
Trung Quốc tiết lộ ‘bom mất điện’ được thiết kế để làm tê liệt lưới điện. Ảnh: Mofobian/X
Bom than chì “quái vật” có thể gây mất điện diện rộng
Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) vừa công bố video mô phỏng cho thấy một loại bom than chì mới do nước này tự phát triển. Đây là loại vũ khí phi truyền thống, được thiết kế để vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng điện áp cao mà không cần phá hủy vật lý.
Đoạn video được chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội của CCTV mô tả một quả tên lửa phóng đi từ phương tiện mặt đất, mang theo 90 đơn vị đạn con hình trụ và thả xuống khu vực mục tiêu định sẵn.
Sau khi tiếp đất, các ống chứa bật lên rồi phát nổ giữa không trung, phóng ra các sợi carbon đã qua xử lý hóa học. Những sợi dẫn điện này được thiết kế để gây đoản mạch cho máy biến áp, trạm biến điện và các thành phần thiết yếu khác của lưới điện.
Theo lời bình kèm theo, đòn tấn công mô phỏng có thể làm tê liệt một khu vực ít nhất 10.000 mét vuông, gây ra tình trạng “mất điện hoàn toàn”.
Công nghệ phi sát thương, chiến tranh phi truyền thống
Dù CCTV không xác nhận tên chính thức hay tình trạng biên chế của loại vũ khí này, video cho thấy hệ thống được phát triển bởi Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) – nhà thầu quốc phòng lớn thuộc Bộ Quốc phòng nước này.
Loại bom mới có tầm bắn lên đến 290 km và đầu đạn nặng 490 kg. Điều này cho phép nó tấn công cùng lúc nhiều điểm nút của mạng lưới điện trong một lần phóng.
Dù không gọi đích danh là “bom than chì”, tờ South China Morning Post cho rằng mô tả của CCTV trùng khớp với nguyên lý hoạt động đã biết của loại vũ khí này: phát tán các sợi dẫn điện không gây sát thương, nhằm làm gián đoạn lưới điện mà không gây hư hại cơ học.
Trước đó, quân đội Hoa Kỳ từng sử dụng bom than chì tại Iraq và Serbia, nơi các đạn con BLU-114/B đã làm gián đoạn tới 85% công suất lưới điện quốc gia trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự.
Chuyển hướng chiến lược: tê liệt hệ thống thay vì phá hủy
Dù Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) chưa công khai thừa nhận triển khai loại vũ khí này, một số chuyên gia quốc phòng cho rằng công nghệ này không phải mới tại Trung Quốc.
Ông Chen Chundi, biên tập viên tạp chí Modern Ships – một ấn phẩm quân sự bán chính thức – từng viết năm 2017 rằng bom than chì là một bước tiến quan trọng trong chiến tranh phi sát thương.
Ông cho rằng loại vũ khí này lý tưởng để vượt qua hệ thống phòng thủ kiên cố, tạo ra tình trạng tê liệt chiến lược bằng cách đánh vào mạng C4ISR (chỉ huy, kiểm soát, truyền thông, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát).
Theo ông Trần, các phiên bản trước đó với đầu đạn nhỏ hơn và phạm vi hẹp hơn đã được PLA sử dụng. Ông cũng đề xuất tích hợp hệ thống điều chỉnh đường bay bằng gió (WCMD) gắn đuôi, kết hợp với định vị vệ tinh BeiDou để triển khai chính xác lên các khu vực lưới điện mục tiêu.
“Chiến tranh hiện đại không còn chỉ tập trung vào tiêu diệt đội hình đối phương”, ông viết. “Trọng tâm hiện nay là làm tê liệt hệ thống – đặc biệt là hạ tầng điện và kỹ thuật số – mà không gây leo thang toàn diện.”
Nếu được triển khai thành công, loại vũ khí này sẽ giúp Trung Quốc tăng cường năng lực tiến hành các hoạt động hỗn hợp (hybrid operations), làm suy giảm khả năng hoạt động của đối phương thay vì phá hủy hoàn toàn.
Các cuộc tấn công vào lưới điện, đặc biệt trong giai đoạn đầu của xung đột, có thể làm tê liệt hệ thống radar, gián đoạn liên lạc và làm chậm hoạt động điều quân mà không cần tấn công trực tiếp vào con người hoặc trung tâm chỉ huy.
Sự chuyển hướng trong học thuyết tác chiến của PLA từ đối đầu trực diện sang phá vỡ hệ thống cho thấy Bắc Kinh đang ngày càng chú trọng đến việc bắt kịp năng lực chiến tranh phi truyền thống của quân đội Hoa Kỳ.
Dù chưa rõ “bom than chì” Trung Quốc đã hoàn thiện hay còn trong giai đoạn phát triển, loại vũ khí này có thể báo hiệu sự thay đổi trong cách Bắc Kinh tiếp cận vấn đề răn đe chiến lược và tấn công chính xác.
Đọc bài gốc tại đây.