Trang Rest of World ngày 11/7 đưa tin, Neta Auto từng là một ngôi sao đang lên trong số các công ty khởi nghiệp xe điện của Trung Quốc, nhưng đang phải đối mặt với làn sóng phản ứng dữ dội tại Thái Lan – thị trường nước ngoài lớn nhất của họ – khi công ty mẹ bước vào quá trình tái cấu trúc phá sản, làm dấy lên lo ngại rằng cuộc chiến giá xe điện tại Trung Quốc đang buộc các công ty nhỏ hơn phải mở rộng ra thị trường nước ngoài trước khi có được sự ổn định về mặt tài chính.
Dấu hiệu của sự tuyệt vọng
Neta từng tạo được sức hút tại Thái Lan bằng cách cung cấp các đặc quyền như thiết bị sạc tại nhà miễn phí và bảo hành mở rộng. Nhưng trong những tuần gần đây, trang Facebook tại Thái Lan của công ty này đã tràn ngập những lời phàn nàn về dịch vụ hậu mãi và những lo ngại về tình hình tài chính của công ty mẹ.

Neta Auto từng là một ngôi sao đang lên trong số các công ty khởi nghiệp xe điện của Trung Quốc, nhưng đang phải đối mặt với làn sóng phản ứng dữ dội tại Thái Lan – thị trường nước ngoài lớn nhất của họ – khi công ty mẹ bước vào quá trình tái cấu trúc phá sản. Ảnh: Getty
Doanh nhân Thái Lan Chaicharn chia sẻ với Rest of World rằng ông đã tìm hiểu rất kỹ trước khi mua một chiếc Neta EV vào tháng 1 năm ngoái với giá 549.000 baht (16.973 USD). Nhưng ngay sau đó, ông được thông báo rằng phụ tùng thay thế không có sẵn vĩnh viễn và một trung tâm dịch vụ địa phương đã đóng cửa. Sau khi biết về thủ tục phá sản của công ty mẹ, ông đã bắt đầu các bước để nộp đơn xin hoàn tiền.
“Ai mà biết được chứ? Chúng nằm trong số những sản phẩm bán chạy nhất tại Trung Quốc”, Chaicharn nói. Ông yêu cầu chỉ nêu tên do sắp yêu cầu Neta hoàn tiền.
Theo Rest of World, tại Trung Quốc, việc người mua xe điện không còn được hưởng dịch vụ hậu mãi khi các công ty phá sản trong bối cảnh cuộc chiến giá cả đang diễn ra là điều không hiếm gặp. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng những khó khăn của Neta đánh dấu một bước ngoặt: Hậu quả hiện đang lan ra nước ngoài, đe dọa danh tiếng của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. Hơn 30 thương hiệu xe điện Trung Quốc đã tích cực mở rộng ra nước ngoài vào năm ngoái, và rất nhiều trong số đó vẫn chưa có lợi nhuận trong nước.
Tháng 6/2025, Hozon New Energy Automobile – công ty mẹ của Neta – đã xác nhận rằng họ đã bước vào quá trình tái cấu trúc phá sản tại Trung Quốc. Đầu tháng đó, các video lan truyền trên mạng cho thấy cảnh nhân viên biểu tình đòi số lương chưa trả.
BYD – nhà sản xuất xe điện hàng đầu Trung Quốc, công ty đã vượt qua Tesla về doanh số toàn cầu vào năm ngoái – cũng lên tiếng.
“Nếu các công ty không hoạt động tốt trong nước, việc mở rộng ra nước ngoài có thể không phải là điều tốt”, Li Yunfei – Tổng giám đốc thương hiệu và quan hệ công chúng của BYD – phát biểu tại một diễn đàn chuyên ngành vào ngày 6/6. “Điều này có thể làm tổn hại đến hình ảnh chung của các thương hiệu Trung Quốc.”
Theo Rest of World, thị trường xe điện của Trung Quốc đã trải qua quá trình hợp nhất nhanh chóng. Số lượng nhà sản xuất xe điện tại nước này đã giảm từ 487 vào năm 2018 xuống còn khoảng 130 vào năm 2024. Theo dự báo từ công ty tư vấn AlixPartners có trụ sở tại New York, sẽ chỉ còn chưa đến 15 thương hiệu tồn tại được vào năm 2030.
Tháng trước, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc đã cảnh báo BYD và các công ty xe điện khác của Trung Quốc không được bán xe dưới giá thành.
Lei Xing – một chuyên gia tư vấn ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc tại Mỹ – chia sẻ với Rest of World rằng nỗ lực vươn ra thị trường quốc tế của Neta là một dấu hiệu của sự tuyệt vọng.
“Lý do đằng sau việc chuyển ra nước ngoài [hoàn toàn] là để cứu vãn hoạt động kinh doanh trong nước”, ông nói. “Nhìn chung, tôi không nghĩ chiến lược đó hiệu quả.”
Ông chỉ ra các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang gặp khó khăn khác cũng đã chuyển hướng ra nước ngoài với hy vọng duy trì hoạt động. Ví dụ, Aiways đã quyết định tạm dừng hoàn toàn hoạt động trong nước, thay vào đó nhắm mục tiêu vào châu Âu.
