
Tang lễ của họa sĩ Lê Thiết Cương diễn ra sáng 21/7 tại Nhà tang lễ quốc gia (Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ truy điệu và di quan diễn ra lúc 11h cùng ngày. Họa sĩ được an táng tại Nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Phú Thọ).

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam – viếng họa sĩ Lê Thiết Cương. “Ở tuổi 63, sự ra đi của Lê Thiết Cương là quá bất ngờ đối với các đồng nghiệp. Lê Thiết Cương đa dạng trong các loại hình nghệ thuật, không chỉ là tranh mà còn là gốm, điêu khắc. Ông không chỉ hoạt động trong nước mà còn kết nối, giao lưu với nước ngoài. Ông là người tạo ra được dấu ấn cho mỹ thuật Việt. Lê Thiết Cương ra đi quá bất ngờ nhưng những gì ông để lại – một mạch đi, lộ trình nghệ thuật liền mạch, liên tục cho đến năm 2024 (từ 1990-2024). Không phải ai cũng giữ được sự liền mạch như vậy”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói với Tiền Phong.

Ca sĩ Thanh Lam viếng người anh – đồng nghiệp thân thiết.

NSND Thanh Lam cho biết họa sĩ Lê Thiết Cương là người sâu sắc trong công việc. “Anh Cương hay giận dỗi, tính cách đáng yêu. Cuộc sống của anh quá ngắn để truyền tải hết những khát vọng trong nghệ thuật. Lê Thiết Cương chơi màu rất đẹp”, NSND Thanh Lam nói.

Nhà báo, biên tập viên Quang Minh viếng họa sĩ Lê Thiết Cương.

Đồng nghiệp, bạn bè của họa sĩ Lê Thiết Cương chia buồn với tang quyến.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp ghi sổ tang.

Nhà văn Ngô Thảo (áo đen) bày tỏ tiếc thương họa sĩ tài năng, hết lòng với cái đẹp trong mọi khâu sáng tạo. “Lê Thiết Cương hiện diện không phải như họa sĩ cầm cọ đơn thuần mà ông tham dự mọi việc liên quan đến cái đẹp”, nhà văn Ngô Thảo chia sẻ.

TS Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – tại lễ tang.

Trong điếu văn, họa sĩ Lương Xuân Đoàn khẳng định họa sĩ Lê Thiết Cương “chẳng sợ ai”. Nhưng bởi thế mới Lê Thiết Cương được đồng nghiệp mở lòng đón nhận, yêu thương. “Với 26 triển lãm cá nhân, 10 triển lãm nhóm ở trong và ngoài nước, viết đều đặn cho các báo và tạp chí về nghệ thuật, đứng ra tổ chức triển lãm phi lợi nhuận cho các họa sĩ trẻ, làm giám khảo rồi giám tuyển cho mọi triển lãm hội họa, điêu khắc, gốm, nhiếp ảnh, thiết kế sân khấu, thiết kế bìa và minh họa sách cho các văn nghệ sĩ nổi tiếng – Lê Thiết Cương để lại tài sản nghệ thuật đồ sộ, khiêm nhường, không mấy ai có”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn bày tỏ.

Nghệ sỹ flute Lê Thư Hương thổi khúc nhạc tiễn biệt họa sĩ Lê Thiết Cương. Bạn bè vây quanh Lê Thiết Cương không chỉ là các họa sĩ, mà còn có các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, diễn viên, hoa hậu. Ông thẳng tính, thậm chí nóng tính nhưng rất trọng nghĩa, khẳng khái, hào hiệp, rộng lòng với bạn bè anh em.

Trưa 21/7, trong cơn mưa ở Hà Nội, gia đình và đồng nghiệp tiễn biệt một họa sĩ tài danh, trọng tình.
Họa sĩ Lê Thiết Cương sinh năm 1962 tại Hà Nội, trong một gia đình có cha mẹ đều làm nghệ thuật. Ông theo học Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội từ năm 1984 đến 1990. Từ năm 1992, Lê Thiết Cương là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và sau đó được trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam về những đóng góp can đảm cho sự đối mới của nền mỹ thuật Việt.
Ông từng tự nhận: “Tôi không làm được gì ngoài tối giản. Tối giản là cá tính cốt tử của tôi, là ADN, là vân tay, là căn cước tôi”.
Đọc bài gốc tại đây.