Trang chủ Sống khỏeGiới tính Xem phim “Sex Education”, tôi nhớ đến mẹ và hành động vô cùng dũng cảm của bà: Điều phi thường đã xảy ra

Xem phim “Sex Education”, tôi nhớ đến mẹ và hành động vô cùng dũng cảm của bà: Điều phi thường đã xảy ra

bởi Admin
0 Lượt xem

Đồng cảm khi xem phim “Sex Education”

Nếu bạn chưa từng xem phim “Sex Education”, khi nghe đến tên phim, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ rằng đây chỉ đơn thuần là một bộ phim tình cảm tuổi teen. Thế nhưng, sau khi xem phim, có thể bạn sẽ thay đổi ý kiến.

Với tôi, trải nghiệm xem phim “Sex Education” làm tôi nhớ đến gia đình của mình. Phim đề cập đến những tình huống dở khóc dở cười của các cô cậu thiếu niên – những vấn đề mà chính tôi cũng gặp phải cách đây 15 năm. Giống tôi, nhiều thiếu niên trong phim cũng có mối quan hệ phức tạp đôi với cha mẹ. Và đó chính là lý do tôi đồng cảm với họ đến vậy.

Một trong những cặp phụ huynh-con cái làm tôi ấn tượng nhất khi xem phim “Sex Education” là mẹ con nhà Milburn: Jean và Otis.

- Ảnh 1.

Hai mẹ con Jean và Otis trong phim “Sex Education”.

Trong phim, Jean là một chuyên gia trị liệu tình dục, một người mẹ tràn đầy yêu thương nhưng lại bảo vệ quá mức Otis.

Bà liên tục kiểm tra đồ đạc của Otis, hỏi những câu hỏi quá riêng tư về con và bạn bè, theo dõi con và sử dụng con làm đối tượng cho cuốn sách của mình mà không được con cho phép.

Khi nhận ra mình đã đánh mất lòng tin của con trai, Jean đã đến gặp con và xin lỗi, thừa nhận rằng mình đã sai và sẽ tôn trọng quyền riêng tư cũng như ranh giới cá nhân của Otis hơn trong tương lai.

Otis rất cảm kích hành động này của mẹ, khiến cậu bé tin tưởng mẹ trở lại và bớt xa cách mẹ hơn.

- Ảnh 2.

Mối quan hệ giữa hai mẹ con Jean và Otis ngày càng tốt lên qua các tập phim.

Một khía cạnh quan trọng khác của việc này là mẹ của Otis nhận ra rằng bà mới là người sai trong tình huống này. Mặc dù Otis có thể đã phản ứng không theo cách tốt nhất, Jean nhận ra rằng đây là sự trả đũa cho hành vi của chính mình, và bà đã tìm cách cải thiện nó.

Jean khẳng định rằng đôi khi, người trưởng thành vẫn có thể mắc sai lầm. Bà không ép con trai phải xin lỗi vì phản ứng của con trước hành vi sai trái của bà – điều rất quan trọng cho một mối quan hệ lành mạnh.

Trên các phương tiện truyền thông, nhiều cha mẹ biện minh cho việc vượt quá giới hạn và xâm phạm quyền riêng tư của con cái là để “bảo vệ” và “hiểu” chúng. Tuy nhiên, như những gì Jean đã nêu bật trong “Sex Education”, điều này không hề lành mạnh. Việc cha mẹ liên tục xâm phạm quyền riêng tư của con cái chỉ khiến con mất lòng tin và ngày càng xa rời niềm tin đó.

Tôi là một ví dụ điển hình. Cách đây 15 năm, tôi là một cô bé học sinh lớp 6, đang làm quen với môi trường mới ở trường cấp 2. Được gặp bạn bè mới, thầy cô mới ở một nơi có cơ sở vật chất khang trang và rộng rãi hơn nhiều so với trường cấp 1, tôi rất phấn khích. Mỗi ngày đi học với tôi là một ngày vui. Tôi nhanh chóng kết bạn, thậm chí bắt đầu có nhóm bạn thân, tâm sự với nhau hằng ngày về đủ thứ trên đời.

Thấy con thích ứng tốt, mẹ tôi rất mừng. Bà chỉ nhắc nhở tôi không được quên việc học. Tôi hứa với bà sẽ luôn có thành tích tốt.

- Ảnh 3.

Ban đầu, Jean được khắc họa là một bà mẹ thích kiểm soát con cái.

Sau một học kỳ, tôi chứng minh cho mẹ thấy rằng tôi không hề nói dối. Điểm số của tôi thuộc top 10 của lớp. Không chỉ thế, tôi và nhóm bạn thân còn tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ của trường, được các thầy cô đánh giá cao.

Khi đã quen nhau nhiều tháng, tôi và nhóm bạn thường xuyên rủ nhau đến nhà chơi, học nhóm, tổ chức tiệc sinh nhật… Mỗi lần đi đâu, tôi đều xin phép mẹ và hứa với bà sẽ về nhà đúng giờ. Vẫn như mọi khi, mẹ chỉ nhắc tôi làm gì cũng cần để ý đến việc học.

Đến một ngày, sau một lần đi chơi ở nhà bạn về, tôi phát hiện cuốn sổ nhật ký của mình được đặt ở vị trí khác ngày thường. Bình thường, tôi giấu nhật ký dưới chồng sách, nhưng là ở vị trí thứ hai từ dưới lên. Hôm đó, cuốn nhất ký nằm cuối cùng.

Chắc chắn tôi không thể để nhầm vị trí – vì đây là việc tôi vẫn làm mỗi tối. Vậy thì ai? Bố, mẹ hay em trai đã lén lục lọi đồ đạc của tôi? Tôi cảm thấy tổn thương và tức giận, nhưng không biết phải làm gì. Thế là tôi đem nhật ký đi đốt – và từ đó trở đi, tôi quyết định sẽ không bao giờ viết nhật ký nữa.

Hậu quả của việc mất lòng tin

Cảm giác nghi ngờ chiếm lĩnh, tôi không còn vui vẻ kể chuyện với bố mẹ như mọi khi. Về đến nhà, tôi chỉ im lìm ăn cơm cho xong, sau đó vào phòng đóng kín cửa. Ai hỏi tôi cũng chỉ trả lời đã đang học bài và ôn thi. Tôi đóng cửa và ‘đóng lòng mình’ với gia đình – vì tôi không biết mình có thể tin vào ai được nữa.

Mọi chuyện kéo dài suốt hai tháng, khiến tinh thần tôi suy sụp. Tôi không còn chỗ để trút bầu tâm sự, cũng không có cảm giác thoải mái khi về nhà. Mẹ hỏi han tôi nhiều hơn vì thấy tôi trầm lắng lạ thường, nhưng tất nhiên tôi sẽ không thể nói cho bà. “Biết đâu chính mẹ là người đọc lén nhật ký của mình”, tôi đã nghĩ như vậy.

Tôi chỉ có thể kể chuyện này cho nhóm bạn thân của mình – những người mà tôi cảm thấy tin tưởng và thoải mái hơn cả. Theo thời gian, chỉ có lúc đi học là tôi thấy vui, còn khi về nhà, tôi cảm giác căn phòng như bốn bức tường giam hãm.

Điều phi thường đã xảy ra

Cuối học kỳ 2 của năm lớp 6, tôi nhận kết quả không như mong đợi. Từ top 10, tôi đã trượt dốc xuống top 30 của lớp. Tôi không còn hứng thú với việc học. Thay vào đó, mỗi ngày đến lớp, tôi chỉ cố gắng làm bài sao cho xong. Về đến nhà, tôi chỉ muốn nằm ngủ, không còn chăm chỉ ôn tập như trước.

Cầm bảng điểm học kỳ 2 trên tay, mẹ tôi như sững lại. Tôi có thể đoán trước phản ứng này. Trong cả gia đình, mẹ là người quan tâm đến chuyện học tập của tôi nhất. do vậy, bà cũng là người thất vọng nhất.

Điều tôi không ngờ là bà bật khóc. Bà khóc nức lên, nước mắt rơi xuống bảng điểm. Tôi sợ bà tức giận phát khóc, sợ rằng bà chuẩn bị mắng mỏ, khiển trách tôi nên ngồi co rúm lại. Thế nhưng, điều bà làm sau đó trái ngược hoàn toàn với dự đoán. Bà nói: “Mẹ xin lỗi”.

Chưa kịp hỏi vì sao, tôi đã được mẹ giải thích. Bà nói rằng chính bà là người đã đọc nhật ký của tôi. Và bà ngờ rằng tôi phát hiện ra điều đó nên mới trở nên xa cách. Thế nhưng, vì xấu hổ nên bà không bao giờ muốn nhắc tới điều này. Đến bố tôi cũng không biết. Chứng kiến con tạo khoảng cách với bố mẹ, bà rất đau đớn nhưng không tìm đâu ra dũng khí để thú thật với tôi.

“Đến hôm nay, mẹ mới nhận ra mẹ sai thật rồi. Mẹ làm con gái mẹ tổn thương thật rồi. Lúc ấy, con có bạn bè mới, mẹ chỉ lo con sẽ không gặp được người bạn tốt”, mẹ tôi nói, khiến tôi cũng khóc theo.

- Ảnh 4.

Hai mẹ con Jean và Otis ngày càng thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau.

Thế nhưng khi nhìn thấy bảng điểm của tôi, mẹ tôi thấy hối hận vô cùng. Bà biết tôi có khả năng làm tốt hơn, nhưng chính bà đã khiến tôi rơi vào trạng thái đề phòng này. Không muốn tình trạng này kéo dài thêm nữa, bà quyết tâm lấy hết dũng khí để thú thật với tôi – cho dù không biết tôi sẽ phản ứng thế nào.

Khi đã bình tĩnh lại, mẹ nói với tôi: “Mẹ đã hứa với bản thân mình sẽ không bao giờ lén đọc nhật ký của con nữa. Con hãy tha lỗi cho mẹ được không?”.

Khi nghe những lời nói này của mẹ, tôi vừa giận vừa thương. Tôi giận bà vì đã không tin tưởng mà lén lục lọi đồ của tôi. Tôi thương bà vì chịu xuống nước để xin lỗi con. Hôm ấy, tôi nói hết với bà những điều này. Chỉ sau hơn một tiếng nói chuyện, hai mẹ con đã giải quyết được biết bao nhiêu khúc mắc giữ kín trong lòng nhiều tháng qua.

Giờ nhìn lại, tôi mới thấy sự chân thật có tác dụng thật phi thường. Nó có thể hàn gắn những mối quan hệ đang trên bờ vực đổ vỡ, nó có thể giúp con người thấu hiểu lẫn nhau, nó có thể giải tỏa những bức xúc trong lòng. Nhờ sự dũng cảm của mẹ tôi khi ấy, tôi đã học được nhiều bài học về ranh giới riêng tư cũng như vai trò của sự tin tưởng trong một mối quan hệ. Cũng nhờ hôm đó mà mối quan hệ của tôi với mẹ đã trở nên vững chãi đến tận bây giờ – khi cả hai mẹ con luôn cố gắng thành thật và tôn trọng cuộc sống của nhau. Xem phim “Sex Education” làm tôi nhớ lại tất cả những chuyện này và hy vọng đây cũng sẽ là một bài học cho tất cả những ai đang có con ở độ tuổi ẩm ương giống như tôi hồi đó.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan