Nội dung chính
Mỹ đã tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran bằng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit. Dù vậy, Iran dường như đã có giải pháp cho vấn đề này, một giải pháp do Nga cung cấp.
Nhưng giới chuyên gia đặt câu hỏi: Những khẩu đội phòng không Almaz-Antei S-400 trứ danh do Nga sản xuất đang ở đâu? Rốt cuộc chúng đã đến Iran hay chưa? Nếu đã đến, lẽ ra chúng phải hạ gục hàng loạt máy bay chiến đấu của Israel và đối phó với những máy bay ném bom B-2 đó rồi chứ?
S-400 đã đến chưa?
Đầu tháng 8/2024, các hãng tin của Mỹ và Israel đồng loạt đưa tin Iran đã chính thức nhận bàn giao hệ thống S-400. Theo đó, hệ thống phòng không tiên tiến được cung cấp cho Tehran theo yêu cầu đặc biệt từ giới lãnh đạo chính trị và quân sự nước này.

Vào thời điểm ấy, hai quan chức Iran, bao gồm một sĩ quan thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), đã xác nhận quá trình bàn giao đang diễn ra.
Củng cố thêm cho các bằng chứng, ngay trước khi những tin tức này xuất hiện, một máy bay vận tải của Nga đã được phát hiện hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Imam Khomeini ở Tehran. Đó là một chiếc Ilyushin Il-76TD do Gelix Airlines vận hành – một hãng hàng không vận tải nổi tiếng thường được Moscow sử dụng cho các phi vụ quân sự dưới vỏ bọc dân sự.
Việc Iran đưa hệ thống vũ khí tối tân của Nga vào kho vũ khí được cho là một bước ngoặt lớn sẽ làm gia tăng căng thẳng với Israel.
Nhìn lại 30 năm qua, việc Iran sở hữu S-300 – tiền thân của S-400 – từng được xem là “lằn ranh đỏ” đối với Israel. Tel Aviv đã liên tục gây áp lực buộc Nga không bán hệ thống này cho Tehran.
Chỉ mới 10 năm trước, Israel vẫn giữ vững lập trường rằng Moscow không được cung cấp công nghệ phòng không này cho Iran.
Trong thời gian đó, Iran đã tự mình vượt qua lệnh cấm vận của Israel bằng cách sản xuất phiên bản S-300 nội địa, mang tên Bavar-373.
Phiên bản mới nhất và được hiện đại hóa của hệ thống này có phạm vi tác chiến mở rộng lên tới 300 km – tăng 50% tầm bắn so với mức 200 km của hệ thống S-300 cơ bản.
Hệ thống S-400 thậm chí còn mạnh mẽ hơn, có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 400 km, rõ ràng là hiệu quả hơn nhiều. Một số chuyên gia thậm chí còn tin rằng nó có thể đe dọa các nền tảng tàng hình như B-2, tuy nhiên, điều này vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi.
Các khẩu đội S-300 và S-400 cũng sử dụng các loại tên lửa khác nhau. S-300 thường được trang bị các dòng tên lửa 5V55 và 48N6, vốn khá hiệu quả trước nhiều mối đe dọa trên không.
Ngược lại, S-400 sử dụng bộ tên lửa hoàn toàn mới và đa dạng hơn, bao gồm 48N6, 9M96, và tên lửa tầm xa 40N6. Dải vũ khí rộng hơn này giúp S-400 có khả năng tấn công đồng thời nhiều loại mục tiêu ở các cự ly khác nhau.