“Chúng tôi sẽ không bán ở Trung Quốc vì cuộc chiến giá cả ở Trung Quốc đang diễn ra vô cùng khốc liệt”, người phát ngôn của Aiways nói với hãng tin Reuters.
WM Motor – một thương hiệu xe điện Trung Quốc khác đã bắt đầu tái cấu trúc sau khi phá sản gần 2 năm trước – vẫn đang chật vật trong việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ sau bán hàng cho các tài xế tại Trung Quốc. Kế hoạch mở rộng của hãng tại châu Âu và Trung Đông đã bị đình trệ.
Doanh số 5 tháng đầu năm giảm 43%
Rest of World đưa tin, Neta được thành lập vào năm 2018, thâm nhập vào Thái Lan vào năm 2022 và bán được hơn 12.000 xe vào năm 2023 — doanh số xe điện tốt thứ hai sau BYD tại thị trường này. Thành công của Neta được hỗ trợ bởi các khoản trợ cấp hào phóng của chính phủ Thái Lan gắn liền với hoạt động sản xuất tại nước này – một động lực quan trọng giúp các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc có chỗ đứng tại Đông Nam Á.
Với thành công đó, Neta đặt hy vọng vào thị trường nước ngoài. nhà sáng lập Fang Yunzhou chia sẻ với tờ South China Morning Post vào tháng 12/2023 rằng công ty đặt mục tiêu bán một nửa số xe ra nước ngoài và có lãi vào năm 2026.
Nhưng sau đó, những dấu hiệu căng thẳng đã xuất hiện: Công ty đã sa thải nhân viên và cắt giảm chi phí hành chính. Năm 2024, doanh số bán hàng tại Trung Quốc của Neta đã giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh số bán hàng tại Thái Lan cũng sụt giảm. Sau khi bán được gần 8.000 xe vào năm 2024, Neta chỉ bán được 1.256 xe trong 5 tháng đầu năm nay – giảm 43% so với cùng kỳ năm trước, theo đài truyền hình nhà nước NBT World của Thái Lan. Truyền thông Thái Lan đưa tin về việc Neta sa thải hàng trăm nhân viên địa phương vào cuối năm 2024 và đóng cửa 20 trong số 60 showroom vào đầu năm nay.
Neta chưa phản hồi đề nghị bình luận của Rest of World. Trong một tuyên bố công khai hồi tháng 6, công ty cho biết đang trong quá trình tái cấu trúc và tìm kiếm nguồn đầu tư mới. Sau khi được cấp vốn, Neta có kế hoạch “mở rộng tập trung vào các thị trường trọng điểm”, bao gồm Thái Lan, Malaysia và Brazil.
Hội Người tiêu dùng Thái Lan nói với Rest of World rằng họ đã nhận được một loạt đơn khiếu nại nhắm vào Neta trong năm nay, bao gồm các báo cáo về việc thiếu phụ tùng thay thế, các trung tâm dịch vụ đóng cửa và người tiêu dùng phải tự sửa chữa xe. Đã có tổng cộng hơn 220 đơn khiếu nại kể từ khi thương hiệu này gia nhập thị trường Thái Lan vào năm 2022. Hội hiện đang hỗ trợ cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của chính phủ Thái Lan điều tra hoạt động của Neta tại quốc gia này.
Một người quen thuộc với hoạt động kinh doanh của Neta ở nước ngoài – yêu cầu giấu tên vì không được phép trao đổi với giới truyền thông – nói với Rest of World rằng công ty đã bắt đầu giảm giá sâu hơn và tăng hoa hồng đại lý tại ít nhất một thị trường nước ngoài nhằm khôi phục doanh số.
Tại Thái Lan, trường hợp của Neta có thể định hình lại chính sách quốc gia. Tháng trước, chính phủ Thái Lan đã đề xuất thắt chặt các quy định trợ cấp xe điện, điều này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 18 thương hiệu xe điện Trung Quốc đang hoạt động tại quốc gia này.

Tổng giám đốc Neta Auto giới thiệu Neta X tại Bangkok vào năm 2024. Ảnh: Getty
Bất chấp những bất ổn, xe điện Trung Quốc vẫn phổ biến ở Đông Nam Á nhờ giá cả phải chăng. Theo công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Kadence International, các mẫu xe Trung Quốc thường rẻ hơn tới 20% so với các mẫu xe Nhật Bản và phương Tây.
Nhưng giá thấp có thể không đủ để duy trì tăng trưởng.
“Chỉ riêng giá cả cạnh tranh sẽ không đủ [để thu hút khách hàng mới]”, Kriengkrai Techakanont – giáo sư kinh tế tại Đại học Thammasat ở Bangkok – chia sẻ với Rest of World.
“Mạng lưới dịch vụ và hỗ trợ lâu dài sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc ra quyết định của người tiêu dùng khi lựa chọn một thương hiệu xe điện”, ông nói.
Theo Rest of World
Đọc bài gốc tại đây.