Trang chủ Sống khỏe Vị giáo sư được mệnh danh là “cây đại thụ” ngành ngoại khoa Việt Nam, nước ngoài cũng phải ghi danh

Vị giáo sư được mệnh danh là “cây đại thụ” ngành ngoại khoa Việt Nam, nước ngoài cũng phải ghi danh

bởi Admin
0 Lượt xem

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Bửu Triều – “cây đại thụ” của ngành ngoại khoa Việt Nam, đã từ trần hồi 22h52 ngày 16/7/2025 (tức 22 tháng 6 năm Ất Tỵ), tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, hưởng thọ 102 tuổi, báo Lao động đưa tin. Sự ra đi của ông là mất mát không thể bù đắp đối với gia đình, bạn bè, học trò và toàn thể cộng đồng y học trong nước và quốc tế.

Giáo sư Nguyễn Bửu Triều sinh ngày 3/2/1923 tại Huế, trong một gia đình hoàng tộc trí thức. Từ nhỏ, ông được cha – một lương y kiêm nhà giáo – định hướng theo ngành y với quan niệm: “Y là lý – là nghề cẩn trọng và bao dung”. Năm 1939, ông ra Hà Nội theo học Trường Đại học Y Dược, trở thành sinh viên nội trú tại Bệnh viện Bảo hộ (nay là Bệnh viện Việt Đức) từ năm 1942–1943.

Ngay từ thời sinh viên, ông đã được tham gia các ca phẫu thuật lớn cùng những bậc thầy y học như: Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Hồ Đắc Di. Khi kháng chiến toàn quốc diễn ra, ông trở thành giảng viên dạy cứu thương cho du kích, rồi hoạt động tại chiến khu từ năm 1947, trực tiếp điều trị thương bệnh binh và tham gia đào tạo thế hệ y bác sĩ kháng chiến.

- Ảnh 1.

Giáo sư Nguyễn Bửu Triều tham dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Bộ môn Ngoại – Trường Đại học Y Hà Nội năm 2022. Ảnh: MOH

Tên của giáo sư được ghi danh tại nước ngoài

Giai đoạn 1952–1956, ông là đội trưởng Đội điều trị III – tiền thân của Bệnh viện Quân y 103. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông trở về công tác tại Bệnh viện Việt Đức và Đại học Y Hà Nội.

Đến năm 1962, ông được cử sang làm trưởng đoàn chuyên gia y tế tại Guinea (châu Phi). Tại đây, ông từng thực hiện ca mổ khó hiếm gặp, cứu sống mẹ con một sản phụ da màu – một thành tựu y học được cộng đồng địa phương ghi nhớ mãi.

Để ghi nhớ công ơn người thầy thuốc tận tụy đã hết lòng cứu chữa người bệnh, trước khi giáo sư Nguyễn Bửu Triều hết hạn công tác và về nước, chính quyền địa phương đã dùng tên của ông để đặt tên cho một con đường nhỏ nối bệnh viện với thị trấn. Con đường đó là “Alles Bửu Triều”.

Tiên phong trong phẫu thuật nội soi tại Việt Nam

Sau khi về nước, giáo sư Triều tiếp tục cống hiến tại Bệnh viện Việt Đức, giữ chức Chủ nhiệm Khoa Ngoại Tiết niệu. Ông là người đầu tiên đưa kỹ thuật mổ nội soi u tuyến tiền liệt về Việt Nam. Phương pháp mổ hiện đại giúp giảm đau, không để lại sẹo, phục hồi nhanh.

Từ ba bác sĩ đầu tiên được ông đào tạo trực tiếp, kỹ thuật này đã được nhân rộng toàn quốc, giúp hàng chục nghìn bệnh nhân chữa khỏi bệnh. Các nghiên cứu của giáo sư Triều trong lĩnh vực phẫu thuật sỏi tiết niệu, dị tật bẩm sinh hệ sinh dục nam… là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của ngành tiết niệu – nam học hiện đại tại Việt Nam.

Ông còn giảng dạy tại Đại học Y Hà Nội, giữ chức Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại (từ năm 1980) và được phong hàm Giáo sư Y học vào năm 1984. Trên giảng đường, ông là người thầy tận tụy, khắt khe nhưng truyền cảm hứng bất tận. Với sinh viên và đồng nghiệp, ông luôn nhấn mạnh: “Y là nghề nhân văn, cần đọc, học hỏi nhiều, thường xuyên”.

Trong suốt hơn 70 năm cống hiến cho ngành y, ông không chỉ là bác sĩ giỏi mà còn là nhà giáo mẫu mực. Ông đảm nhận hơn 100 giờ giảng dạy mỗi năm, viết nhiều giáo trình, chuyên khảo, hướng dẫn nhiều luận án tiến sĩ và đào tạo hàng ngàn bác sĩ ngoại khoa. Ông từng là Phó Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam, Chủ tịch Hội Tiết niệu – Thận học Việt Nam qua nhiều nhiệm kỳ.

Với những đóng góp lớn lao, ông được Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Ba và danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (năm 2002).

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan