Trang chủ Nhịp sống mớiChuyện cuộc sống Câu chuyện sau bức ảnh cô bé ăn xin ôm chú chó già ở ngã tư Hàng Xanh

Câu chuyện sau bức ảnh cô bé ăn xin ôm chú chó già ở ngã tư Hàng Xanh

bởi Admin
0 Lượt xem

Clip: Di Anh

Cô bé ăn xin và chú chó già

Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền chóng mặt một câu chuyện nhỏ nhưng chan chứa tình người, được một bạn trẻ chia sẻ. Một khoảnh khắc tưởng chừng rất đời thường giữa lòng Sài Gòn tấp nập, nhưng lại khiến nhiều người thấy trái tim như mềm lại.

“Dừng xe ở ngã tư Hàng Xanh, mình bắt gặp một đứa bé ăn xin ngồi nép bên lề đường, bên cạnh là chú cún già nua run rẩy.

Mình hỏi:

– Chó của cháu hả? Nó bị sao thế?

Con bé ngẩng lên, cười nhẹ như nắng đầu đông:

– Con mới lụm nó hồi trưa hôm qua đó chú. Nó bị què, đi không được, con thấy tội nên lụm.

Một chú cún già, chắc từng bị ai đánh hoặc bị bệnh mà hai chân sau sưng vù, cả thân hình run run như cọng bún lắc. Hình như đứa trẻ đã lấy cái áo cũ quấn cho nó bớt lạnh.

Ảnh: Minh Luân

– Nó tên gì?

– Con mới lụm nên cũng chưa đặt tên luôn chú.”

Đứa trẻ lại cười. Một nụ cười chất phác, chân thành. Cứ nhắc đến chú chó là em sáng bừng như thể đang kể về người thân yêu quý. Dường như với em, việc nhặt được chú chó tật nguyền đó chính là một món quà.

Người đăng tải bài viết vốn định không chụp ảnh, nhưng vì khuôn mặt cô bé quá đẹp và trong trẻo, anh đã xin phép chụp vài tấm. Em cười nhăn cả mũi, lại cứ nhắc đi nhắc lại: “Con lụm nó đó chú.”

Câu chuyện tưởng như dừng lại ở một đoạn chia sẻ nhẹ nhàng. Nhưng phía sau nụ cười kia là một hành trình đời thực đầy nhọc nhằn và xúc động của cô bé có tên Trương Ngọc Quỳnh Nhi, 17 tuổi, quê ở Đồng Nai.

Phía sau nụ cười tựa “nắng đầu đông” của cô bé 17 tuổi

Gặp Nhi bên vỉa hè, dưới cái nắng gắt của phố phường TP.HCM, em ngồi nép bên một góc vỉa hè, lặng lẽ như hoà vào dòng người vội vã. Chiếc mũ rộng vành đen đã sờn, còn nguyên vệt bụi, che lấp phần nào khuôn mặt rám nắng. Chiếc áo sơ mi kẻ bạc màu, rộng thùng thình trùm đến tận đầu gối, rõ ràng là đồ cũ, chẳng vừa vặn với vóc người gầy gò của em. 

Ấy vậy mà khi em cười, một nụ cười nhẹ tênh, ngoan hiền khiến người ta ấm lòng, hệt như “nắng đầu đông” đã từng được nhắc tới trong bài viết. Một tâm hồn nhỏ bé trong trẻo lẫn giữa những huyên náo ồn ào của phố thị.

Trương Ngọc Quỳnh Nhi (Ảnh: Di Anh)

Hằng ngày, từ 7 giờ sáng, Nhi rời phòng trọ nhỏ ở phường Tân Hiệp, Đồng Nai, băng qua chợ rồi lên xe buýt. Đến khoảng 9 giờ sáng, em có mặt tại phường Thạnh Mỹ Tây (TP.HCM), bắt đầu một ngày nhặt ve chai, xin ăn.

“Đi một lần lên đây là tiếng rưỡi, đi tới chợ đi bộ lên, qua một cái dốc thì mới tới nhà em. Qua ngày mai là lại tiếp tục hành trình, cứ lặp đi lặp lại hàng ngày. Nắng quá bắt đầu chạy vào chỗ râm ngồi.” – Nhi kể.

Mẹ Nhi mất khi em mới 8 tuổi vì ung thư phổi. Ngày mẹ còn sống, bà là người nghiêm khắc, yêu thương con bằng kỷ luật.

Cô bé đã sớm vất vả hơn những bạn bè đồng trang lứa (Ảnh: Di Anh)

“Mẹ lo hết. Mẹ phụ quán bún bò Huế. Mẹ mất rồi thì bà ngoại có quản gì đâu, nên hai anh em nghỉ học.” – Nhi gượng cười khi nhắc về cuộc đời mình. Có lẽ, cô bé đã đi qua quá nhiều nhọc nhằn mà một đứa trẻ 17 tuổi không đáng phải gánh chịu. Những vất vả của cuộc sống mưu sinh, những mất mát từ thuở còn thơ và những âu lo không tên về tương lai… tất cả đã in hằn lên dáng người nhỏ bé ấy, khiến em trưởng thành sớm hơn so với tuổi.

“Giờ em cũng có suy nghĩ tiếc sao hồi đó không đi học như người ta, mỗi ngày đi học rồi chiều về. Mình biết chữ rồi có bằng cấp. Giờ em đang cố gắng để lo cho ngoại. Ngoại lo cho mình rồi nhưng mình chưa lo cho ngoại ngày nào.” – Nhi nghẹn ngào.

Căn phòng trọ nhỏ và những trái tim ấm

Bà Nguyễn Thị Bé Hai (73 tuổi, Đồng Nai), người bà tảo tần nuôi hai anh em Nhi từ khi mẹ mất, chậm rãi kể: “Hoàn cảnh như vậy thì cháu nó cũng hiểu. Bà chỉ cần ốm nằm xuống là nó chạy lo tiền thuốc men liền, lúc nào cũng vậy…” Ba bà cháu cứ vậy nương tựa vào nhau mà sống.

Căn phòng trọ nhỏ của ba bà cháu (Ảnh: Di Anh)

Trong căn phòng trọ chật hẹp chỉ vài mét vuông, ngoài chiếc quạt nhỏ dựng góc nhà thì thứ đáng giá nhất chỉ có chiếc tủ lạnh được người ta cho, nhưng bà cháu cũng tính toán cắt bớt vì tốn quá nhiều điện. 

Khó khăn là vậy, nhưng ba bà cháu vẫn cưu mang thêm năm chú chó hoang, những sinh linh nhỏ bé bị bỏ rơi ngoài bãi rác, lề đường. Tất cả đều được Nhi và bà tắm rửa sạch sẽ, chăm sóc như người thân. Đám chó lanh lợi, quấn quýt là nguồn vui hiếm hoi giữa cuộc sống lặng lẽ, là chút ấm áp còn lại trong căn phòng trọ nghèo.

“Con này biết bắt tay đó. Con này lúc bà đi lượm ve chai nó đi theo bà luôn. Bà đi đâu nó đi theo tới đó, từ hồi nó nhỏ xíu mà giờ nó bự như này rồi. Con màu đen này là có ông ở bên kia nuôi nhưng nhốt ở trong phòng trọ cả tuần không cho ăn uống, không ai nuôi nên đem về nuôi. Con vàng là người ta thấy nên cho đem về nuôi.” – bà Hai kể.

Hiện tại bà cháu Nhi vẫn đang cưu mang 5 chú chó nhỏ (Ảnh: Di Anh)

Trong số đó, có chú chó tên Lu, chính là chú chó già trong câu chuyện lan truyền trên mạng xã hội. Nhưng đáng buồn thay, đến hiện tại, Lu đã không thể qua khỏi dù bà cháu Nhi đã cố gắng hết sức.

“Em đang đi thì thấy nó ngồi, em suy nghĩ ‘con chó gì bự dữ trời, sao nó thở tội nghiệp’. Em tính đụng vào mà nhìn nó dữ lắm, sợ cắn. Nhưng đi nửa tiếng sau quay lại em vẫn thấy nó ngồi đó nên mới cho uống nước. Một bà ở đó mới nói con nuôi nó đi, tội nghiệp nó quá…” – Nhi nhớ lại.

Cả ngày hôm đó, hai anh em Nhi chỉ kiếm được hơn 170.000 đồng. Vậy nhưng em vẫn dành 130.000 để mua một chiếc xích cho chú chó: “Anh hai đưa tiền cho em mua chiếc xích một trăm ba chục ngàn. Hoảng hồn luôn. Sau đó mới xích nó lại một chỗ cho ngồi thôi. Tại hai anh em đi lượm ve chai đâu ai coi nó đâu.”

Thời điểm Nhi nhận nuôi Lu (Ảnh: Minh Luân)

Đáng tiếc, chú chó yếu dần, không thể ăn uống cả tuần lễ và qua đời. Chú chó Lu ra đi. Nhưng tình thương của cô bé nghèo dành cho một sinh linh bị bỏ rơi vẫn ở lại.

Ước mơ hiện tại của Nhi là học nghề làm tóc, trang điểm. “Từ nhỏ em đã thích. Nhất là làm tóc.” giọng nói hồn nhiên ấy vẫn sáng lên dù gói gọn trong bao vất vả.

Giữa lòng phố thị ồn ã, một cô bé ăn xin có thể sẽ rất khó để có nhà cao cửa rộng hay một cuộc sống không cần lo lắng cơm áo gạo tiền. Vậy nhưng, em có một trái tim lớn, đủ rộng để chứa những điều tử tế mà người ta đôi khi lạc mất.

Ảnh, clip: Di Anh

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan