Trang chủ Công nghệCNQP Bất ngờ về “đoàn tàu ma” của Nga ở tiền tuyến Ukraine

Bất ngờ về “đoàn tàu ma” của Nga ở tiền tuyến Ukraine

bởi Admin
0 Lượt xem

Tàu không người lái xuất hiện giữa mưa đạn ở Krasnoarmeysk

Ngày 10/7/2025, Quân đội Nga công bố đã đưa vào hoạt động loại phương tiện hậu cần mới: hệ thống tàu hỏa không người lái điều khiển từ xa, triển khai ở hướng Krasnoarmeysk – nơi đang diễn ra các trận đánh dữ dội nhất tại miền Đông Ukraine. Các nền tảng vận chuyển đặc biệt này do Lữ đoàn Đường sắt số 37 phối hợp với đơn vị hậu cần Tập đoàn quân Cận vệ số 51 vận hành, có nhiệm vụ chuyên chở vũ khí, nước, lương thực cho các đơn vị chiến đấu ngoài mặt trận.

Đoàn tàu không người lái của Nga: Giải pháp công nghệ độc đáo trên chiến trường Ukraine - Ảnh 1.

Dù chỉ có thể di chuyển tối đa 50 km trên tuyến đường sắt sẵn có và mang theo khối lượng hàng hóa trên 1 tấn, song hệ thống đơn giản, ít bảo trì và khả năng vận hành từ xa giúp các tàu hỏa không người lái này hoạt động hiệu quả mà không cần nhân lực trực tiếp, giảm thiểu tối đa thương vong trước mối đe dọa từ pháo binh, UAV cảm tử hay các đơn vị đặc nhiệm của Ukraine. Đây được xem là một thay đổi mang tính bước ngoặt trong cách Nga duy trì chuỗi hậu cần giữa vùng giao tranh khốc liệt.

Tuyến đường Krasnoarmeysk có vai trò then chốt trong mạng lưới hậu cần phía Đông. Việc Nga mới tiến vào Novotoretskoye – khu vực nằm sát phía Đông Bắc Krasnoarmeysk đã khiến các tuyến vận tải của Ukraine nối đến Dimitrov bị gián đoạn nghiêm trọng. Denis Pushilin, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, xác nhận lực lượng Nga đang khống chế phần lớn khu vực và cắt đứt các trục tiếp tế chính của đối phương.

Lựa chọn đường sắt – chiến lược hậu cần đặc trưng Nga

Không giống Mỹ và NATO vốn dựa vào hệ thống đường bộ và vận tải hàng không làm chủ đạo, Nga từ lâu đã phát triển hậu cần theo hướng tận dụng mạng lưới đường sắt khổng lồ dài hơn 105.000 km, trong đó hơn một nửa đã được điện khí hóa. Quân đội Nga duy trì lực lượng đường sắt chuyên trách từ thời Sa hoàng Nikolai I, với lịch sử xây dựng và vận hành hạ tầng đường sắt phục vụ chiến trường từ Chiến tranh Nga-Thổ cho tới Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Hiện tại, Lữ đoàn Đường sắt số 37 đang thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, sửa chữa và duy trì khả năng hoạt động của tuyến Krasnoarmeysk. Trong bối cảnh chiến sự khiến các tuyến đường bị đánh phá liên tục, vai trò của họ càng trở nên then chốt để bảo đảm rằng hệ thống “tàu ma” này không bị tê liệt giữa chừng.

Các nền tảng này có thiết kế đơn giản, gần như không có cảm biến hay hệ thống dẫn đường hiện đại. Điều này trái ngược với các phương tiện hậu cần tự động phương Tây như xe tải bán tự hành của Mỹ thuộc chương trình Leader-Follower, sử dụng radar LIDAR và GPS để dẫn đường. Tuy nhiên, sự đơn giản lại giúp các đoàn tàu này ít bị can thiệp điện tử – điều rất dễ xảy ra ở chiến trường Ukraine, nơi cả hai bên sử dụng rộng rãi tác chiến điện tử, gây nhiễu và tấn công mạng.

Đoàn tàu không người lái của Nga: Giải pháp công nghệ độc đáo trên chiến trường Ukraine - Ảnh 2.

