Một buổi sáng, chị N.T.H (34 tuổi, tại Bắc Ninh) bước vào ca chạy thận của mình tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Chị H thở dài chia sẻ, chị đã chạy thận được hơn 10 năm nay do bị suy thận giai đoạn cuối. Khi nghĩ về quá khứ, chị lại tiếc nuối cho 1 sai lầm của mình.
Chị H phát hiện bị suy thận khi mới 19 tuổi. Chị thường xuyên mệt mỏi, buồn nôn, ăn uống kém nhưng không đi khám sớm. Đến lúc kiểm tra, bệnh đã ở giai đoạn 3. Sau khi biết mình bị bệnh thận nặng, chị H sốc và suy sụp tinh thần suốt mấy năm liền vì chị còn quá trẻ. Bác sĩ khuyên chị nên phối hợp điều trị để giữ gìn chức năng thận. Nếu điều trị đúng và thay đổi chế độ ăn uống, lối sống, chị có thể kéo dài thời gian chưa phải lọc máu định kỳ.
Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết, chị H đã tìm đến các loại thuốc nam để uống. Điều này khiến bệnh không thuyên giảm, thậm chí chị còn phải nhập viện cấp cứu. Đây là sai lầm khiến chị phải “trả giá đắt”.
Thời điểm nhập viện, thận của chị H đã suy giai đoạn cuối. Từ đó, chị bắt đầu điều trị bằng chạy thận, lúc đầu mỗi tuần một buổi, sau đó tăng dần. Đến nay, chị đã chạy thận hơn 10 năm, trung bình mỗi tuần 3 buổi, mỗi buổi kéo dài khoảng 3 tiếng rưỡi.

Chị H đang chạy thận tuần 3 buổi do suy thận giai đoạn cuối (Ảnh: V.L).
Chị H hiện sống một mình tại “xóm chạy thận” gần Bệnh viện Bạch Mai. Đây là nơi quy tụ hơn một trăm bệnh nhân có cùng hoàn cảnh với chị. Mọi sinh hoạt của chị H đều phải tuân theo chế độ ăn nghiêm ngặt: hạn chế nước, muối, kali và phốt pho. Nhiều thực phẩm quen thuộc như cam, sữa, trứng, bánh mì trắng hay rau xanh chứa nhiều kali, chị đều phải kiêng.
Chị H chia sẻ, gia đình chị không còn ai. Chị là con một, bố mẹ đã mất từ nhỏ. Trước đây, dù mang bệnh, chị vẫn cố gắng làm nhiều công việc để trang trải cuộc sống như bán hàng, phục vụ quán cà phê. Hiện tại, chị làm thêm nghề chạy xe ôm, đưa đón bệnh nhân.
Trong chuyện tình cảm, chị H may mắn có bạn trai hiểu và cảm thông. Hai người đã ở bên nhau nhiều năm, cùng thuê trọ tại “xóm chạy thận” này.
Về khả năng sinh con, bác sĩ cho biết chị vẫn có thể mang thai nhưng chi phí điều trị và theo dõi đặc biệt sẽ rất tốn kém. Nếu ghép thận thành công, khả năng làm mẹ của chị sẽ cao hơn. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế hiện tại, ước mơ làm mẹ vẫn còn xa vời đối với chị.
Dù cuộc sống nhiều khó khăn, chị H vẫn lạc quan, tuân thủ điều trị đều đặn, cố gắng làm việc để nuôi sống bản thân và hy vọng một ngày sẽ có cơ hội sống khỏe mạnh hơn.
Suy thận ở người trẻ gia tăng
TS.BS Trương Quý Kiên, Khoa Nội thận – Lọc máu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết tỷ lệ bệnh nhân trẻ (dưới 40 tuổi) bị suy thận có xu hướng gia tăng. Trong đó, nhóm dưới 30 tuổi chiếm khoảng 10–15%, trẻ nhất là bệnh nhân mới 14 tuổi.
Người trẻ ngày càng đối mặt với nguy cơ mắc bệnh thận do nhiều yếu tố kết hợp, từ lối sống thiếu lành mạnh đến nhận thức sai lệch. Ăn nhiều muối và đồ chiên rán, uống ít nước, nhịn tiểu thường xuyên làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, tiểu đường, viêm thận, sỏi thận.
Hiện nay, nhiều bạn trẻ tập gym còn tự ý dùng creatine, steroid, testosterone mà không có hướng dẫn y tế, khiến thận quá tải, dẫn tới tổn thương chức năng thận.
Ngoài ra, rượu ngâm, thuốc bổ truyền miệng cũng có thể gây tổn thương thận cấp. Căng thẳng, thiếu ngủ, stress kéo dài cũng âm thầm cộng hưởng, khiến thận suy yếu dần theo thời gian ở những người đã có bệnh thận từ trước.
Suy thận mạn là căn bệnh tiến triển âm thầm, thường không biểu hiện rõ ràng cho đến khi đã ở giai đoạn nặng. Để phát hiện bệnh sớm, bác sĩ Kiên khuyên mỗi người nên đi kiểm tra sức khỏe ít nhất 3–6 tháng một lần, trong đó đặc biệt lưu ý xét nghiệm nước tiểu. Xét nghiệm này là một phương pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả trong việc sàng lọc các tổn thương thận tiềm ẩn.
Đọc bài gốc tại đây.