Trang chủ Nhịp sống mới Gặp lại người lính trong bức ảnh ‘Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị’

Gặp lại người lính trong bức ảnh ‘Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị’

bởi Admin
0 Lượt xem

Giữa không khí trang nghiêm, xúc động của cuộc gặp mặt người có công và nhân chứng lịch sử tiêu biểu nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, dáng hình người cựu binh Lê Xuân Chinh (SN 1954, trú tại xã Thanh Yên, tỉnh Điện Biên) nổi bật giữa hội trường với nụ cười hiền hậu, ánh mắt sáng và khuôn mặt từng in đậm trên bức ảnh nổi tiếng ” Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị “.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ mùa hè đỏ lửa năm 1972, nhưng nụ cười ấy – nụ cười giữa bom đạn, giữa sống và chết – vẫn in đậm trong lòng những người từng đi qua chiến tranh và thế hệ hôm nay. Gặp lại ông trong ngày tri ân đặc biệt, câu chuyện về ký ức chiến trường và niềm tin sắt đá vào độc lập dân tộc, một lần nữa bồi hồi sống dậy.

Bức ảnh “Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị” của phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính. (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)

Sinh ra và lớn lên ở xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình (cũ), Lê Xuân Chinh là con một trong gia đình. Ông mồ côi cha từ thuở nhỏ. Năm 1971, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt, không thuộc diện phải ra trận, chàng trai 17 tuổi vẫn tự nguyện viết đơn nhập ngũ, mang trong mình khát vọng được góp phần bảo vệ Tổ quốc.

Tháng 6/1972, ông được bổ sung vào biên chế Đại đội 18 thông tin liên lạc thuộc Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B. Cùng đồng đội vượt sông Thạch Hãn, ông tiến vào Thành cổ Quảng Trị – nơi trở thành biểu tượng khốc liệt nhất của cuộc chiến.

Nhiệm vụ của đơn vị ông là hằng ngày dẫn lực lượng chủ lực, chuyển công văn và mệnh lệnh từ chỉ huy xuống các đơn vị chiến đấu đang cầm cự giữa vòng vây đạn pháo.

Dọc sông Thạch Hãn ngày đêm mưa bom bão đạn. Pháo từ Hạm đội 7 bắn vào không ngớt, trên trời thì máy bay, dưới đất thì xe tăng. Nhưng chúng tôi vẫn tiến lên, bởi giữ Thành cổ là mệnh lệnh thiêng liêng. Người này ngã xuống, người khác lại đứng lên chiến đấu.

Đồng đội hy sinh rất nhiều, nhưng những người còn sống không ai được phép gục ngã. Anh em đã ngã xuống thì chúng tôi càng phải giữ chắc tay súng mà tiến lên “, ông Chinh nghẹn ngào nhớ lại quãng thời gian sinh tử đã trải qua.

Nói về bức ảnh nổi tiếng ” Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị “, ông Chinh kể, đó là sáng 15/8/1972. Hôm ấy, ông được Ban Chỉ huy Trung đoàn giao nhiệm vụ dẫn nhà báo Đoàn Công Tính, phóng viên Báo Quân đội Nhân dân, vào khu vực Thành cổ.

Tại một chốt đóng quân ta ở phía Đông, gần sát bờ sông Thạch Hãn, chỉ cách Dinh Tỉnh trưởng hơn 100m, một nhóm chiến sĩ đang chuyện trò rôm rả giữa lúc pháo địch chuyển làn. Phóng viên Đoàn Công Tính đề nghị chụp ảnh. Lê Xuân Chinh – người trẻ nhất trong nhóm – được ưu tiên ngồi gần ống kính, tay cầm khẩu súng B40.

Lúc đó thấy nhà báo thì ai cũng muốn được chụp ảnh. Biết đâu được khi bức ảnh này lên báo, biết đâu được bố mẹ nhận ra mình và biết rằng con mình vẫn còn sống. Chúng tôi nghĩ như thế nên khi nhà báo nói ‘các đồng chí cười lên’ thì tất cả đều cười.

Nụ cười giữa bom đạn chiến tranh ấy cũng bởi chúng tôi khi ấy luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Quân đội, tin rồi cuối cùng chúng ta sẽ giành thắng lợi, thắng lợi vào một ngày không xa “, người cựu binh nói, giọng như lạc đi vì xúc động.

Trận Thành cổ kéo dài 81 ngày đêm (ngày 28/6/1972 đến ngày 16/9/1972) thì Lê Xuân Chinh bám trụ đến 70 ngày.

Chiều 5/9/1972, trên đường mang công văn từ Ban chỉ huy Trung đoàn xuống Ái Tử, ông dính pháo bầy. Mảnh pháo găm vào sườn trái, máu ướt đẫm toàn thân. Khi tỉnh lại, ông đã được đồng đội đưa về Bệnh viện dã chiến 112 ở xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Cũng trong năm 1972, khi đơn vị rút ra Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, tôi nhìn thấy tấm ảnh trên Báo Quân đội Nhân dân do thủ trưởng đơn vị cho xem. Năm 1974, do vết thương tái phát và sức khỏe suy yếu, tôi được cấp trên cho phục viên. Trong đợt nhập ngũ năm đó, cả làng có 10 người, đến ngày toàn thắng chỉ còn 4 người trở về “, ông Chinh nói.

Về Thái Bình, qua mai mối của người cô ruột, ông nên duyên vợ chồng với cô thôn nữ cùng làng. Năm 1980, ông lên thăm người nhà đi kinh tế mới ở Điện Biên, thấy mảnh đất phì nhiêu, có thể sống được nên quyết định về quê động viên vợ, sau đó cả nhà ngược ngàn.

Cựu chiến binh Lê Xuân Chinh, một trong những chiến sĩ có mặt trong bức ảnh “Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị”. (Ảnh: Sơn Nguyễn)

Dù đã trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt hay hành trình mưu sinh đầy gian khó nơi vùng đất mới, người cựu binh với “nụ cười chiến thắng” ấy vẫn giữ vẹn nguyên khí chất người lính năm xưa – kiên cường, chân thành và lặng lẽ cống hiến.

Với ông, sống sót trở về đã là một may mắn lớn lao, còn được đồng đội nhớ đến, được Tổ quốc tri ân là niềm vinh dự thiêng liêng, không gì có thể sánh được.

Trong suốt cuộc trò chuyện, cựu binh Lê Xuân Chinh luôn khiêm nhường, phủ nhận việc mình là “nhân chứng lịch sử”. Ông bảo, mình chỉ là người may mắn được chứng kiến lịch sử, đi qua mưa bom bão đạn mà sống sót trở về, rồi chứng kiến đất nước từng ngày hồi sinh, phát triển.

Giống như hàng triệu người con đất Việt lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. ” Những người không ai nhớ mặt, đặt tên đã làm nên đất nước “, ông xúc động nhắc lại câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm như một cách tưởng nhớ những đồng đội nằm lại nơi chiến trường xưa.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan