Vũ khí chưa lên tiếng
Sau khi xung đột Iran-Israel tạm lắng với một lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 24/6, tức 11 ngày kể từ khi bùng phát, ngày càng có nhiều đồn đoán về cách Iran có thể đáp trả nếu một làn sóng tấn công mới nhằm vào lãnh thổ nước này xảy ra.
Trong các đợt tấn công trước đây vào những mục tiêu của Israel, Iran đã huy động hàng loạt tên lửa, từ mẫu Shahab-3 thế hệ cũ được đưa vào trang bị từ cuối những năm 1990, cho đến tên lửa Fattah sử dụng nhiên liệu rắn và được dẫn đường bởi phương tiện lướt siêu vượt âm.
Mặc dù chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Iran trong nhiều thập kỷ đã phụ thuộc lớn vào linh kiện và công nghệ chuyển giao từ Triều Tiên, nước này cũng đã mua nguyên chiếc một số lượng nhỏ tên lửa của Triều Tiên.

Tên lửa đạn đạo Hwasong-10.
Phần lớn các thương vụ này là những mẫu Hwasong-5 và Hwasong-6 tầm ngắn được bán trong thập niên 80 và 90, với một số lượng nhỏ tên lửa Hwasong-10 được cho là cũng đã được bàn giao. Vào thời điểm được tiếp nhận giữa những năm 2000, đây là loại tên lửa vượt trội nhất trong kho vũ khí của Iran.
Cơ quan tình báo của Mỹ và Hàn Quốc từng báo cáo về việc Hwasong-10 được đưa vào hoạt động từ năm 2006, sau khi có các thông tin vào tháng 1 cùng năm cho thấy tên lửa này đã được thử nghiệm bay tại Iran dưới sự giám sát của phía Triều Tiên.
Việc xuất khẩu này là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm vào thời điểm phương Tây cân nhắc một cuộc tấn công nhắm vào Iran. Năm 2009, một bức điện tín mật do văn phòng Ngoại trưởng Mỹ gửi đi đã nêu bật lo ngại rằng động cơ của Hwasong-10 “thể hiện một bước tiến vượt bậc trong công nghệ nhiên liệu lỏng của Triều Tiên” và “cho phép Triều Tiên chế tạo các tên lửa có tầm bắn xa hơn – hoặc tên lửa tầm ngắn hơn nhưng mang được tải trọng lớn hơn – so với năng lực của công nghệ lớp Scud”.
Các chuyên gia cũng lưu ý rằng đoạn phim thử nghiệm động cơ Hwasong-10 “cho thấy luồng phụt có màu trong hơn nhiều so với các động cơ lớp Scud vốn sử dụng nhiên liệu đơn giản là IRFNA và dầu hỏa, một dấu hiệu của loại nhiên liệu mạnh hơn, hứa hẹn tạo ra một cuộc cách mạng về hiệu suất cho các tên lửa tương lai của họ. Đây là một trong những chỉ dấu rõ ràng nhất cho thấy chương trình tên lửa của quốc gia này đã đạt đến một trình độ tiên tiến hơn rất nhiều”.

Tên lửa đạn đạo Kheibar Shekan của Iran.
Một biến thể cải tiến có tầm bắn xa hơn của tên lửa này, với khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 4.000 km, đã được đưa vào biên chế quân đội Triều Tiên vào năm 2016. Tuy nhiên, nó đã nhanh chóng bị thay thế bởi mẫu kế nhiệm tối tân hơn là Hwasong-12 vào năm 2017 và thế hệ tiếp theo Hwasong-16 vào năm 2024.
Iran sẽ làm được gì?
Nếu các báo cáo về việc chuyển giao tên lửa đạn đạo Hwasong-10 là chính xác, chúng có thể sẽ được Iran sử dụng trong các đợt tấn công trong tương lai vào các mục tiêu của Israel hoặc phương Tây.
Dù vậy, tờ Military Watch cho rằng, tác động chính của loại tên lửa này đối với an ninh Iran dường như lại nằm ở việc chuyển giao các công nghệ liên quan, cho phép Iran phát triển dòng tên lửa đạn đạo Khorramshahr – loại mạnh nhất trong kho vũ khí nhiên liệu rắn của họ.
Mẫu tên lửa hiện đại nhất thuộc dòng này là Kheibar Shekan, hiện cũng là lớp tên lửa đạn đạo duy nhất của Iran được xác nhận có khả năng mang nhiều đầu đạn, gây áp lực lớn hơn đáng kể cho hệ thống phòng không của Israel.
Chỉ vài ngày trước khi Israel khởi động các cuộc tấn công, Iran đã lần đầu thử nghiệm một biến thể mới của Kheibar Shekan, mang một đầu đạn đặc biệt lớn nặng tới 2.000 kg.
Biến thể này được kỳ vọng sẽ mang nhiều phương tiện hồi quyển hơn, và có khả năng cao việc đưa nó vào trang bị sẽ được đẩy nhanh, nhất là trong bối cảnh những loại tên lửa như vậy có thể gây ra khó khăn đáng kể cho nỗ lực phòng không của Israel.
Mặc dù việc chuyển giao công nghệ Hwasong-10 cho Iran là gần như chắc chắn, nhưng câu chuyện về chuyển giao tên lửa nguyên chiếc từ hai thập kỷ trước, số lượng thực tế được bàn giao, và kế hoạch sử dụng của Iran vẫn còn là một ẩn số.
Đọc bài gốc tại đây.