Kích hoạt y lệnh khẩn giữa đêm
Bệnh nhân Quyên (29 tuổi, TP.HCM), có yếu tố nguy cơ tiền sản giật từ tuần thai thứ 12 và đang được điều trị dự phòng. Trước khi nhập viện, chị đột ngột đau đầu, buồn nôn rồi ngã quỵ, liệt nửa người trái và rơi vào trạng thái lơ mơ.
Bệnh nhân nhập viện cấp cứu giữa đêm. Khi tiếp nhận, các bác sĩ ghi nhận tim thai ổn định 140 lần/phút, nhưng chỉ số tri giác (GCS) giảm còn 11/15 – dấu hiệu cảnh báo tổn thương thần kinh nghiêm trọng. Bệnh viện lập tức kích hoạt y lệnh khẩn “Code Stroke” và tiến hành chụp chiếu. Kết quả ghi nhận bệnh nhân có một ổ xuất huyết nội sọ lớn, kích thước khoảng 5x4x6 cm ở thùy chẩm phải, gây chèn ép mạnh và lệch đường giữa não. Bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ, tình trạng nguy kịch.
BS.CKI Dương Phạm Văn Thanh, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết: “Đây là tình huống tối cấp. Nếu không xử lý kịp thời, nguy cơ tử vong cả mẹ và thai nhi rất cao”.

Hình ảnh xuất huyết não của bệnh nhân.
Bệnh viện huy động đội ngũ liên chuyên khoa Phẫu thuật thần kinh, Gây mê hồi sức, Hồi sức tích cực và Sản khoa để tiến hành mổ khẩn bằng hệ thống robot Modus V Synaptive tích hợp AI. Ca mổ do Thầy thuốc ưu tú.ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ – Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh của bệnh viện thực hiện.
Trước phẫu thuật, hệ thống robot dựng bản đồ não 3D, giúp bác sĩ quan sát rõ ranh giới khối máu tụ với mô lành, lên kế hoạch tiếp cận tổn thương theo đường tối ưu, tránh ảnh hưởng đến vùng vận động và thị giác. Điều này đặc biệt quan trọng với bệnh nhân mang thai.
Trong ca mổ, cánh tay robot tích hợp kính vi phẫu tự động lấy nét và AI đã liên tục cảnh báo khi dao mổ tiến gần vùng nguy hiểm. Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, an toàn, khối máu tụ của bệnh nhân được lấy sạch, mô não được giải áp, áp lực nội sọ giảm rõ rệt.
Nhờ sự tham gia của robot nên trong ca phẫu thuật, lượng máu bệnh nhân mất đã giảm 79%, thời gian phẫu thuật rút ngắn hơn 20%. Điều này giúp bệnh nhân giảm đau đớn và giảm thời gian nằm viện.
Hai ngày sau ca mổ, chị Quyên hồi tỉnh, có thể cử động nhẹ tay trái, tim thai ổn định. Chụp CT 1.975 lát cắt ghi nhận não được giải áp hiệu quả, không có ổ xuất huyết mới. Đến ngày thứ 5, chị hoàn toàn tỉnh táo, sức cơ tay trái đạt 4/5, chân trái đạt 2/5 và bắt đầu vận động nhẹ. Thai máy đều đặn, các chỉ số tăng trưởng trong giới hạn bình thường.
“Thành công này là minh chứng cho sự phối hợp hiệu quả liên chuyên khoa, tận dụng tối đa công nghệ hiện đại để can thiệp kịp thời”, bác sĩ Tấn Sĩ nhấn mạnh.
Cảnh giác với đột quỵ do tiền sản giật
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến chị Quyên bị đột quỵ trong thai kỳ là do vấn đề tiền sản giật. Đây là nguyên nhân ít ai ngờ tới. Phụ nữ mang thai có yếu tố tiền sản giật sẽ có nguy cơ đột quỵ tăng gấp 1,4 lần so với thai phụ khỏe mạnh.
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Quý Khoa – Phó khoa Sản, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tiền sản giật gây tăng sức cản thành mạch, khiến huyết áp tăng đột ngột, dẫn đến rối loạn tưới máu não, dễ gây phù và xuất huyết não. Mặc dù kiểm soát huyết áp đúng cách có thể phòng 70% biến chứng, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro do các cơn tăng huyết áp đột ngột, nhất là khi thai phụ chịu áp lực tâm lý, thay đổi nội tiết.
Các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ mang thai có yếu tố nguy cơ như tiền sản giật, tăng huyết áp, béo phì, tiểu đường, rối loạn đông máu hoặc có tiền sử gia đình đột quỵ cần theo dõi sát sao tại cơ sở y tế chuyên sâu. Khi sản phụ có các dấu hiệu cảnh báo như đau đầu dữ dội, mờ mắt, rối loạn ngôn ngữ, yếu liệt nửa người, co giật hoặc ngất, gia đình cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện để kịp thời cứu chữa.
Đọc bài gốc tại đây.