Trang chủ Kinh doanhBất động sản Doanh nhân Nguyễn Quốc Cường: Lương 20-30 triệu tiết kiệm thế nào cũng không mua nổi nhà 5-7 tỷ

Doanh nhân Nguyễn Quốc Cường: Lương 20-30 triệu tiết kiệm thế nào cũng không mua nổi nhà 5-7 tỷ

bởi Admin
0 Lượt xem

Với 517 booking sau một phiên livestream và hơn 151.000 lượt xem, doanh nhân Nguyễn Quốc Cường đã làm điều mà ít người chủ doanh nghiệp bất động sản nào dám thử: Mang một sản phẩm trị giá tiền tỷ lên TikTok- nền tảng vốn chỉ quen thuộc với đồ gia dụng và video nhảy.

Nhưng cú “chơi lớn” ấy không phải là một quyết định ngẫu hứng mà là một kế hoạch dài hơi – xuất phát từ trăn trở thật sự của chính anh và đội ngũ công ty: “Tại sao thế hệ trẻ ngày nay có thu nhập cao hơn, lại không thể mua nổi một căn nhà?”

Doanh nhân Nguyễn Quốc Cường: Lương 20-30 triệu tiết kiệm thế nào cũng không mua nổi nhà 5-7 tỷ- Ảnh 1.

Xin chào anh Cường, cảm giác của anh khi lần đầu tiên xuất hiện trong một phiên livestream như thế nào ạ?

Rất lạ lẫm và đi kèm một chút hồi hộp. Ngày hôm đó gọi là live thì không đúng, tôi chỉ xuất hiện một chút. Nhưng đó cũng là buổi live đầu tiên – được tổ chức chỉn chu để giới thiệu một dự án của C-Holdings. Tín hiệu chúng tôi nhận được sau buổi live đó rất tích cực, vậy nên tất cả nhân sự của công ty đều thấy rất vui với thành quả của buổi live hôm đấy.

Điều gì đã truyền cảm hứng cho anh và đội ngũ của mình thực hiện phiên live này?

Đó là điều tất yếu chúng tôi phải làm. Vậy nên mọi thứ đều được lên kế hoạch từ trước rất lâu chứ không phải một quyết định ngẫu hứng. Đối với bộ phận marketing thì việc này cũng giống như một cách để xây dựng hình ảnh thương hiệu của công ty. Chúng tôi luôn tìm mọi cách để tối ưu hóa và mở rộng các kênh để kết nối với khách hàng, cư dân dự án và cả những người quan tâm đến công ty. Để làm được điều đó, chúng tôi tận dụng tất cả các nền tảng chứ không chỉ livestream. Mọi thứ được triển khai theo từng bước và đến lúc này thì công ty cảm thấy mình đã đủ điều kiện để có thể tổ chức nhiều buổi live như vậy.

Phiên live đầu tiên đã thu hút hơn 151k lượt xem, chốt được 517 căn hộ với tổng giá trị là 800 tỷ đồng. Theo anh, yếu tố nào trong cách tiếp cận của mình và công ty đã tạo nên những thành công ấn tượng này?

Cho tôi được giải thích rõ hơn một chút: Đầu tiên, về lượng tương tác và người quan tâm – thật sự tôi rất bất ngờ vì không nghĩ rằng mọi người lại dành nhiều sự quan tâm cho phiên live này đến thế.

Thứ hai, về 517 căn hộ – tôi xin nói rõ đó là số booking chứ chưa phải là giao dịch. Có nghĩa là khách hàng sẽ chuyển một khoản tiền gọi là booking, và tiền đó sẽ được hoàn lại nếu họ không chọn được căn hộ hoặc đến xem và thấy sản phẩm không đúng với những tiêu chí mình đưa ra. Nếu khách hàng quyết định chọn căn hộ thì số tiền đó được chuyển vào tiền thanh toán của căn hộ đấy.

