Tờ Khmer Times (Campuchia) đưa tin, quyết định được đưa ra vào ngày 11/7 tại Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới tại Paris, đánh dấu một cột mốc trong việc bảo tồn ký ức về những tội ác mà chế độ Khmer Đỏ đã gây ra từ năm 1975 đến năm 1979 tại đất nước Campuchia.
Sự công nhận đối với Nhà tù M-13, Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng và Trung tâm diệt chủng Choeung Ek nhấn mạnh tầm quan trọng sâu sắc của việc bảo tồn những địa điểm này như bằng chứng về một trong những cuộc diệt chủng tồi tệ nhất thế kỷ 20 và như công cụ giáo dục để thúc đẩy hòa bình và công lý.
Theo UNESCO, quyết định công nhận này phản ánh những nỗ lực bền bỉ của người dân Campuchia “nhằm vượt qua đau khổ trong quá khứ và đảm bảo thế giới ghi nhớ những nguy cơ của bạo lực toàn trị”.

Các quan chức chính phủ Campuchia vui mừng khi Nhà tù M-13, Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng và Trung tâm diệt chủng Choeung Ek được đưa vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. Ảnh: PMO
“Từ trung tâm đàn áp đến nơi bình yên và suy ngẫm”
Thủ tướng Campuchia Hun Manet hôm 11/7 đã ca ngợi việc ghi danh “Các di tích tưởng niệm Campuchia: Từ trung tâm đàn áp đến nơi bình yên và suy ngẫm” vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO là một món quà ý nghĩa mà Campuchia dành tặng thế giới – một biểu tượng mạnh mẽ cho sự tưởng nhớ, hòa giải dân tộc, công lý, giáo dục, xây dựng và bảo vệ hòa bình.
Thủ tướng Hun Manet phát biểu: “Những địa điểm này là ví dụ cho nhân loại về cách một quốc gia có thể vượt qua thảm kịch, không phải bằng cách quên lãng mà bằng cách ghi nhớ và biến những ký ức đó thành động lực cho hòa bình.”
Ông nói thêm rằng sự công nhận này không chỉ tôn vinh các địa điểm thực tế mà còn thừa nhận lịch sử đau thương của Campuchia, đánh dấu bằng sự mất mát của hàng triệu sinh mạng vô tội dưới chế độ Khmer Đỏ.
Thủ tướng Campuchia mô tả những địa điểm này là lời nhắc nhở nghiêm túc về hậu quả của lòng thù hận, bạo lực và sự xói mòn nhân phẩm con người.
Ông Hun Manet cho biết những di tích này, mặc dù bắt nguồn từ quá khứ bi thảm, giờ đây đóng vai trò là nơi để suy ngẫm, học hỏi và chữa lành. Chúng mang đến cho các thế hệ tương lai cơ hội hiểu được tầm quan trọng của hòa bình và những hiểm họa của sự bất khoan dung và bạo lực.
Theo Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia, đây là lần đầu tiên nước này đề cử một di tích khảo cổ hiện đại, không theo lối cổ điển và là một trong những di tích đầu tiên trên thế giới nêu bật các đài tưởng niệm về các cuộc xung đột gần đây.
Ba địa điểm này tạo thành một chuỗi thời gian trong bộ máy khủng bố do chế độ Khmer Đỏ xây dựng. Nhà tù M-13 nằm ở biên giới hai tỉnh Kampong Speu và Kampong Chhnang của Campuchia, là một trong những trại giam bí mật đầu tiên, nơi các kỹ thuật tra tấn và thẩm vấn được thử nghiệm lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của giám đốc trại giam Kaing Guek Eav (thường được gọi là Duch).
Những phương pháp này sau đó được hệ thống hóa tại Tuol Sleng – một trường trung học đã trở thành trung tâm tra tấn ở Phnom Penh.
Trong số 15.000–18.000 người bị giam giữ tại S-21, chỉ một số ít sống sót. Hầu hết bọn họ bị đưa đến Choeung Ek – một địa điểm hành quyết hàng loạt ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh, nơi họ bị kết liễu một cách tàn bạo.

Một du khách chụp ảnh hộp sọ của các nạn nhân chế độ Khmer Đỏ tại Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng ở Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP
Theo Khmer Times, trong vài năm qua, Campuchia đã phối hợp với UNESCO, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc và Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia, triển khai các nỗ lực bảo tồn và số hóa lớn theo Dự án PEACE (2024–2028).
Tại Tuol Sleng, hơn 700.000 tài liệu, lời thú tội và ảnh đã được lưu trữ và số hóa, tạo thành bộ sưu tập tài liệu lớn nhất về chế độ Khmer Đỏ.
Khu di tích Choeung Ek cũng đã được cải tạo, bao gồm không gian triển lãm được mở rộng, màn hình kỹ thuật số và phương tiện kể chuyện đa phương tiện, giúp du khách hiểu rõ hơn về các sự kiện. M-13, vốn từng xa xôi và hầu như không được biết đến, giờ đây sẽ được quan tâm và bảo tồn nhiều hơn nhờ danh hiệu Di sản Thế giới mới này.
Quyết định công nhận này cũng đánh dấu sự mở rộng danh mục Di sản thế giới của Campuchia, trước đây chủ yếu bao gồm các địa danh văn hóa cổ đại như Angkor Wat, Đền Preah Vihear, Koh Ker và Sambor Prei Kuk.
Youk Chhang – Giám đốc Trung tâm Tư liệu Campuchia, một người sống sót sau chế độ Khmer Đỏ – mô tả việc UNESCO ghi danh là một bước đi ý nghĩa trong việc tôn vinh các nạn nhân và đối mặt với di sản đau thương của quá khứ. Ông coi sự công nhận này không chỉ là một thành tựu quốc gia mà còn là một đóng góp cho giáo dục toàn cầu về nạn diệt chủng.
“Mặc dù chúng là bối cảnh bạo lực ở Campuchia, nhưng chúng góp phần vào việc giáo dục về nạn diệt chủng trên toàn thế giới, đây sẽ là nền tảng cho công tác phòng chống tội ác hàng loạt vì một tương lai không có nạn diệt chủng của Campuchia”, Youk nói.
Theo Khmer Times
Đọc bài gốc tại đây.