Israel thoát nạn nhờ “mắt thần Mỹ”
Cuộc tập kích tên lửa quy mô lớn của Iran nhằm vào Israel hồi tháng 4/2024, đã trở thành màn kiểm nghiệm thực chiến khắc nghiệt nhất từ trước tới nay đối với Lực lượng Vũ trụ Mỹ.
Trong bối cảnh hàng trăm đầu đạn đạn đạo đồng loạt lao vào không phận Israel, đơn vị Cảnh báo Không gian số 11 của Mỹ đã thể hiện khả năng “ra đòn trong bóng tối”, kích hoạt hệ thống cảm biến chiến lược để cung cấp dữ liệu sớm và chính xác đến từng giây cho các đơn vị đánh chặn của Hải quân, Lục quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF).
Theo Viện Nghiên cứu Không gian Mitchell, đơn vị 11 đã được vinh danh là đơn vị xuất sắc nhất năm 2024, với lý do là “đóng vai trò then chốt trong bảo vệ Israel trước đòn trả đũa của Iran”. Vụ tập kích được Iran phát động ngày 13/4, nhằm đáp trả vụ tiêm kích F-35 của Israel không kích tòa nhà ngoại giao Iran tại Damascus, Syria, khiến thiếu tướng Mohammad Reza Zahedi, chỉ huy cấp cao của lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Iran, cùng 10 người khác thiệt mạng.

Các thành viên của Phi đội Cảnh báo Không gian số 11. (Ảnh Military Watch)
Đợt tấn công bằng tên lửa Emad và Ghadr của Iran đã khiến trung tâm điều hành của đơn vị 11 rung lên 300 lượt cảnh báo chỉ trong vài giờ đầu tiên. Các kíp trực của đơn vị, với mỗi ca gồm 6 người, lập tức vào vị trí chiến đấu, theo dõi từng vệt phóng, xác minh quỹ đạo và chuyển tiếp dữ liệu tới các hệ thống phòng thủ như AEGIS (Hải quân Mỹ), THAAD (Lục quân Mỹ) và hệ thống phòng không đa tầng của Israel.
“Đây là điều chưa từng có trong lịch sử vận hành của đơn vị. Hàng trăm tên lửa lao vào không phận Israel chỉ trong vài phút. Chúng tôi buộc phải suy nghĩ lại toàn bộ cách làm việc, cách phản ứng với mối đe dọa kiểu mới” , trung úy Abigail Flanner, sĩ quan vũ khí thuộc đơn vị 11 chia sẻ.
Trong khi đó, trung tá Amanda Manship, chỉ huy đơn vị tiết lộ thêm: “ Chúng tôi đang ở giai đoạn thử nghiệm hệ thống cảnh báo mới thì vụ tấn công xảy ra. Đội ngũ đã phải vận hành hệ thống chưa từng thực chiến, trong điều kiện khẩn cấp chưa từng có. Và họ đã làm được”.
Cuộc đua công nghệ “trong bóng tối”
Cuộc tấn công ngày 13/4 chỉ là đợt đầu tiên trong chiến dịch tên lửa ba giai đoạn của Iran, mang mật danh “True Promise”. Đợt hai diễn ra ngày 1/10/2024 sau khi Israel oanh tạc Tehran và mở cuộc tiến công bộ binh vào Lebanon. Đợt ba xảy ra vào tháng 7/2025 nhằm trả đũa đợt không kích lớn của Israel vào loạt mục tiêu tại Iran.
Dù các đòn đánh của Iran – đặc biệt trong tháng 6 đã gây thiệt hại lớn cho hạ tầng và căn cứ quân sự Israel, thì tỷ lệ đánh chặn của IDF vẫn đạt mức cao kỷ lục nhờ hệ thống cảnh báo sớm từ vệ tinh và radar tầm xa do Mỹ vận hành.
Ngoài hệ thống radar AN/TPY-2 của THAAD, hệ thống AEGIS trên các khu trục hạm Mỹ cũng đóng vai trò như một mạng lưới cảm biến nổi. Kết hợp với căn cứ radar Kurecik đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ, toàn bộ khu vực Trung Đông – Địa Trung Hải đã được quét liên tục trong thời gian diễn ra các cuộc tấn công. Điều quan trọng là tất cả dữ liệu được hợp nhất, xử lý và truyền theo thời gian thực.
Trong khi Iran dựa gần như hoàn toàn vào kho tên lửa đạn đạo để răn đe đối phương, thì khả năng cảnh báo sớm từ không gian đã trở thành lợi thế sống còn của Israel. Với quỹ đạo bay siêu vượt âm và thời gian tiếp cận mục tiêu chỉ tính bằng phút, các đầu đạn như Ghadr, Emad hay Sejjil của Iran gần như không thể bị phát hiện kịp nếu thiếu hỗ trợ từ vệ tinh cảnh giới.
Với độ cao quỹ đạo hơn 35.000km và cảm biến hồng ngoại công suất cao, các vệ tinh của Lực lượng Vũ trụ Mỹ có thể phát hiện vụ phóng tên lửa chỉ trong vài giây đầu tiên sau khi rời ống phóng. Dữ liệu ngay lập tức được truyền về các trung tâm điều hành của đơn vị 11, phân tích bằng trí tuệ nhân tạo để xác định loại đạn, tầm bắn, hướng bay và mục tiêu tiềm năng.
Trong nhiều trường hợp, thời gian cảnh báo sớm trước khi tên lửa chạm mục tiêu đạt tới 2 phút – vừa đủ để hệ thống phòng thủ lớp trong kịp khởi động quy trình đánh chặn.

Tên lửa đạn đạo của Iran sẽ bay qua Israel vào tháng 6 năm 2024. (Ảnh Iran Press)
Dù thiệt hại vẫn không nhỏ sau các đợt tập kích của Iran, đặc biệt là vào tháng 6/2025, giới chuyên gia quân sự phương Tây đánh giá rằng nếu không có hệ thống cảnh báo của Mỹ, tổn thất của Israel sẽ lớn hơn gấp nhiều lần. Thậm chí, nhiều đòn tấn công bằng Sejjil hai tầng của Iran đã bị đánh chặn ở độ cao 80km, khi chúng còn đang ở pha giữa quỹ đạo – điều gần như không thể xảy ra nếu chỉ dựa vào hệ thống phòng thủ trong nước.
Một hệ lụy khác đáng chú ý là việc hiệu quả đánh chặn cao khiến giới chính trị và quân sự Israel càng có lý do tiếp tục hành động quân sự cứng rắn với Iran – thay vì nhượng bộ hoặc dừng lại.
Vụ tập kích tên lửa của Iran không chỉ đánh dấu bước leo thang chưa từng có trong xung đột Trung Đông, mà còn chứng minh vai trò của công nghệ không gian trong chiến tranh hiện đại. Nếu như trong chiến tranh Vùng Vịnh 1991, radar mặt đất vẫn đủ để đối phó tên lửa Scud, thì nay – trước đòn đánh từ Emad, Sejjil – chỉ vệ tinh cảnh giới mới đủ khả năng ứng phó.
Đọc bài gốc tại đây.