Chỉ có một câu trả lời duy nhất
Với sự chuyên môn hóa của các loại tên lửa, theo lẽ thường, các hệ thống S-400 mà Iran sở hữu lẽ ra phải bắn hạ được ít nhất một vài máy bay của Không quân Israel (IAF) trong các cuộc không kích gần đây, đặc biệt là khi chúng được triển khai để bảo vệ các mục tiêu quân sự giá trị cao.
Thế nhưng, không có một vụ đánh chặn thành công nào được ghi nhận. Vậy thì S-400 đang ở đâu? Chúng không thể hiện được hiệu quả như mong muốn? Không thể ra trận vì vướng điều khoản của Nga hay thực sự là hệ thống này chưa hề đến Iran?
Theo Bulgarianmilitary, câu trả lời lớn nhất chỉ có thể là do Nga chưa hề chuyển giao hệ thống này cho Iran. Cho đến hiện tại, các nguồn tin chính thức từ Nga vẫn bác bỏ, lấp lửng về kế hoạch đưa hệ thống phòng không tối tân cho đối tác Trung Đông. Iran đến nay vẫn phải dùng S-300 để chống chịu trước hỏa lực và chiến thuật tinh quái đến tử đối thủ.
Trong chiến dịch gần đây, không quân Israel đã triển khai hơn 200 máy bay, bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình F-35I Adir và tiêm kích F-15I Ra’am, trong một chiến dịch được lên kế hoạch tỉ mỉ.
Mạng lưới phòng không của Iran, tập trung vào hệ thống Bavar 373, tỏ ra không đủ sức chống lại các chiến thuật tiên tiến của Israel. Hệ thống radar của nó không tinh vi bằng 91N6E của S-400, đặc biệt là trong việc phát hiện máy bay tàng hình.
Những hệ thống này đã lỗi thời so với S-400 và không thể chống lại cuộc tấn công của Israel một cách hiệu quả. Radar Rezonans-NE, được mua từ Nga vào năm 2019, được thiết kế để tăng cường khả năng phát hiện các mục tiêu tàng hình, cũng tỏ ra không hiệu quả trong chiến dịch, bị các hệ thống tác chiến điện tử của Israel áp đảo.
Việc phòng không Iran không thể vô hiệu hóa được một chiếc F-35 của Israel đã gây ra nhiều chỉ trích trong nội bộ Tehran. Các nguồn tin trong nước khẳng định Bavar 373 đã bắn hạ ba trong số bốn chiếc F-35, nhưng những tuyên bố này vẫn chưa được xác minh và bị giới chức phương Tây và Israel phản bác.

Vì sao S-400 lại là thứ thay đổi cuộc chơi?
Chiến dịch của Israel đã phơi bày những điểm yếu nghiêm trọng trong mạng lưới phòng không của Iran. Việc thiếu một hệ thống như S-400, với tầm bắn xa hơn và khả năng radar vượt trội, đã được coi là một yếu tố chính khiến Iran không thể xây dựng một hệ thống phòng thủ hiệu quả.
Điều này làm dấy lên cuộc tranh luận mới về lý do tại sao Nga chưa chuyển giao S-400 mặc dù đã hợp tác chiến lược nhiều năm với Tehran.
Theo Bulgarianmilitary, sự do dự của Nga trong việc cung cấp S-400 cho Iran phản ánh một hành động cân bằng tinh tế ở Trung Đông. Moscow đã vun đắp mối quan hệ với cả Iran và Israel, điều hướng một mạng lưới lợi ích phức tạp.
Trong khi Iran là một đối tác quan trọng, cung cấp tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái cho chiến dịch của Nga ở Ukraine, Israel vẫn là một nhân tố quan trọng trong khu vực có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ.
Việc trang bị S-400 cho Iran có thể làm gia tăng căng thẳng với Israel, nguy cơ kéo Nga vào một cuộc đối đầu trực tiếp mà nước này muốn tránh.
Vào ngày 30/6, một chính trị gia nổi tiếng của Iran đã công khai chỉ trích Nga vì từ chối cung cấp cho Iran hệ thống phòng không S-400 tiên tiến, cáo buộc rằng quyết định của Moscow bị ảnh hưởng bởi mong muốn duy trì mối quan hệ tích cực với Israel.
Có thể nói, việc không có S-400 dường như là một thiệt thòi lớn đối với Iran. Nếu Iran có được S-400 từ trước, khả năng phát hiện và tấn công máy bay Israel ở tầm xa của nước này có thể thay đổi đáng kể kết quả của Chiến dịch Rising Lion, thậm chí có khả năng buộc Israel phải dựa vào vũ khí tấn công tầm xa hoặc nguy cơ chịu tổn thất lớn hơn.
Xung đột Iran-Israel đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của các hệ thống phòng không trong chiến tranh hiện đại, thúc đẩy cuộc chạy đua toàn cầu để phát triển các hệ thống có khả năng chống lại công nghệ tàng hình và các mối đe dọa siêu thanh.
S-400 của Nga đã thiết lập một chuẩn mực, cho thấy vai trò của nó quan trọng đến mức nào.
Đối với Iran, cuộc xung đột đã làm nổi bật nhu cầu về một mạng lưới phòng không dày đặc hơn, tích hợp hơn, cần đến những hệ thống tiên tiến của nước ngoài như Nga để làm nên chuyện.
Đọc bài gốc tại đây.