“Vũ khí mới” của ngành thủy sản
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa thông tin, sợi Kataifi – nguyên liệu đang được ưa chuộng trong chế biến tôm, cá xuất khẩu tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu đã chính thức được sản xuất và phân phối tại Việt Nam.
Kataifi, hay còn gọi là sợi Fillo, là nguyên liệu truyền thống trong ẩm thực Địa Trung Hải và Trung Đông. Sợi Kataifi là một loại bột mì được kéo thành những sợi mỏng và dài giống như sợi bún, nhưng kích thước chỉ khoảng 1/3 sợi bún thông thường.
Đặc biệt, nhờ kết cấu sợi mì mảnh, giòn xốp và không ngậm dầu Kataifi sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội như khả năng bám dính tốt, không hút dầu, dễ tạo hình và góp phần nâng cao tính thẩm mỹ cho món ăn. Khi chiên lên, Kataifi trở nên giòn tan, vàng ruộm đẹp mắt và giữ được độ ẩm của phần nhân bên trong.
Chính nhờ những lợi thế này, Kataifi giúp món ăn giữ được hình dáng đẹp mắt, đảm bảo thành phẩm ổn định hơn trong quá trình chế biến công nghiệp. Với kết cấu tơi nhẹ và dễ sử dụng, loại sợi này hỗ trợ hiệu quả trong tạo hình sản phẩm và ứng dụng đa dạng theo từng nhu cầu chế biến.
Sợi Kataifi ngày càng được các nhà máy chế biến thủy hải sản ưa chuộng. Điều này không chỉ tối ưu hóa quy trình sản xuất mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế. Kataifi trở thành lựa chọn lý tưởng trong phát triển sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.
Điều đáng nói là, lần đầu tiên tại Việt Nam có một doanh nghiệp sản xuất thành công Kataifi theo tiêu chuẩn quốc tế. Sản phẩm có nhiều sự lựa chọn về màu sắc, kích thước. Bên cạnh việc phân phối nội địa, sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Hong Kong…
“Việc chủ động sản xuất trong nước cho phép chúng tôi kiểm soát tốt hơn về giá, tiến độ giao hàng và hỗ trợ kỹ thuật tận nơi. Đây là lợi thế thực tế mà chúng tôi mong muốn chia sẻ cùng các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản Việt Nam” – đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.
Đặc biệt, bên cạnh sắc trắng truyền thống, doanh nghiệp này cũng phát triển thêm các phiên bản mang màu sắc tự nhiên như vàng, cam, xanh lá giúp tăng sức hút thị giác cho món ăn, mở ra nhiều cơ hội sáng tạo trong trình bày thực đơn.
Bên cạnh đó, dòng Kataifi vụn cũng được giới thiệu nhằm mang đến giải pháp linh hoạt hơn cho các nhà máy chế biến thủy hải sản, các doanh nghiệp phục vụ phân khúc nhà hàng – khách sạn.
Thủy sản – ngành kinh tế tỷ đô của Việt Nam
Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2024, ngành thuỷ sản Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD với các mặt hàng chính đều tăng ấn tượng như tôm tăng 14%, cá ngừ tăng 17%, cá tra tăng 10%…
Theo VASEP, trong 6 tháng đầu năm 2025, gữa bối cảnh thị trường nhiều biến động, xuất khẩu thủy sản đạt 5,2 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các sản phẩm chủ lực đều có mức tăng trưởng tốt, khả quan. Cụ thể, tôm đạt 2,07 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Cá tra đạt 1 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản là 3 thị trường tiêu thụ hàng thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm với thị phần lần lượt là 19,6%, 18,2% và 15%.
Năm 2025, ngành thủy sản Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng, với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 11 tỷ USD , tăng 10 – 15% so với năm trước.
Các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra và cá ngừ được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng góp lớn vào kim ngạch này, nhờ nhu cầu phục hồi sau đại dịch và xu hướng tiêu dùng thực phẩm lành mạnh trên toàn cầu.
Tuy nhiên, ngành cũng đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chính sách thương mại và biến đổi khí hậu.
Đọc bài gốc tại đây.