Trận địa S-300 bị san phẳng
Một cuộc tấn công chính xác bằng tên lửa đạn đạo Iskander-M của Nga, đã phá hủy các hệ thống phòng không S-300PS còn sót lại của Không quân Ukraine gần làng Hvardiiske, tỉnh Odessa.
Hình ảnh từ UAV do Nga công bố cho thấy toàn bộ trận địa S-300 bị san phẳng, đánh dấu một bước lùi lớn trong nỗ lực bảo vệ không phận của Ukraine trước các đòn tập kích đường không. Các hệ thống bị tiêu diệt thuộc dòng S-300PS – biến thể từng được coi là “át chủ bài” trong mạng lưới phòng không của Liên Xô giai đoạn cuối Chiến tranh Lạnh, nhưng đã lạc hậu nghiêm trọng so với các hệ thống hiện đại như S-300PMU hay S-400 ngày nay.

Hệ thống tên lửa đất đối không S-300 của Ukraine. Ảnh Military Watch
Trong giai đoạn còn thuộc khối Hiệp ước Warsaw, Ukraine từng là tuyến phòng thủ thứ tư nếu NATO phát động một cuộc tấn công tổng lực vào Liên Xô. Chính vì vậy, Moskva đã bố trí số lượng lớn khí tài hiện đại tại đây, bao gồm hàng trăm tổ hợp S-300 cùng các hệ thống phòng không tầm trung như Buk-M1.
Trước năm 2022, Ukraine được cho là sở hữu mạng lưới phòng không mặt đất mạnh nhất châu Âu, xét về mật độ và tầm bao phủ. Tuy nhiên, sau hơn hai năm chiến sự khốc liệt, mạng lưới này đã bị bào mòn đến mức gần như tê liệt.
Iskander-M đánh bại Patriot và S-300
Điểm đáng chú ý là tổ hợp Iskander-M không chỉ hủy diệt S-300 mà còn gây tổn thất nghiêm trọng cho cả các hệ thống phòng không Patriot – vốn do Mỹ viện trợ. Từ tháng 2/2024, liên tiếp các video xác nhận các tổ hợp Patriot bị phá hủy, từ xe phóng, xe chỉ huy cho đến radar chiến thuật AN/MPQ-65. Chỉ riêng trong tháng 8/2024, ba tổ hợp Patriot và một radar đã bị tên lửa Iskander-M xóa sổ gần khu vực Sergeevka và Odessa.
Điều khiến Iskander-M trở nên đặc biệt nguy hiểm là khả năng cơ động siêu vượt âm ở pha cuối quỹ đạo. Theo phát ngôn viên Không quân Ukraine Igor Ignat, Iskander có thể “thực hiện thao tác né tránh ở giai đoạn cuối, làm chệch tính toán của tên lửa đánh chặn Patriot” và “thả mồi nhử đánh lừa hệ thống phòng không”.
Với tốc độ lên tới Mach 6-7 và khả năng mang đầu đạn nặng tới 700kg, mỗi quả Iskander có thể tiêu diệt mục tiêu được bảo vệ kiên cố mà khó có loại vũ khí nào hiện nay sánh kịp.
Được đưa vào trang bị từ năm 2006, tổ hợp Iskander-M là vũ khí chủ lực của Lục quân Nga trong các đòn đánh chính xác tầm xa. Với tầm bắn 500km và độ sai lệch chỉ dưới 10 mét, hệ thống này từng được sử dụng để hạ gục các trung tâm chỉ huy, sân bay dã chiến, tổ hợp HIMARS và thậm chí là cả mục tiêu chiến lược như máy bay chiến đấu khi đang đậu. Tháng 5/2024, một vụ tập kích bằng Iskander-M được cho là đã phá hủy 4 tiêm kích MiG-29 và Su-27 của Ukraine tại sân bay gần Mykolaiv.

Tên lửa Iskander-M của Nga. Ảnh LRT
Ukraine đối diện “vùng trời mở”
Không chỉ S-300PS mà các biến thể nâng cấp như S-300V1 tại miền Đông Ukraine cũng đang nằm trong tầm ngắm của tên lửa Nga. Dù có hiệu suất radar và khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo cao hơn, các tổ hợp này đang dần bị hao mòn mà không thể phục hồi do cạn nguồn phụ tùng.
Vì phần lớn công nghệ, linh kiện sản xuất hệ S-300 đều tập trung tại Nga, Ukraine hiện không thể sản xuất hoặc sửa chữa toàn diện những tổ hợp này. Từ cuối năm 2022, lực lượng phòng không Ukraine đã cảnh báo về tình trạng khan hiếm đạn tên lửa và nguy cơ hệ thống ngừng hoạt động do thiếu vật tư thay thế.
Khi nguồn viện trợ từ các nước Đông Âu từng sở hữu S-300 như Slovakia hay Bulgaria cũng đã cạn kiệt, phương Tây buộc phải chuyển sang cung cấp hệ thống Patriot để trám chỗ trống. Tuy nhiên, mỗi tổ hợp Patriot có chi phí lên tới 1 tỷ USD và quá trình huấn luyện vận hành kéo dài nhiều tháng. Việc liên tiếp bị phá hủy bởi Iskander-M khiến hiệu quả đầu tư bị đặt dấu hỏi lớn.
Việc Moskva chọn đánh vào chính các tổ hợp phòng không tiên tiến nhất thay vì các mục tiêu hậu cần cho thấy chiến lược ưu tiên “làm mù radar” đang phát huy tác dụng.

Tên lửa Patriot. Ảnh CNN
Tính đến giữa năm 2025, các chuyên gia quân sự phương Tây nhận định hệ thống phòng không tầm xa của Ukraine đã giảm hơn 80% khả năng so với thời điểm đầu xung đột.
Với việc các tổ hợp S-300 bị phá hủy, hết đạn hoặc hỏng hóc không thể sửa, Ukraine gần như phải dựa vào các hệ thống vác vai như Stinger hoặc các tổ hợp tầm ngắn như IRIS-T, NASAMS để bảo vệ mục tiêu. Tuy nhiên, các hệ thống này không đủ để đánh chặn tên lửa đạn đạo hoặc UAV cảm tử bay ở độ cao lớn, khiến không phận Ukraine trở nên dễ tổn thương hơn bao giờ hết.
Bộ Quốc phòng Nga cũng sử dụng Iskander-M để tấn công trực diện các mục tiêu đặc biệt, như trung tâm điều hành của lính đánh thuê phương Tây hoặc cơ sở hậu cần chiến lược.
Nhiều cuộc tấn công đã diễn ra nhắm vào các đơn vị huấn luyện, nơi đóng quân của lực lượng nước ngoài, hoặc trạm chỉ huy liên kết với hệ thống vệ tinh và UAV của phương Tây. Việc Nga không ngừng cải tiến thuật toán dẫn đường và nâng cấp đầu đạn cho Iskander khiến việc đánh chặn gần như bất khả thi, ngay cả với Patriot.
Việc S-300PS bị xóa sổ ở Odessa không chỉ là thất bại mang tính chiến thuật mà còn là đòn giáng nặng vào năng lực kiểm soát vùng trời của Ukraine. Ukraine đang bị đẩy lùi về thế phòng thủ bị động, phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ phương Tây – vốn ngày càng chậm và giới hạn. Trong khi đó, Nga tiếp tục chứng minh sự vượt trội về tên lửa chiến thuật với Iskander-M như một công cụ giành ưu thế từ trên không.
Đọc bài gốc tại đây.