Chiến trường khốc liệt buộc Nga phải “cải tiến thực dụng”

Trong khi tuyến đường sắt cho phép vận chuyển nhanh chóng, mặt trái là chúng mang tính cố định và dễ bị phục kích. Ukraine đã nhiều lần tấn công vào các tuyến đường sắt Nga. Tháng 3/2025, các vụ phá hoại đồng loạt tại Moskva, Samara và Tver khiến 6 đầu máy bị thiêu rụi. Trước đó, tháng 12/2023, một vụ nổ làm hư hỏng hầm Severomuysky tại Siberia gây đình trệ suốt nhiều tuần. Ở miền Nam Ukraine, Ukraine từng đánh sập cầu đường sắt đang xây dựng gần Mariupol, buộc Nga phải duy trì phụ thuộc vào cầu Crimea.

Trở lại mặt trận Krasnoarmeysk, lực lượng Nga đang cố gắng giữ vững đà tấn công, bất chấp những tổn thất do đòn đánh tầm xa từ phía Ukraine. Hỏa lực của hệ thống pháo tự hành Msta-S do Tập đoàn tác chiến Tsentr vận hành, gần đây đã phá hủy nhiều vị trí pháo binh đối phương tại vùng ngoại ô Rodinskoye – một trung tâm hậu cần của Ukraine. Nhưng nhu cầu tiếp vận đạn pháo, nhiên liệu vẫn là thách thức lớn. Việc sử dụng đoàn tàu không người lái để tiếp tế nhanh và an toàn trở thành giải pháp tình thế, nhằm giảm gánh nặng cho các đoàn xe tải vốn dễ bị UAV cảm tử phục kích.

Các nền tảng hiện chỉ đạt tầm hoạt động khoảng 50 km, vừa đủ để nối các kho tiếp tế lớn tới tuyến đầu tại Krasnoarmeysk. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng việc mở rộng mô hình này sang địa hình rừng núi hoặc thành thị có thể gặp nhiều hạn chế. Không có cảm biến, chúng không thể tự phát hiện chướng ngại vật hay điều chỉnh hành trình nếu bị tấn công vào đường ray.

Đoàn tàu không người lái của Nga: Giải pháp công nghệ độc đáo trên chiến trường Ukraine - Ảnh 3.

Cục diện hậu cần đối đầu NATO

Trong khi Mỹ vẫn thử nghiệm các hệ thống như Autonomous Multi-Domain Launch System và tập trung vào hiện đại hóa hậu cần theo hướng tự động hóa, Nga đã chọn cách “đơn giản mà hiệu quả”. Mục tiêu của họ là duy trì khả năng chiến đấu bền bỉ bằng những giải pháp thực dụng, tận dụng lợi thế hạ tầng truyền thống.

Tập đoàn Đường sắt Nga (RZD) từ năm 2019 đã khởi động chiến lược số hóa, đặt mục tiêu tự động hóa tới 90% vận chuyển hàng hóa vào năm 2025. Dù mang tính dân sự, các tiến bộ này đang được “quân sự hóa” dần, giúp Nga rút ngắn khoảng cách với phương Tây về năng lực hậu cần trên chiến trường hiện đại.

Với Ukraine và các nước NATO, hệ thống “tàu ma” của Nga không phải là mối đe dọa trực tiếp nhưng lại là bài toán hóc búa. Các đoàn tàu tiếp vận không người lái khiến các loại vũ khí tấn công tầm xa như ATACMS, vốn có tầm bắn 300 km, buộc phải chia sẻ mục tiêu và có thể mất hiệu lực nếu không kịp thời tiêu diệt các trạm điều khiển hoặc tuyến ray trước khi đoàn tàu tới nơi.

Trong bối cảnh xung đột kéo dài, sự xuất hiện của các giải pháp hậu cần “hồi sinh từ thế kỷ 19” như tàu hỏa nhưng được vận hành bởi công nghệ thế kỷ 21 đã phản ánh một xu thế rõ rệt: chiến tranh hiện đại không phải lúc nào cũng cần công nghệ tối tân, mà đôi khi, chính sự tối giản lại là chìa khóa để tồn tại.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan