Một ngày sau cuộc điện đàm “tồi tệ” với Tổng thống Nga
Những trao đổi diễn ra trong cuộc gọi ngày 4/7 giữa nhà lãnh đạo Mỹ và Ukraine đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ với lập trường của Tổng thống Trump đối với cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Cuộc trao đổi với Tổng thống Ukraine Zelensky hôm 4/7 được thúc đẩy bởi cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Tổng thống Nga Putin một ngày trước đó, mà Tổng thống Trump mô tả là “tồi tệ”. Tổng thống Mỹ cho biết ông “rất không hài lòng” với Nga và tổng thống nước này về việc không đạt được tiến triển trong việc đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh.
Hai nguồn tin cho biết tổng thống Mỹ đã hỏi người đồng cấp Ukraine liệu ông có thể tấn công các mục tiêu quân sự sâu bên trong nước Nga hay không nếu ông cung cấp vũ khí có năng lực làm như vậy.
“Volodymyr, ông có thể tấn công Moscow không? Ông cũng có thể tấn công St. Petersburg không?”, 2 nguồn tin này trích lời ông Trump nói,.
Ông Zelenskyy trả lời: “Chắc chắn rồi. Chúng tôi có thể nếu ông cung cấp vũ khí cho chúng tôi”.
Theo hai người được thông báo về cuộc gọi, ông Trump đã thể hiện sự ủng hộ của mình đối với ý tưởng này, mô tả chiến lược này là nhằm buộc Điện Kremlin phải ngồi vào bàn đàm phán.
Nhà Trắng và Văn phòng Tổng thống Ukraine đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Ukraine sẽ có vũ khí gì từ Mỹ?
Theo 3 nguồn thạo tin, cuộc thảo luận giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Ukraine đã dẫn đến một danh sách các vũ khí tiềm năng cho Kiev.
Trong cuộc họp với các quan chức quốc phòng Mỹ và các trung gian từ các chính phủ NATO, ông Zelensky đã nhận được một danh sách các hệ thống tấn công tầm xa có khả năng được cung cấp cho Ukraine thông qua chuyển giao của bên thứ ba.
Thỏa thuận này sẽ cho phép ông Trump lách lệnh đóng băng hiện tại của Quốc hội đối với viện trợ quân sự trực tiếp của Washington bằng cách cho phép bán vũ khí cho các đồng minh châu Âu, sau đó các đồng minh này sẽ chuyển giao các hệ thống này cho Kiev.

Ukraine từng sử dụng tên lửa Atacms để tấn công mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga
Phía Ukraine đã yêu cầu tên lửa Tomahawk, tên lửa hành trình tấn công chính xác có tầm bắn khoảng 1.600km. Tuy nhiên, chính quyền Trump – giống như chính quyền Biden – đã lo ngại về sự thiếu kiềm chế của Kiev, một nguồn tin cho hay.
Trong cuộc họp tại Phòng Bầu dục với Tổng thư ký NATO Mark Rutte hôm qua, ông Trump đã công bố kế hoạch cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không Patriot và tên lửa đánh chặn nhưng không tiết lộ thêm lô hàng nào của các hệ thống vũ khí khác.
Hai trong số những người được thông báo về cuộc gọi giữa ông Trump và ông Zelensky và am hiểu về các cuộc thảo luận chiến lược quân sự giữa Mỹ và Ukraine cho biết một loại vũ khí được thảo luận là Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân, hay Atacms.
Ukraine đã sử dụng tên lửa Atacms do Mỹ cung cấp với tầm bắn lên tới 300km (186 dặm) để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ do Nga chiếm đóng và sâu hơn bên trong nước Nga. Atacms có thể được phóng từ hệ thống tên lửa HIMARS mà chính quyền Biden đã chuyển giao cho Ukraine. Nhưng chúng không bay đủ xa để đến được Moscow hoặc St. Petersburg.
Theo Financial Times
Đọc bài gốc tại đây.