Trang chủ Công nghệCNQP Một quốc gia nói “Không” với F-35

Một quốc gia nói “Không” với F-35

bởi Admin
0 Lượt xem

Trong một cuộc phỏng vấn thẳng thắn với tờ báo Bồ Đào Nha Público vào ngày 13/3/2025, Bộ trưởng Quốc phòng Nuno Melo đã nêu rõ, máy bay phản lực thế hệ thứ năm không nằm trong tương lai của Bồ Đào Nha và nhiệm kỳ mới của Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng là lý do rõ ràng cho điều đó.

Đây không chỉ là một chú thích từ bên kia bờ Đại Tây Dương, mà còn là hồi chuông cảnh báo về việc một đồng minh NATO đang đánh giá mức độ tin cậy của Mỹ. Melo không vòng vo khi ông đưa ra quyết định dựa trên những nghi ngờ, “Vị thế gần đây của Mỹ buộc chúng ta phải cân nhắc những lựa chọn tốt nhất”, ông nói với Público.

Tuyên bố của Bồ Đào Nha

Chỉ mới hai tháng sau khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 3/2025, những lời chỉ trích ban đầu của Tổng thống Trump đối với NATO đã khiến Bồ Đào Nha phải cân nhắc lại mối quan hệ với vũ khí của Mỹ và F-35 đã bị cuốn vào “cuộc chiến” này.

Không quân Bồ Đào Nha đã sử dụng máy bay của Mỹ kể từ những năm 1990, khi họ mua 40 máy bay F-16A/B theo chương trình Peace Atlantis I và II. Ngày nay, chỉ còn khoảng 30 chiếc F-16 đang hoạt động tại Căn cứ Không quân Monte Real của Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, tuổi thọ của những chiếc máy bay này đang ngày một lớn dần, điều này buộc Bồ Đào Nha phải tìm kiếm giải pháp thay thế.

Và F-35 đã từng tỏa sáng như một triển vọng cho Bồ Đào Nha. Quay trở lại tháng 4/2024, người đứng đầu Không quân Bồ Đào Nha, Tướng João Cartaxo Alves, đã tuyên bố với truyền thông rằng, Bồ Đào Nha đang trong quá trình “chuyển đổi” sang F-35, đưa ra mức giá 5,5 tỷ euro và nêu tên “các hội thảo với Lockheed và Không quân Mỹ”.

Đó không chỉ là lời nói suông, mà còn là bức tranh về một quốc gia nhỏ của NATO đang chuẩn bị tiến vào “cuộc đua” máy bay thế hệ thứ năm, sánh vai cùng những quốc gia như Na Uy và Hà Lan.

Tuy nhiên, sự xôn xao không kéo dài được một tuần. Bộ Quốc phòng Bồ Đào Nha đã nhanh chóng vào cuộc, dội gáo nước lạnh vào những hi vọng. Họ cho biết không có hoạt động mua sắm chính thức nào đang diễn ra, phát biểu của Cartaxo Alves là một “tầm nhìn tương lai”.

Cho đến thời điểm hiện tại, Bộ trưởng Melo đã chính thức đóng sầm cánh cửa đó lại mãi mãi và phần lớn lý do đến từ nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Ông Trump đã chỉ trích các đồng minh về ngân sách quốc phòng và đe dọa sẽ rút hỗ trợ của Mỹ nếu họ không chi thêm tiền.

Bồ Đào Nha đang chi khoảng 1,5% GDP cho quốc phòng, con số này phù hợp với khả năng của nền kinh tế, nhưng thấp hơn chuẩn 2% của NATO và đang dần cảm thấy áp lực từ Mỹ.

Việc sở hữu F-35 được xem là rủi ro cho đất nước này, bởi họ sẽ bị buộc chặt vào “dây cương” của người Mỹ. Các bản vá phần mềm được tung ra từ các máy chủ của Mỹ, các bộ phận thay thế được vận chuyển từ các kho của Mỹ và thậm chí phải đợi “đèn xanh” để có thể bay qua các căn cứ của Mỹ. Sự phụ thuộc đó có thể trở thành rào cản nếu các chính sách của ông Trump thay đổi bất thường.

Tác động đối với Mỹ

Tính đến tháng 3/2025, đã có 14 quốc gia NATO đang sử dụng hoặc chờ đợi F-35. Đối với Lockheed Martin, mọi khách hàng tiềm năng đều là một sợi dây cứu sinh. Doanh số bán hàng nước ngoài giúp nhà máy ở Fort Worth, Texas hoạt động liên tục, làm dịu đi cú sốc từ khoản đầu tư hơn 1,7 nghìn tỷ đô la của Lầu Năm Góc cho chương trình F-35.

Nhà Trắng đã bán F-35 như một công cụ đẻ thống nhất, để gắn kết NATO với nhau bằng công nghệ chung và các hoạt động chặt chẽ. Việc Bồ Đào Nha từ chối, có thể gây ảnh hưởng đến sự hợp tác của liên minh.

Bồ Đào Nha có thể sẽ đầu tư nhiều nâng cấp hơn cho những chiếc F-16 của mình với radar mới để phát hiện xa hơn, tên lửa hiện đại hơn để tấn công mạnh hơn, nhưng đó chỉ là biện pháp tạm thời, không phải là giải pháp lâu dài.

Những mẫu chiến đấu cơ có nguồn gốc châu Âu như Eurofighter Typhoon hoặc Dassault Rafale cũng đang nhận được sự quan tâm từ Bồ Đào Nha. Typhoon do Đức, Tây Ban Nha và Anh phát triển, có khả năng hoạt động đa nhiệm và có giá ngang ngửa với F-35.

Còn Rafale, là loại chiến đấu cơ của Pháp, với kinh nghiệm chiến đấu thực tế và không nằm trong tầm ảnh hưởng của Mỹ, nhưng việc đồng bộ Rafale với những chiếc F-16 hiện có của Bồ Đào Nha sẽ là một “cơn ác mộng” về mặt hậu cần.

Đối với Mỹ, phản ứng của Bồ Đào Nha là điều đáng để suy ngẫm. F-35 đã vượt qua được sự chậm trễ, những khó khăn trong phát triển công nghệ và chi phí cao trong quá trình chế tạo, nhưng bây giờ lại phải đối mặt với sự khinh miệt từ đồng minh.

Bên kia Đại Tây Dương, giới lãnh đạo cấp cao của Mỹ sẽ chú ý, lắng nghe và tự hỏi liệu sự lạnh nhạt của một đồng minh có thể làm nguội lạnh mối liên kết đã gắn kết phương Tây trong nhiều thập kỷ hay không.

 (Theo Bulgarianmilitary)

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan