Trong cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine, một diễn biến đáng chú ý đã xuất hiện liên quan đến hiệu quả của hệ thống phòng không Nga, trước các loại đạn dược dẫn đường chính xác do phương Tây cung cấp.
Các báo cáo từ cả nguồn tin hàng không Ukraine và Bộ Quốc phòng Nga đều cho biết, hệ thống tên lửa đất đối không “Buk” của Nga đã đánh chặn thành công Vũ khí tấn công trực tiếp chung (JDAM), một loại bom dẫn đường bằng GPS được lực lượng Ukraine sử dụng.
JDAM do Mỹ cung cấp như một phần của các gói viện trợ quân sự, giúp tăng cường độ chính xác của đạn dược không điều khiển thông qua bộ đuôi dẫn đường bằng GPS, cho phép tấn công các mục tiêu cố định với độ chính xác trong vòng 5 m.

Một số nguồn tin khác cho rằng, bom AASM Hammer do Pháp cung cấp, hoạt động ở độ cao thấp hơn và có thời gian bay ngắn hơn, có vẻ ít bị tổn thương hơn trước các biện pháp phòng thủ này. Sự khác biệt này cho thấy độ cao và thời gian bay đóng vai trò quan trọng trong tỷ lệ thành công của các vụ đánh chặn từ Nga.
Các báo cáo của Ukraine tuyên bố rằng, các hệ thống tác chiến điện tử của Nga đang làm giảm đáng kể độ chính xác của các vũ khí phụ thuộc vào GPS, bằng cách gây nhiễu tín hiệu dẫn đường của chúng.
Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận những thông tin này, khẳng định rằng hệ thống phòng không của nước này đã bắn hạ được JDAM, mặc dù số liệu và ngày tháng cụ thể vẫn chưa được tiết lộ trong các tuyên bố chính thức.
Thách thức đối với JDAM
Dọc theo mặt trận Zaporizhzhia, hệ thống phòng thủ của Nga đã được tăng cường thêm các khẩu đội tên lửa Buk, tạo ra một mạng lưới phòng không dày đặc khiến nỗ lực triển khai đạn dược dẫn đường chính xác hiệu quả của Ukraine trở nên phức tạp. Hệ thống Buk, được thiết kế để chống lại máy bay, tên lửa hành trình và bom, đã thích nghi để nhận dạng JDAM là mục tiêu quen thuộc, theo các nguồn tin của Ukraine.
Sự tương tác giữa hệ thống phòng không của Nga và bom dẫn đường chính xác của Ukraine làm nổi bật một khía cạnh quan trọng của chiến tranh hiện đại, đó là cuộc đua giữa khả năng tấn công và biện pháp đối phó phòng thủ.

JDAM được Không quân Mỹ giới thiệu vào cuối những năm 1990, thiết bị này có khả năng chuyển đổi bom không dẫn đường thành vũ khí thông minh. Lần đầu tiên tham chiến trong Chiến dịch Lực lượng Đồng minh năm 1999 đã chứng minh được hiệu quả của nó.
Tuy nhiên, ở Ukraine, sự phụ thuộc vào GPS khiến nó dễ bị Nga gây nhiễu, một điểm yếu tương tự như những thách thức mà các hệ thống dẫn đường bằng GPS khác phải đối mặt trong môi trường có tranh chấp. Ngược lại, AASM Hammer, do Safran Electronics & Defense của Pháp phát triển, tích hợp GPS với dẫn đường quán tính và dẫn đường laser tùy chọn, có khả năng chống nhiễu điện tử tốt hơn nhờ các tùy chọn nhắm mục tiêu đa chế độ.
Phát triển chiến thuật
Có thể rút ra những điểm tương đồng trong lịch sử với các cuộc xung đột trước đó, nơi chiến tranh điện tử đóng vai trò quyết định. Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã đầu tư mạnh vào công nghệ gây nhiễu để chống lại các loại đạn dược dẫn đường chính xác của NATO.
Ngày nay, Nga dường như đang tận dụng di sản đó, điều chỉnh nó để phá vỡ kho vũ khí do phương Tây cung cấp cho Ukraine. Ngược lại, lực lượng Ukraine cũng không đứng yên. Họ đã áp dụng chiến lược chăn dắt, sử dụng máy bay của mình để dồn máy bay không người lái và máy bay của Nga vào các vị trí mà chúng có thể bị tấn công hoặc ngăn chặn.

Chiến thuật của Nga vẫn nhất quán với các mô hình được quan sát trước đó trong cuộc xung đột. Khi phát hiện máy bay Ukraine, máy bay phản lực của Nga thường tung ra một loạt đạn dược như tên lửa Kh-59 và Kh-31, trước khi rút lui và giao nhiệm vụ cho máy bay thay thế.
Tuy nhiên, các báo cáo của Ukraine cho thấy việc sử dụng các tên lửa cụ thể này đang giảm đi, có thể là do kho dự trữ đang cạn kiệt hoặc chuyển sang sử dụng vũ khí thay thế.
Các nhà phân tích quan sát cuộc xung đột lưu ý rằng, hiệu quả của hệ thống phòng không Nga chống lại JDAM có thể có ý nghĩa rộng hơn đối với các nhà hoạch định quân sự trên toàn thế giới. Khả năng thích ứng với mối đe dọa này của hệ thống Buk, cho thấy các nền tảng phòng không tầm trung vẫn có thể chống lại các loại đạn dược dẫn đường chính xác hiện đại, miễn là chúng được kết hợp với các khả năng tác chiến điện tử hiệu quả.
Ngược lại, thành công một phần của AASM Hammer ở độ cao thấp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa các hệ thống dẫn đường để giảm thiểu rủi ro gây nhiễu.
Khi cuộc xung đột tiếp diễn, cả hai bên đều tiếp tục cải tiến cách tiếp cận của mình. Việc Nga triển khai thêm các hệ thống Buk và tác chiến điện tử báo hiệu cam kết duy trì ưu thế trên không, ngay cả khi máy bay của nước này phải đối mặt với những hạn chế về hoạt động.
Trong khi đó, Ukraine đang tận dụng kho vũ khí hạn chế do phương Tây cung cấp để thách thức sự thống trị đó, tìm kiếm điểm yếu trong mạng lưới phòng thủ của Nga.
Kết quả của ván cờ trên không này vẫn chưa chắc chắn, nhưng rõ ràng là sự tương tác giữa bom dẫn đường chính xác và các biện pháp đối phó tiên tiến sẽ định hình quỹ đạo của cuộc xung đột trong những tháng tới.
Theo Bulgarianmilitary
Đọc bài gốc tại đây.