
Máy bay chiến đấu J-10C của không quân Pakistan do Trung Quốc sản xuất.
Theo bài đăng trên X hôm 4/5 của Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan, Khawaja Asif, Không quân Pakistan đã triển khai máy bay chiến đấu Chengdu J-10C do Trung Quốc sản xuất, được hỗ trợ bởi hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến, để phá vỡ hệ thống radar và liên lạc của chiến đấu cơ Rafale Ấn Độ.
Vụ việc bị cáo buộc này, mà Ấn Độ vẫn chưa xác nhận, đã làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt về năng lực công nghệ quân sự đang tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc và tiềm năng thách thức các hệ thống do phương Tây thiết kế như Rafale do Pháp chế tạo.
Mặc dù tuyên bố này vẫn chưa được xác minh, nhưng nó đặt ra những câu hỏi quan trọng về bối cảnh đang thay đổi của chiến tranh trên không và sự tinh vi ngày càng tăng của các biện pháp đối phó điện tử.
Cuộc chạm trán được đưa tin xảy ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân, sau vụ tấn công khủng bố chết người vào ngày 22/4 tại Pahalgam, Kashmir, khiến 26 khách du lịch, chủ yếu là công dân Ấn Độ, thiệt mạng.
Ấn Độ cáo buộc Pakistan tài trợ cho vụ tấn công, một cáo buộc mà Islamabad kịch liệt phủ nhận, trong khi cả hai bên đều tham gia vào các động thái ngoại giao và quân sự, bao gồm các cuộc giao tranh xuyên biên giới dọc theo LoC.
Phương tiện truyền thông nhà nước Pakistan, bao gồm PTV News, đưa tin rằng, lực lượng không quân nước này đã phát hiện và truy đuổi các máy bay chiến đấu Rafale của Ấn Độ đang tiến hành trinh sát gần LoC, buộc chúng phải “rút lui trong hoảng loạn”.
Khẳng định của Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan, được nhiều hãng thông tấn như Clash Report đồng tình, nhấn mạnh rằng, các hệ thống tiên tiến của Rafale đã bị vô hiệu hóa bởi khả năng tác chiến điện tử của Pakistan, một kỳ tích nếu đúng sẽ đánh dấu một thành tựu công nghệ quan trọng đối với Pakistan và kho vũ khí do Trung Quốc cung cấp.
Chengdu J-10C, trọng tâm trong tuyên bố của Pakistan, là máy bay chiến đấu đa năng một động cơ do Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Thành Đô của Trung Quốc phát triển.
Được giới thiệu với Không quân Pakistan vào tháng 3/2022, J-10C đại diện cho nền tảng trong nỗ lực hiện đại hóa phi đội của Pakistan để đáp trả việc Ấn Độ mua 36 máy bay chiến đấu Rafale từ Pháp.
Được trang bị động cơ phản lực cánh quạt WS-10B của Trung Quốc, J-10C có thể đạt tốc độ Mach 1.8 và có phạm vi hoạt động khoảng 2.000km với các thùng nhiên liệu ngoài.
Radar mảng quét điện tử chủ động (AESA) của nó, được cho là một biến thể của KLJ-10, cung cấp khả năng phát hiện và theo dõi mục tiêu được cải thiện.
Máy bay được trang bị hỗn hợp các loại vũ khí không đối không và không đối đất, bao gồm tên lửa tầm xa PL-15 có tầm bắn hơn 192km, và PL-10, một tên lửa tầm ngắn có đầu dẫn hồng ngoại tiên tiến.
Việc Pakistan mua ít nhất 25 máy bay chiến đấu J-10C, được công bố vào tháng 12/2021, được định hình rõ ràng là để đối phó với chương trình Rafale của Ấn Độ, nhấn mạnh sự cạnh tranh chiến lược thúc đẩy những tiến bộ công nghệ trong khu vực.
Điều khiến J-10C trở nên khác biệt trong bối cảnh này là việc tích hợp các hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến được báo cáo, mà ông Asif tuyên bố đã được sử dụng để phá vỡ các máy bay Rafale.
Trong khi các chi tiết cụ thể về bộ tác chiến điện tử của J-10C còn khan hiếm do cách tiếp cận bí mật của Trung Quốc đối với công nghệ quân sự, các nhà phân tích quốc phòng cho rằng, các máy gây nhiễu do Trung Quốc phát triển có khả năng can thiệp vào hệ thống radar và liên lạc của đối phương.
Đọc bài gốc tại đây.