Với tôi, mục đích livestream ở đây không phải chỉ để bán hàng. Tiêu chí lớn nhất trong buổi livestream hôm đó là công ty có thể quảng bá và đưa hình ảnh sản phẩm của mình đến càng nhiều người xem càng tốt. Kết quả của buổi live khiến chúng tôi cực kỳ bất ngờ và thấy rằng công ty đã được nhiều hơn những gì mình kỳ vọng.

Doanh nhân Nguyễn Quốc Cường: Lương 20-30 triệu tiết kiệm thế nào cũng không mua nổi nhà 5-7 tỷ- Ảnh 2.

Có một sự đặt cược nào ở đây không khi anh quyết định giới thiệu dự án này trên TikTok?

Rất nhiều là đằng khác. Chúng tôi không thể đo lường được mức độ quan tâm của khách hàng với một sản phẩm bất động sản qua nền tảng như TikTok. Trong tư duy của khách hàng thì TikTok shop hay những nền tảng thương mại điện tử thường chỉ bán quần áo hay mặt hàng gia dụng chứ không có các sản phẩm giá trị cao như bất động sản. Tuy nhiên, qua buổi livestream vừa rồi – tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có thể thay đổi góc nhìn này. Điều quan trọng nhất là liệu sản phẩm đó có phù hợp với số đông hay không, và khi nó đã phù hợp với sự quan tâm của khách hàng thì việc xuất hiện trên bất cứ nền tảng nào cũng sẽ khiến họ lựa chọn.

Doanh nhân Nguyễn Quốc Cường: Lương 20-30 triệu tiết kiệm thế nào cũng không mua nổi nhà 5-7 tỷ- Ảnh 3.

Giống như anh vừa chia sẻ là có rất ít những sản phẩm có giá trị rất cao xuất hiện trên những nền tảng online như TikTok. Bản thân tôi thấy bất động sản còn là một mặt hàng phức tạp hơn khi rõ ràng khi người ta chọn mua một căn nhà – họ sẽ phải cân nhắc rất kĩ. Anh nghĩ mình đã làm gì để xây dựng được niềm tin và khuyến khích khách hàng chốt đơn ngay trên sóng?

Tôi nghĩ đó là cả một quá trình rất dài. Tại sao tôi nói việc livestream là tất yếu và sử dụng tất cả nền tảng là điều đương nhiên – nhưng chỉ khi chúng tôi cảm thấy mình đã đủ điều kiện thì mới tự tin bắt đầu?

Thứ nhất: Liệu thương hiệu đó có đủ uy tín hay không?

Thứ hai: Sản phẩm đấy có thật sự chất lượng như đúng những gì chủ dự án cam kết hay không?

Thứ ba: Về mặt pháp lý có đảm bảo không?

Thứ tư: Tất cả những chính sách bán hàng và khuyến mại đi kèm có thật không? Khi bạn lựa chọn quảng cáo truyền miệng thì rất có thể sẽ rơi vào trường hợp ngày hôm nay nói có những hôm sau lại nói là không. Nhưng khi dự án đã lên sóng livestream với lượng người tương tác cao như vậy, bản thân thông tin sẽ tồn tại mãi mãi – vậy nên từng câu, từng lời, từng cam kết đều phải đúng, trung thực và rõ ràng.

Để làm được điều đó đòi hỏi một quy trình truyền đạt thông tin cực kỳ khắt khe, không chỉ với nội bộ công ty mà còn cả với các KOL/ KOC đồng hành với các phiên livestream.

Tôi có một yêu cầu rất khắt khe đối với các KOL/KOC. Đó là các bạn sẽ chỉ chia sẻ trong phạm vi mà hai bên đã thỏa thuận về tất cả các sản phẩm và điều kiện chính sách. Đối với một sản phẩm nhà ở thì việc sai sót một vài phần trăm cũng đã rất lớn, từng câu từ đều cần sự tiết chế nhất định để đảm bảo tính chính xác. Chỉ một thông tin sai lệch thôi thì chủ đầu tư cũng phải chịu trách nhiệm rất nặng nề. Vậy nên ngoài việc phổ cập thông tin và truyền đạt thông tin cho các bạn KOL/KOC, thì trước những buổi livestream – tôi sẽ là người trực tiếp trao đổi và trò chuyện với người đại diện của các bạn.

