Nội dung chính
Vào thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã phát triển một trong những trực thăng chiến đấu mang tính biểu tượng nhất trong lịch sử. Mil Mi-24 được phát triển để tiêu diệt đội hình xe tăng NATO trong trường hợp Thế chiến thứ III nổ ra ở châu Âu. May mắn thay, thế giới không bao giờ được chứng kiến trực thăng Mi-24 bắn phá xe tăng NATO ở châu Âu. Thay vào đó, những “chú chim” này được sử dụng để tấn công các lực lượng đối lập ở Afghanistan trong cuộc Chiến tranh Xô Viết-Afghanistan những năm 1980.

Mi-24 được phát triển như thế nào?
Mi-24 được phát triển bởi Nhà máy trực thăng Mil Moskva và bay lần đầu tiên vào năm 1969. Vào thời điểm đó, đây là một thiết kế mang tính cách mạng, khi kết hợp vai trò của trực thăng tấn công và vận chuyển quân. Ngoài kho vũ khí mang theo, Mi-24 có thể chở thêm tám người lính được trang bị đầy đủ,.
Mi-24 được trang bị một khẩu súng Gatling Yak-B 12,7mm (các biến thể sau này, như Mi-24P được thay thế bằng một khẩu pháo 30mm), tên lửa không điều khiển, tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM), như 9M17 Phalanga. Và trực thăng còn có thể thả bom.

Thông số kỹ thuật
Lớp giáp dày của Mi-24 có thể chống lại hỏa lực từ vũ khí nhỏ, khiến nó được Quân đội Liên Xô đặt biệt danh là “xe tăng bay”. Thật vậy, một bộ phim tài liệu của Discovery Channel về Mi-24 đã từng khẳng định rằng, chiếc trực thăng này là “trực thăng bọc thép mạnh nhất thế giới”.
Các phi công trực thăng Mi-24, giống như A-10 Warthog của Không quân Mỹ, được bao quanh bởi buồng lái kiểu “bồn tắm” được làm bằng titan dày có thể chịu được các đòn tấn công trực diện từ đạn pháo phòng không 37mm. Ngay cả những cửa sổ trên những chiếc trực thăng này cũng có khả năng chống đạn, bảo vệ phi công khỏi những viên đạn lớn như đạn bắn ra từ súng máy cỡ nòng .50. Mặc dù sở hữu hỏa lực mạnh và khả năng chuyên chở ấn tượng, nhưng Mi-24 lại thiếu khả năng cơ động.
“Cỗ xe của Satan”
Khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan vào tháng 12/1979, Mi-24 là một trong những vũ khí đầu tiên được triển khai. Nhiệm vụ của nó là hỗ trợ lực lượng mặt đất, tiến hành trinh sát và tấn công các vị trí nghi ngờ của phiến quân Mujahideen. Lực lượng Liên Xô nhận ra rằng, địa hình hiểm trở của Afghanistan với những ngọn núi, thung lũng và sa mạc đặt ra những thách thức đặc biệt đối với các lực lượng thông thường và trực thăng như Mi-24, đã sớm trở nên thiết yếu cho các nhiệm vụ của họ.
Thật vậy, Mujahideen gọi Mi-24 Hind là “Cỗ xe của Satan” vì sự tàn phá và nỗi sợ hãi mà nó gây ra cho các chiến binh Mujahideen. Ngay cả những người Mỹ đã chiến đấu chống lại al-Qaeda và Taliban ở Afghanistan sau vụ tấn công ngày 11/9/2000, cũng không hiểu được vai trò sâu sắc mà trực thăng Mi-24 mang lại cho lực lượng Liên Xô ở Afghanistan.
Hơn nữa, truyền thuyết về lực lượng Spetsnaz tinh nhuệ của Liên Xô ở Afghanistan vẫn được kể lại cho đến ngày nay. Đây là những binh lính có kỹ năng tốt nhất từ khắp Liên Xô. Liên Xô sẽ đưa họ lên trực thăng Mi-24, bay đến những ngọn núi nơi được cho là có phiến quân, họ sẽ tấn công lên núi, “tàn sát” bất cứ thứ gì di chuyển.

Điểm yếu của Mi-24
Trong nhiều cuộc chiến tranh kéo dài, vũ khí và chiến thuật định hình giai đoạn đầu của cuộc xung đột hiếm khi được sử dụng cho đến khi kết thúc cuộc chiến tranh đó. Đó là trường hợp của trực thăng Mi-24. Hình dáng đồ sộ, nhiệm vụ bay thấp và khả năng cơ động kém trong chiến đấu khiến nó dễ bị phục kích ở các thung lũng hẹp, nơi quân nổi dậy sẽ bắn từ các vị trí cao.
Vào năm 1986, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ đã giới thiệu tên lửa đất đối không vác vai FIM-92 Stinger do Thụy Sĩ sản xuất. Tên lửa tầm nhiệt Stinger có thể nhắm vào ống xả của Mi-24 và hạ gục những chiếc trực thăng Liên Xô dễ dàng. Theo ước tính, Liên Xô đã mất hơn 300 chiếc trực thăng, nhiều chiếc trong số đó thuộc dòng Mi-24. Để đáp trả, các phi công Mi-24 sẽ hoạt động ở độ cao lớn hơn, nhưng điều này làm giảm độ chính xác khi tấn công bằng tên lửa không dẫn đường và súng máy.
Liên Xô đã cố gắng thích nghi bằng cách lắp đặt một số biện pháp đối phó cụ thể. Những thứ như máy gây nhiễu hồng ngoại và hệ thống pháo sáng đã được lắp đặt trên những chiếc trực thăng này. Tuy nhiên, các biện pháp này không mấy hiệu quả và Liên Xô đã nhanh chóng cắt giảm mạnh việc sử dụng Mi-24.
Stinger đã vô hiệu hóa thành công ưu thế trên không mà Mi-24 đã giúp Liên Xô có được vào đầu cuộc chiến. Nhiều nhà sử học cho rằng việc Mi-24 bị vô hiệu hoá đã khiến Liên Xô mất đi lợi thế trên chiến trường và góp phần vào sự rút lui không thể tránh khỏi của lực lượng Liên Xô khỏi Afghanistan vào năm 1989.
Quang Hưng
Đọc bài gốc tại đây.