều hệ thống phòng không, kể cả từ các lực lượng phi nhà nước như Houthi ở Yemen, có thể bắn hạ loại UAV này. Từng được cho là vượt xa các đối thủ về công nghệ, Reaper giờ đây lộ rõ điểm yếu khi bước vào không phận có tranh chấp hoặc bị theo dõi sát sao bởi radar và tên lửa đối phương.

Kích thước lớn – sức mạnh hạn chế
Không ai phủ nhận MQ-9 là thiết kế vượt trội trong thập niên đầu thế kỷ XXI. Với sải cánh dài 20 mét, chiều dài thân lên tới 11 mét, thiết kế khí động học của Reaper cho phép nó bay bền bỉ, tiết kiệm nhiên liệu. Trong cấu hình chuẩn, máy bay này có thể bay liên tục 27 giờ; phiên bản mở rộng (ER) nâng con số này lên tới 40 giờ, một kỳ tích với UAV hạng nặng.
Tuy nhiên, tốc độ tối đa của MQ-9 chỉ khoảng 445 km/h, chậm hơn nhiều so với các tiêm kích hiện đại. Động cơ Honeywell TPE331-10 công suất 900 mã lực, chỉ tạo ra lực đẩy khoảng 317 kg, quá nhỏ cho một UAV nặng tới 4.700 kg, khiến tỷ lệ lực đẩy/trọng lượng chỉ đạt 0,07. Nếu so với F-16 của Không quân Mỹ, đạt tỷ lệ 1.0, đủ để cất cánh thẳng đứng, thì MQ-9 không có cửa về cơ động, cũng chẳng thể đổi trục bay nhanh chóng. Nhưng với một UAV thiên về do thám và tấn công tĩnh tại, điều đó lại không quan trọng bằng thời gian hoạt động dài và tiết kiệm nhiên liệu.

Bài học đau đớn từ Trung Đông
Những năm gần đây, hàng loạt vụ MQ-9 bị bắn hạ đã khiến giới quân sự Mỹ lo ngại. Không chỉ các đối thủ có tiềm lực như Nga hay Trung Quốc, mà ngay cả nhóm phiến quân Houthi ở Yemen cũng đủ sức dùng tên lửa vác vai hoặc SAM tầm ngắn để hạ Reaper. Trong chiến dịch không kích của chính quyền Tổng thống Donald Trump, ít nhất vài chiếc MQ-9 đã bị hạ bởi lực lượng này, cho thấy độ mong manh của loại UAV từng được ca tụng là “bất khả xâm phạm” khi hoạt động ở không phận không đối kháng.
Điểm yếu lớn nhất của MQ-9 nằm ở thiết kế thiếu tàng hình. Trong khi các UAV thế hệ mới đang hướng tới khả năng hoạt động tự động hoàn toàn và thiết kế giảm phản xạ radar, thì MQ-9 vẫn phụ thuộc vào đường truyền C-Band và Ku-Band để liên lạc vệ tinh, một đặc điểm dễ bị gây nhiễu và bộc lộ vị trí. Khả năng bay chậm, kích thước lớn cũng khiến nó dễ bị radar phát hiện và theo dõi, nhất là trong môi trường tác chiến dày đặc.
Không chỉ vậy, Mỹ cũng thừa nhận khó khăn trong việc duy trì hiệu quả chiến đấu của loại UAV này. Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan từng phát biểu rằng: “MQ-9 không còn là thiết bị hiệu quả nhất cho chiến trường hiện nay, khi các UAV bị giới hạn nghiêm trọng trong môi trường tác chiến khốc liệt“.

Mỹ đang chạy đua phát triển thế hệ kế nhiệm
Trước thực trạng này, Không quân Mỹ đang gấp rút phát triển dòng UAV thế hệ mới – dự án MQ-Next, nhằm thay thế MQ-9 trong thập niên tới. Dự kiến, các dòng UAV mới sẽ có khả năng tàng hình, hoạt động tự chủ hơn, tương thích với mạng chiến tranh liên kết và quan trọng nhất là đủ sức sống sót trong các môi trường tác chiến có đối kháng mạnh.
Trong bối cảnh chiến tranh hiện đại ngày càng phụ thuộc vào dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và mạng hóa tác chiến, MQ-9 Reaper dù vẫn là một nền tảng uy lực, nhưng đang dần lùi vào quá khứ. Thời đại mà chỉ cần một UAV lớn, mang nhiều vũ khí, bay lâu là đủ để khống chế chiến trường giờ không còn nữa. Thay vào đó, UAV hiện đại phải nhanh, khó bị phát hiện, tích hợp sâu vào hệ sinh thái vũ khí và đủ sức ứng phó trước các đòn tấn công điện tử và tên lửa tầm ngắn.
Sự lỗi thời của MQ-9 không chỉ là lời cảnh báo cho Mỹ, mà còn cho các quốc gia đang dựa vào nền tảng UAV này để hiện đại hóa lực lượng. Bởi nếu một nhóm phiến quân có thể hạ Reaper, thì viễn cảnh nó bị vô hiệu hóa trong một cuộc xung đột giữa các cường quốc là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo National Interest
Đọc bài gốc tại đây.