Doanh nhân Nguyễn Quốc Cường: Lương 20-30 triệu tiết kiệm thế nào cũng không mua nổi nhà 5-7 tỷ- Ảnh 4.

Ngoài dự án tại thành phố Thuận An thì C-Holdings còn sở hữu những dự án lớn khác như The Maison và C-Skyview, anh có kế hoạch áp dụng hình thức livestream cho các dự án này không?

Chắc chắn, đương nhiên và sẽ còn rất nhiều phiên live khác. Livestream với C-Holdings không phải chỉ để bán hàng, nó còn là kênh kết nối với khách hàng và công ty, cũng là một kênh để các cư dân lẫn khách hàng tương lai hiểu rõ hơn về những sản phẩm mà công ty đã và đang triển khai.

Liệu có những sự đổi mới nào trong chiến lược marketing bất động sản của công ty mình trong thời gian sắp tới?

Sau buổi live vừa rồi, kế hoạch marketing của chúng tôi có thay đổi, thậm chí thay đổi rất nhiều.

Mọi thứ mà tôi và đội ngũ tại C-Holdings đang làm đều nhắm tới cộng đồng. Chúng tôi trăn trở với câu hỏi làm thế nào để cung cấp một sản phẩm nhà ở tối ưu nhất về giá, tiện ích, chất lượng, pháp lý và tất cả mọi nhu cầu đi cùng một ngôi nhà. Nói cách khác, chúng tôi mong muốn xây dựng một môi trường sống văn minh và lành mạnh cho khách hàng. Để xây dựng được một sản phẩm tốt như thế thì chi phí đóng gói sẽ rất cao, tỉ lệ thuận với mức giá bán ra và điều đó đi ngược lại mong muốn của chủ đầu tư. Vậy nên bản thân C-Holdings luôn có một phần chi phí marketing cho mỗi dự án, nhưng nếu sử dụng các phương thức marketing truyền thống thì chi phí sẽ bị đội lên rất lớn dù độ phủ không nhiều.

Sau buổi livestream vừa rồi, chúng tôi nhận ra hiệu quả và bắt đầu tính toán để cân đối lại, từ đó giảm được quỹ ngân sách cho marketing và sử dụng phần chi phí này cho các quyền lợi khác của cư dân và cộng đồng mình đang xây dựng.

Có một khoảnh khắc sau buổi livestream khiến rất nhiều khán giả ấn tượng, đó chính là lúc anh trao lì xì cho các nhân viên. Đây có phải một phần trong triết lý quản trị và xây dựng văn hóa doanh nghiệp để tạo động lực cho đội ngũ của anh không ạ?

Thật ra, khoảnh khắc đó được diễn ra sau buổi rehearsal cho chương trình. Đối với tôi thì đó là một hành động đơn giản thôi, tôi có nhờ nhân viên chuẩn bị một số phong bì đỏ để khích lệ tinh thần ekip tham gia cùng công ty, mang đến một tâm trạng tích cực để bắt đầu buổi livestream chính thức. Tôi thì không để ý lắm đến việc này và cũng không nghĩ sẽ có người quay lại để đưa nó lên.

Với triết lý về quản lý doanh nghiệp và văn hóa công ty, thì ở C-Holdings – tất cả đều chỉ xoay quanh một câu thế này: “Khách hàng là trên hết, khách hàng là trọng tâm”. Tất cả những gì chúng tôi làm đều đặt quyền lợi của khách hàng lên hàng đầu, và trong một công ty mà mọi nhân sự đều chia sẻ chung một tầm nhìn để phục vụ khách hàng thì việc tương trợ lẫn nhau để hoàn thành mục tiêu đó là điều đương nhiên. Công ty luôn trân trọng những nhân sự làm việc có năng suất và không xa rời triết lý cốt lõi trong việc phục vụ khách hàng.

Anh nghĩ việc một lãnh đạo cấp cao như mình cũng xuất hiện trong phiên live có tạo ra những tác động tâm lý nhất định tới các nhân viên không? Khiến họ áp lực hơn hoặc ngược lại, khiến họ thấy được truyền cảm hứng để làm việc hào hứng hơn?

Tôi thì nghĩ đơn giản thế này: Trong bất cứ một môi trường làm việc nào, khi làm việc gì mới và hoàn toàn khác với những cách làm truyền thống – người chủ doanh nghiệp, người lãnh đạo cần phải là người tiên phong để truyền cảm hứng cho đội ngũ của mình. Tôi không cảm thấy xấu hổ hay ngại ngùng khi thử nghiệm những bước đi mới cùng các nhân viên, bởi đơn giản là chúng tôi đang làm mọi thứ với tâm thế là thông qua những sản phẩm của mình – sẽ đóng góp cho xã hội và cộng đồng. Lao động chính đáng thì nên được tuyên dương thay vì lo sẽ bị nhìn khác đi.

Doanh nhân Nguyễn Quốc Cường: Lương 20-30 triệu tiết kiệm thế nào cũng không mua nổi nhà 5-7 tỷ- Ảnh 5.
Doanh nhân Nguyễn Quốc Cường: Lương 20-30 triệu tiết kiệm thế nào cũng không mua nổi nhà 5-7 tỷ- Ảnh 6.

Ngành bất động sản đang đối mặt với rất nhiều những thách thức, ví dụ như những biến động khó lường của thị trường và cả sự cạnh tranh cực kỳ khốc liệt của các dự án mới. Anh đánh giá thế nào về tiềm năng của việc kết hợp giữa thương mại điện tử và bất động sản? Làm thế nào để doanh nghiệp của anh có thể duy trì được lợi thế cạnh tranh trên thị trường?

Tôi nghĩ sự kết hợp giữa sự phát triển về công nghệ đối với mô hình kinh doanh bất động sản sẽ mang đến những thay đổi rất lớn trong thời gian tới. Nhiệm vụ của các nhà phát triển bất động sản lẫn các chủ đầu tư là phải theo dõi sát sao để bắt kịp những thay đổi đó, đưa ra những chính sách phản ứng phù hợp để tạo nên những kết quả tối ưu nhất cho từng doanh nghiệp. Mỗi sản phẩm đều khác nhau và mỗi sản phẩm sẽ có cách tiếp cận lẫn những phương án tiếp cận các nền tảng mạng xã hội khác nhau.

Khi mà công ty đang hướng đến đối tượng khách hàng trẻ thì bản thân anh nghĩ thế hệ ngày nay có tư duy về đầu tư và sở hữu tài sản khác với thế hệ trước như thế nào?

Rất nhiều. Thế hệ của tôi là những người sinh ra vào cuối 7x, đầu 8x. Chúng tôi chứng kiến rõ nhất sự đổi thay của cuộc sống trước và sau Internet xuất hiện. Khi tôi mới học lớp 11, 12 thì mọi người còn viết thư tay và gọi điện thoại cho nhau. Nhưng sau những năm 2000, Yahoo Messenger xuất hiện và thay đổi rất nhiều thói quen về mặt kết nối. Các bạn trẻ bây giờ ngoài hạ tầng Internet thì còn có thêm mạng xã hội và A.I, vậy nên cách các bạn học tập và nắm bắt thông tin, tư duy về cuộc sống cũng khác với thế hệ tôi rất nhiều

Về chuyện sở hữu tài sản thì tôi có thể đưa ra một ví dụ như thế này: Chúng ta vẫn thường đặt câu hỏi vì sao thế hệ cha mẹ của mình dù có cuộc sống khó khăn hơn bây giờ, lương thì thấp nhưng vẫn có thể vừa nuôi ta khôn lớn, cho chúng ta học hành đầy đủ, vừa tiết kiệm và vừa… mua được nhà? Kỳ tích đó đến từ những thói quen và hành vi tiết kiệm đã trở thành bản năng. Vậy tại sao trong xã hội bây giờ, việc sở hữu một ngôi nhà lại trở nên quá xa vời với đồng lương của các bạn trẻ đến vậy? Đó là khoảng cách mà tôi muốn rút ngắn. Bởi với một người lương 20-30 triệu một tháng, để mua được một ngôi nhà với giá 5-7 tỉ là điều không tưởng. Các bạn trẻ có tiết kiệm thế nào cũng không thể mua nổi một căn nhà thì số tiền tiết kiệm đó để làm gì ngoài việc đi thuê nhà và tiêu xài.

Tôi nghĩ đó là tâm lý chung của các bạn trẻ bây giờ. Không phải các bạn không muốn tiết kiệm hay đầu tư mà đơn giản là không ai tạo ra được một sản phẩm phù hợp với nguồn thu nhập đó. C-Holdings đang cố gắng để thay đổi được tư duy của các bạn, rằng với số tiền này – thay vì đi đổi cái Iphone hay một chiếc xe mới thì các bạn có thể nghĩ về một căn nhà trong tương lai gần.

Doanh nhân Nguyễn Quốc Cường: Lương 20-30 triệu tiết kiệm thế nào cũng không mua nổi nhà 5-7 tỷ- Ảnh 7.

Vậy theo anh, với một người trẻ 25 tuổi muốn mua căn nhà đầu tiên bằng chính thu nhập của mình – họ nên bắt đầu từ đâu?

Bắt đầu từ những sản phẩm của… C-Holdings. Tôi đã đưa ra được những phương án để một người lương 20 triệu/ tháng, sau khi trừ đi các chi phí sinh hoạt cho bản thân thì số tiền còn lại đủ để tích góp một ngôi nhà trong tương lai. Đối với tôi, ngôi nhà đầu tiên giống như một cột mốc, một phần thưởng cá nhân sau một thời gian dài nỗ lực. Khi người trẻ có thể sở hữu một tài sản như vậy thì tư duy của họ cũng sẽ khác đi. Ngoài việc sở hữu một ngôi nhà để ở thì họ có thể khai thác kinh doanh bằng cách cho thuê hoặc đầu tư. Điều đó tập cho các bạn trẻ tư duy kinh doanh hơn là dành thời gian đi cafe, nhậu nhẹt và shopping.

Doanh nhân Nguyễn Quốc Cường: Lương 20-30 triệu tiết kiệm thế nào cũng không mua nổi nhà 5-7 tỷ- Ảnh 8.

Nhưng khi có quá nhiều cơ hội để các bạn trẻ đầu tư, tích lũy và có những nguồn thu nhập mới thì làm thế nào để họ phân biệt được những cơ hội vàng lẫn trong các bong bóng ảo?

Việc này lại phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và tư duy của mỗi người. Bên cạnh đó, sự cẩn trọng của mỗi người trong việc lựa chọn những dự án minh bạch và uy tín cũng rất cần thiết. Như tôi vừa chia sẻ, C-Holdings có thể tổ chức livestream từ những dự án đầu tiên, nhưng phải đến dự án thứ 3 – chúng tôi mới tự tin rằng sản phẩm của mình thật sự tốt. Nhiều chủ đầu tư khác chưa làm gì nhưng vẫn có thể nói hay, và nếu ai cũng nói hay, thì quyết định xuống tiền lại là quyết định của người xem. Làm sao họ phân biệt được đâu là nói hay và nói thật. Cái khó ở đây là khả năng sàng lọc thông tin để tiếp thu.

Bất động sản với nhiều người vẫn là kênh tích lũy bền vững nhất, liệu quan điểm này có sự thay đổi trong thời kỳ crypto và chứng khoán lên ngôi?

Nói một câu công bằng thì tôi cũng đã từng đi rất nhiều nơi trên thế giới, có rất nhiều bạn bè ở khắp mọi nơi, tôi nhận ra một điều: Với văn hóa người châu Á thì căn nhà là xuất phát điểm của tất cả mọi thứ. Ông bà ta có câu “An cư lạc nghiệp” – nếu chưa an cư thì lập nghiệp sẽ khó khăn nhiều phần. Văn hóa đấy đã ăn sâu vào tâm trí mỗi người và dù cuộc sống có thay đổi thế nào với sự phát triển của công nghệ, cái mong muốn sở hữu cho mình một ngôi nhà, một nơi đi về, một chốn riêng tư của bản thân – luôn luôn tồn tại.

Nhưng một ngôi nhà có thể không chỉ để ở. Giá trị khai thác của ngôi nhà nằm ở nhiều cách. Bạn có thể mua ngôi nhà đầu tiên ở Bình Dương (cũ), nhưng lại sống và làm việc ở Đà Nẵng. Đó là cách bạn lựa chọn sản phẩm phù hợp để sinh lời, từ nguồn thu đó bạn có thể chi trả cho cuộc sống của mình ở một nơi khác – chứ không nhất thiết là mình phải ở căn nhà mà mình mua.

Chính phủ chúng ta vừa triển khai việc sáp nhập tỉnh, sau khi sáp nhập thì bộ máy hành chính cũng thay đổi và chúng ta có thể thấy tầm nhìn của các lãnh đạo trong việc giảm tải cho các đô thị đông đúc. Nhìn sang các nước lân cận như Thái Lan hay Singapore thì việc giảm tải này đã bắt đầu được một thời gian. Vậy nên với các đô thị lớn và các vùng đệm xung quanh như Tp.HCM và Bình Dương (cũ) – đây sẽ là điều tất yếu.

Doanh nhân Nguyễn Quốc Cường: Lương 20-30 triệu tiết kiệm thế nào cũng không mua nổi nhà 5-7 tỷ- Ảnh 9.
Doanh nhân Nguyễn Quốc Cường: Lương 20-30 triệu tiết kiệm thế nào cũng không mua nổi nhà 5-7 tỷ- Ảnh 10.

Trong suốt hành trình xây dựng doanh nghiệp của mình, hẳn đã có không ít lần anh cùng đội ngũ thử thách bản thân bằng những sự thay đổi – giống như cách C-Holdings lên sàn livestream hôm vừa rồi. Có từng có một thời điểm nào trước đó mà anh nhận ra sự thay đổi không chỉ cần đến từ cách làm, mà còn là cách nghĩ?

Có rất nhiều. Tôi nghĩ mình không đủ trình độ để đưa ra lời khuyên cho ai mà chỉ dám chia sẻ từ những trải nghiệm của bản thân. Theo quan điểm của tôi, sự thay đổi là thiết yếu, và điều đầu tiên mà bất cứ bạn trẻ nào làm sếp cần hiểu đó là biết rằng không phải lúc nào mình cũng đúng. Khi biết mình có thể sai cũng là lúc bạn cởi mở để thay đổi, sửa chữa và cập nhật. Bất cứ ai ở vai trò lãnh đạo đều cần học cách hạ cái tôi của bản thân và bỏ đi sự cố chấp. Biết rằng xuất phát điểm của mình là mong muốn làm những thứ tốt đẹp nhất cho công ty, nhưng có thể nó tốt ở thời điểm này nhưng lại sai ở thời điểm khác – và biết đâu, ta không thể nhìn thấy những khía cạnh đó nếu chỉ tin là mình đúng.

Vậy nên, một người lãnh đạo cũng cần có sự sâu sát với nhân viên và hiểu thấu tất cả mọi quy trình từ trên xuống dưới. Nhờ đó ta sẽ thấy rõ những khó khăn, cản trở và thuận lợi để khi thời điểm phù hợp đến – ta có sự thay đổi kịp thời. Tôi nghĩ, sự thay đổi nên diễn ra hàng ngày chứ không phải là một thời điểm ngẫu nhiên.

Doanh nhân Nguyễn Quốc Cường: Lương 20-30 triệu tiết kiệm thế nào cũng không mua nổi nhà 5-7 tỷ- Ảnh 11.

Với riêng anh, hành trình gỡ bỏ cái tôi và sự cố chấp ấy có nhiều thử thách không?

Rất nhiều là đằng khác. Có những kế hoạch tôi dành rất nhiều thời gian để lên chi tiết, nhưng chỉ mất chừng 3-5 ngày để thay đổi nguyên cả kế hoạch đó. Giống như buổi livestream vừa rồi, kế hoạch marketing đã lên từ 6-8 tháng trước và thậm chí đã chạy những bước đầu tiên, thế nhưng khi buổi livestream diễn ra thì những bước tiếp theo phải làm lại hết. Chúng tôi thử nghiệm và nhận được những kết quả tích cực thì ngay lập tức những kế hoạch theo sau cần phải đáp ứng được sự thay đổi này.

Bản thân anh có cảm thấy khó khăn khi làm việc với nguồn năng lượng và tư duy mới mẻ của những người trẻ trong công ty, lẫn cả những người trẻ là khách hàng tương lai không?

Có thì không đúng, mà không có thì cũng… không đúng. Vấn đề cuối cùng của những người thuộc thế hệ trước khi làm việc cùng các bạn trẻ bao giờ cũng là: Liệu ta đã đủ cởi mở để đón nhận hay chưa? Giống như ngôn ngữ của các bạn Gen Z, nghe lúc đầu thì chẳng hiểu gì hết, nhưng nếu chịu khó nghe và chịu khó để các bạn giải thích thì tôi cũng thấy… hay. Lâu lâu lại bị ảnh hưởng nên tôi cũng nói những từ như thế.

Từ tư duy và suy nghĩ lại dẫn đến hành động. Đôi lúc tôi cũng không hiểu vì sao các bạn trẻ lại hành động như vậy, nhưng khi không hiểu tôi lại phải đi tìm hiểu câu trả lời. Khi đã biết các bạn nghĩ gì, tư duy ra sao để hành động thì tôi cũng hoàn toàn chấp nhận. Mọi thứ trên đời này đều có mặt tích cực.

Doanh nhân Nguyễn Quốc Cường: Lương 20-30 triệu tiết kiệm thế nào cũng không mua nổi nhà 5-7 tỷ- Ảnh 12.

Câu hỏi cuối cùng ạ: Anh đã từng gặp một thử thách nào đó khiến anh phải thay đổi toàn bộ góc nhìn về cách mình quản trị doanh nghiệp không?

Tôi nghĩ là đối với những công ty với quy mô gia đình, thì người chủ gia đình là thế hệ cha, mẹ đã xây dựng nên cả một tập đoàn với những ngành nghề và lĩnh vực khác nhau. Thế hệ tiếp theo là thế hệ được chuyển giao, và giai đoạn chuyển giao sẽ luôn có những vấn đề xảy ra. Tôi học được rằng hãy tập coi nhau là đối tác trước khi là gia đình. Khi là đối tác, chúng ta có quyền làm hoặc không, có quyền đề xuất những phương án tốt nhất. Quan hệ đối tác giúp tạo ra lợi ích chung và hướng đến mục tiêu là hoàn thành công việc, nhờ đó sẽ khiến tất cả mọi thành viên làm việc một cách công tâm, nhẹ nhàng, thoải mái, rõ ràng và minh bạch.

Doanh nhân Nguyễn Quốc Cường: Lương 20-30 triệu tiết kiệm thế nào cũng không mua nổi nhà 5-7 tỷ- Ảnh 13.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan