Vào ngày 19/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã tham dự lễ khởi công xây dựng công trình đập thủy điện lớn nhất thế giới. Đập thủy điện mới này sẽ khai thác sức mạnh của sông Nhã Lỗ Tạng Bố chảy qua cao nguyên Tây Tạng. Ngay từ khi công bố, dự án đập thủy điện mới ở địa khu Lâm Chi (Tây Tạng) đã thu hút nhiều sự chú ý, vì tác động tiềm ẩn tới hàng triệu người người dân Ấn Độ và Bangladesh sống tại vùng hạ lưu sông. Ngoài ra, dự án còn khiến nhiều người lo ngại vì có thể gây ảnh hưởng tới người dân Tây Tạng và môi trường xung quanh.
Theo Xinhua , dự án mang tên Nhà máy thủy điện Motuo sẽ bao gồm 5 trạm thủy điện và sản xuất ước tính tới 300 tỷ kWh/năm. Dự kiến, khi hoàn thành, đập thủy điện mới sẽ vượt qua Tam Hiệp để trở thành đập thủy điện có công suất lắp đặt lớn nhất thế giới.
Theo tờ The Guardian, từ lâu, chính quyền Trung Quốc đã chú ý đến tiềm năng thủy điện của vị trí đập thủy điện tại Khu tự trị Tây Tạng. Theo đó, công trình xây dựng nằm trong hẻm núi khổng lồ được cho là sâu và dài nhất thế giới trên đất liền, dọc theo một đoạn, nơi sông dài nhất Tây Tạng là Nhã Lỗ Tạng Bố, từ đó tạo ra khúc cua chữ U quanh núi Namcha Barwa. Trong quá trình tạo ra khúc cua mang tên “Great Bend” này, độ cao của dòng sông Nhã Lỗ Tạng Bố sẽ giảm hàng trăm mét.
Đáng chú ý, Trung Quốc dự định khoan nhiều đường hầm dài 20 km xuyên núi Namcha Barwa, qua đó chuyển hướng một phần của con sông này. Sau đó, các kỹ sư sẽ thực hiện công việc chuyển dòng nước qua đường hầm để tiến hành xây dựng 5 trạm thủy điện. Theo kế hoạch, điện khai thác từ con đập này đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của Tây Tạng và cung cấp cho nhiều nơi khác.
Vị trí xây dựng đập thủy điện lớn nhất thế giới có gì đặc biệt?

Trung Quốc đã khởi công siêu đập thủy điện mới ở Tây Tạng. Ảnh: SCMP
Đập thủy điện lớn nhất thế giới của Trung Quốc đã khởi công xây dựng tại huyện Motuo, thuộc cao nguyên Tây Tạng. Motuo là một huyện biên giới nằm tại đông nam Khu tự trị Tây Tạng, thuộc vùng chân núi Himalaya.
Theo SCMP , Motuo là nơi từng bị cô lập gần như quanh năm vì địa hình núi non hiểm trở và hẻo lánh. Thế nhưng, trong những năm gần đây, quốc gia tỷ dân đã đầu tư xây hàng loạt tuyến đường, hầm cũng như đường sắt nhằm kết nối khu vực này với phần còn lại của Tây Tạng. Bên cạnh tiềm năng lớn về thủy điện, vùng đất Motuo còn được Trung Quốc đẩy mạnh phát triển thành địa điểm du lịch, nhờ có vẻ đẹp hoang sơ và sự đa dạng sinh thái.
Theo kế hoạch phát triển huyện Motuo giai đoạn từ năm 2021- 2035, Trung Quốc hướng đến việc hình thành một cụm năng lượng sạch và trung tâm thủy điện quy mô lớn tại nơi đây.
Theo ông Zhu Feng, trưởng khoa nghiên cứu quốc tế tại ĐH Nam Kinh, dự án “chắc chắn sẽ trở thành trung tâm năng lượng lớn cho các quốc gia xung quanh và các khu vực lân cận”. Vị chuyên gia này cho biết thêm, dự án sẽ có giá trị chiến lược đáng kể trong việc thúc đẩy nguồn cung cấp điện và tăng trưởng công nghiệp ở các khu vực xung quanh.
Theo Chính phủ Trung Quốc, việc xây đập thủy điện mới là giải pháp đôi bên cùng có lợi, khi vừa giúp giảm ô nhiễm và tạo ra năng lượng sạch, vừa nâng cao đời sống của người dân Tây Tạng ở vùng nông thôn.
Nhưng giới chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về môi trường liên quan đến nguy cơ ngập lụt các thung lũng Tây Tạng, nơi nổi tiếng với sự đa dạng sinh học. Hậu quả có thể xảy ra khi xây đập trong khu vực có chứa nhiều đường đứt gãy động đất.

Đập thủy điện mới được xây dựng ở Motuo, sẽ khai thác sức mạnh của dòng sông Nhã Lỗ Tạng Bố. Ảnh: China News
Theo Xinhua, tổng mức đầu tư của dự án của dự án đập thủy điện mới ở Tây Tạng lên tới 167,1 tỷ USD. Dự án sẽ ưu tiên bảo vệ sinh thái và thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng ở địa phương. Dự án có công suất thiết kế gấp 3 lần đập Tam Hiệp (88,2 tỉ kWh/năm) trên sông Dương Tử. Bên cạnh mục tiêu phục vụ nhu cầu điện toàn quốc, dự án được xây dựng nhằm thúc đẩy mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.
Trên thực tế, Trung Quốc lần đầu tiên công bố kế hoạch xây dựng đập thủy điện này vào năm 2020, trong khuôn khổ Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021 – 2025). Đây như là một phần của chiến lược rộng lớn hơn để khai thác tiềm năng thủy điện khổng lồ của Cao nguyên Tây Tạng.
Theo Xinhua, cơ quan chức năng của Trung Quốc khẳng định rằng, dự án này đã được đánh giá khoa học nghiêm ngặt, đồng thời sẽ không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sự ổn định địa chất và quyền tài nguyên nước của các quốc gia ở vùng hạ lưu sông.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay, dự án có thể giúp hỗ trợ cho những nỗ lực phòng ngừa, giảm thiểu thiên tai, cũng như hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực hạ lưu.
Bài tham khảo nguồn: Xinhua, SCMP, The Guardian
Đọc bài gốc tại đây.