Tôi tình cờ biết đến “Sex Education” trong một lần tìm hiểu danh sách những bộ phim ăn khách nhất của Netflix. Lúc đầu, tôi xem phim chỉ để giết thời gian rảnh rỗi. Thế nhưng càng xem phim “Sex Education”, tôi lại càng học được nhiều bài học đắt giá không chỉ về tình yêu, tình bạn mà còn cả về các mối quan hệ trong gia đình, đặc biệt là cách dạy con. Ngày hôm nay, khi xem phim, tôi bất chợt nhớ tới một người bạn cũ và cú sốc lớn trong cuộc đời cô ấy.
Xem phim “Sex Education” và nhớ tới người bạn cũ
Tình tiết khiến tôi nhớ tới bạn cũ của mình đó là tình tiết nhân vật Aimee Gibbs bị quấy rối tình dục trên xe bus và cách mà cô ấy phản ứng sau sự cố này.

Nhân vật Aimee Gibbs trong phim “Sex Education” (Ảnh: Netflix).
Aimee là một cô gái luôn vui vẻ, có phần ngây thơ. Cô luôn mang năng lượng tích cực cho bộ phim “Sex Education”. Tuy nhiên, trong một lần đi xe bus, cô bị một người đàn ông lạ mặt đứng sau lưng và dí bộ phận nhạy cảm của hắn vào người cô. Trong khoảnh khắc ấy, Aimee đã cứng đờ người lại. Cô không la hét, không phản kháng mà chỉ im lặng rồi vẫn cố tươi cười như chưa có gì xảy ra. Nhưng sau đó, Aimee dần sợ xe bus, sợ đứng gần con trai, sợ bị chạm vào. Cô không hề nghĩ mình là nạn nhân mà chỉ nghĩ mình đang “phản ứng thái quá”. Mãi sau này, khi được các bạn mình chia sẻ họ cũng đã từng bị quấy rối, Aimee lần đầu tiên mới buông những phòng bị và khóc cho chính mình.
Giống Aimee, H. – một người bạn cũ thời cấp 3 của tôi – cũng đã từng bị quấy rối, thậm chí suýt bị xâm hại. Cô ấy thừa nhận đó là cú sốc lớn trong cuộc đời cô ấy.
H. là một cô gái cực kỳ dịu dàng, luôn nói những lời nhỏ nhẹ, dễ nghe. Cô sống hơi khép kín. Một lần tới nhà H. chơi, tôi đã gặp mẹ của cô ấy. Ngày hôm đó, mẹ H. đã trò chuyện rất nhiều với tôi. Bác khoe H. là một đứa con ngoan, rất nghe lời. Điều tôi nhớ mãi cho tới bây giờ là một câu nói của mẹ H.: “Bác luôn dạy con gái phải dịu dàng, lịch sự, không to tiếng với ai và cũng đừng gây rắc rối cho ai”. Bác còn nói: “Phụ nữ biết cam chịu, nhún nhường thì sau này sẽ hạnh phúc”.
Lúc ấy, là một học sinh cấp 3, tôi đã trầm trồ khi nghe câu nói đó. Thế nhưng giờ đây, khi xem phim “Sex Education”, tôi bỗng nhận ra bạn tôi đã phải chịu thiệt chỉ vì cách dạy con của mẹ mình.

Aimee (trái) và người bạn thân Maeve (phải) (Ảnh: Netflix).
Cú sốc đó đến với H. trong một buổi tối H. về nhà sau buổi học thêm. Đoạn đường về nhà H. rất tối. H. đi cùng với một người bạn khác tên T.. Tuy nhiên, khi về gần tới nhà, cả hai gặp một người đàn ông lạ mặt. Ông ta đã buông những lời khiếm nhã, rồi sau đó lao tới, túm lấy H. và định giở trò xấu. Lúc đó, T. đã ra sức ngăn cản và kêu cứu. May mắn thay, có một người khác đi qua và phát hiện sự việc. Người đàn ông kia vội vàng bỏ chạy.
Sau khi về nhà, T. đã kể hết toàn bộ sự việc với gia đình. Còn H. im lặng, không kể bất cứ điều gì. Cho tới tận ngày hôm sau, khi mẹ của T. đến nhà H. để hỏi thăm, lúc đó H. mới òa khóc kể với bố mẹ. H. sau đó đã bị khủng hoảng tâm lý một thời gian khá dài.
Hãy thay đổi cách dạy con
Giờ đây, khi xem phim “Sex Education” tôi mới nhận ra, dạy con cam chịu vô tình đã khiến con không biết cách tự bảo vệ mình. Thay vì dạy con cúi đầu để được khen là ngoan, hãy dạy con ngẩng đầu để biết mình có giá trị. Thay vì bảo con “bỏ qua đi”, hãy dạy con lên tiếng khi cảm thấy bất công. Bởi chính những bài học nhỏ trong gia đình sẽ trở thành hệ miễn dịch tinh thần, giúp con tự đứng lên trước những tình huống nguy hiểm ngoài đời.
Xem phim “Sex Education” khiến tôi giật mình tự hỏi: phải chăng im lặng cũng là một dạng đồng lõa? Có lẽ đã đến lúc chúng ta, những người làm cha mẹ, cần học cách dạy một đứa trẻ biết yêu bản thân và không bao giờ thấy có lỗi khi lên tiếng bảo vệ chính mình.
Đọc bài gốc tại đây.