Trang chủ Công nghệ Chuyển tiền 28 lần để “xin việc” rồi bị lừa mất trắng số tiền gần 700 triệu đồng

Chuyển tiền 28 lần để “xin việc” rồi bị lừa mất trắng số tiền gần 700 triệu đồng

bởi Admin
0 Lượt xem

Theo bà Maizura Abdul Kadir, Giám sát trưởng Công an quận Dungun (Malaysia), nạn nhân 27 tuổi đã nhìn thấy một bài đăng tuyển dụng của một công ty trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ trên Facebook vào ngày 19/5. Ngay sau đó, cô đã liên hệ với đối tượng qua ứng dụng Messenger trước khi cung cấp thông tin cá nhân để đăng ký.

“Nghi phạm yêu cầu nạn nhân chuyển khoản 100 RM (hơn 600.000 đồng) như một khoản phí để bắt đầu công việc. Sau đó, cô được thêm vào nhóm WhatsApp và được liên tục giao nhiệm vụ kèm theo lời hứa hẹn về mức hoa hồng hấp dẫn”, bà Maizura thông tin thêm.

Tại đây, cô đã thực hiện 28 lần chuyển tiền vào 10 tài khoản ngân hàng khác nhau, với tổng số tiền lên tới 112.206 RM (gần 700 triệu đồng), toàn bộ là tiền tiết kiệm cá nhân. Nạn nhân chỉ nhận ra mình bị lừa khi nghi phạm từ chối hoàn tiền, lấy lý do tài khoản công ty đã bị đóng băng.

Sự việc đã được trình báo với cơ quan cảnh sát vào ngày 26/5. Hiện vụ việc đang được điều tra theo Bộ luật Hình sự Malaysia.

Trước vụ việc trên, người dân cần cẩn thận trước các chiêu trò lừa đảo việc làm. Bạn có thể tham khảo những cách phòng tránh sau đây:

Thứ nhất, tìm hiểu thông tin về người liên hệ: Trong trường hợp nghi ngờ người liên hệ có thể là kẻ lừa đảo, người dân nên chủ động tra cứu thông tin. Một tìm kiếm nhanh trên mạng có thể giúp xác định liệu người đó có thực sự làm việc cho công ty mà họ đề cập hay không.

Nếu vẫn chưa chắc chắn sau khi tìm kiếm, người dân nên truy cập vào trang web chính thức của công ty (lưu ý kiểm tra kỹ địa chỉ URL), rồi liên hệ trực tiếp để xác minh.

Thứ hai, tìm hiểu thêm về công ty: Người dân có thể đã tìm hiểu về công ty trước khi nộp hồ sơ ứng tuyển. Tuy nhiên, nếu bất ngờ nhận được lời mời phỏng vấn, bạn cần tiếp tục tra cứu thêm thông tin, như quy trình tuyển dụng, yêu cầu làm việc tại nhà, mức lương và các chế độ phúc lợi mà công ty đang áp dụng. Nếu những thông tin thu thập được không khớp với nội dung lời mời làm việc, đây rất có thể là một chiêu trò lừa đảo.

Thứ ba, bảo mật thông tin cá nhân: Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ ai khi chưa thực sự tin tưởng. Đặc biệt, cần cảnh giác nếu có người gây áp lực, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân với lý do rằng “cơ hội việc làm sẽ không còn nếu không hoàn tất các biểu mẫu”.

Thứ tư, đề phòng với những công việc có mức đãi ngộ hấp dẫn đến khó tin: Người dân cần tỉnh táo, bởi rất có thể những công việc đó hoàn toàn không có thật. Nếu nhận được lời mời làm việc mà không trải qua phỏng vấn chính thức nhưng lại được hứa hẹn mức lương cao và chế độ phúc lợi hấp dẫn, cần đặc biệt thận trọng vì khả năng cao đây là hình thức lừa đảo.

Theo New Straits Times, Better Business Bureau

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan