Nội dung chính
Đòn đáp trả của Nga
Pnp.ru – trang tin chính thức của Quốc hội Liên bang Nga đưa tin, Rosselkhoznadzor (Cơ quan Giám sát Nông nghiệp Nga) đã ban hành lệnh hạn chế nhập khẩu các sản phẩm sữa từ Azerbaijan vào Nga. Cách đó chỉ vài ngày, tình huống tương tự cũng xảy ra với các loại trái cây từ Azerbaijan.
Rosselkhoznadzor đưa ra lý do rằng công ty Allbuy và Milk Products của Azerbaijan (một công ty chế biến bơ, phô mai và một công ty chế biến các sản phẩm khác từ sữa) đã từ chối cho thanh tra Nga kiểm tra và bày tỏ thái độ “không còn mặn mà xuất khẩu sang Nga”.
Ngoài ra, cơ quan này đồng thời thông báo sẽ tiến hành thanh tra thêm 3 công ty khác của Azerbaijan, gồm Ateha, Azemal, Az. Milka Export, để quyết định có tiếp tục cho phép các sản phẩm của họ vào thị trường Nga hay không.

Căng thẳng Nga-Azerbaijan đang dâng cao. Ảnh: IT
Tờ Minval (Azerbaijan) nhận định, nếu tình hình leo thang hơn nữa, Moscow sẽ buộc phải tăng giá các sản phẩm này trong nước.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn tờ Parlamentskaya Gazeta, ông Roman Sychev – Phó giám đốc phụ trách kinh tế của Liên minh Sữa Nga lưu ý, Azerbaijan không phải đối tác chiến lược của Nga về sữa nên ngay cả khi dừng toàn bộ hoạt động nhập khẩu các sản phẩm sữa từ Baku, tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Nga cũng “không đáng kể”.
Đáng lưu ý, theo tờ Lenta (Nga), động thái này diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Moscow và Baku đang xấu đi rõ rệt trong vài tuần gần đây, sau khi lực lượng an ninh Nga (FSB) hôm 27/6 tiến hành chiến dịch đột kích tại tại Yekaterinburg, bắt giữ hơn 50 người, phần lớn là công dân gốc Azerbaijan, để phục vụ điều tra các vụ giết người xảy ra vào các năm 2001, 2010 và 2011.
Phía Nga khẳng định các vụ bắt giữ liên quan đến những cáo buộc tội phạm nghiêm trọng, đồng thời nhấn mạnh các nghi phạm đều mang quốc tịch Nga.
Tuy nhiên, Baku phản ứng dữ dội: Triệu đại biện lâm thời Nga, đóng cửa Trung tâm Văn hóa Nga, đình chỉ mọi hoạt động văn hóa – ngoại giao với Nga, đồng thời bất ngờ bắt giữ hai biên tập viên cao cấp của hãng truyền thông Sputnik và một phóng viên của hãng tin video Ruptly hôm 30/6.
Baku còn tuyên bố đình chỉ đối thoại kinh tế với Nga và thậm chí, theo chuyên gia quân sự Azerbaijan Agil Rustamzade, Azerbaijan đã tính toán và sẵn sàng cho mọi kịch bản xung đột quân sự với Nga.

“Cú boomerang” của Nga diễn ra nhanh chóng. Ảnh: CNBC
“Cú boomerang”
Theo trang tin RuNew24 (Nga), Baku lựa chọn “tấn công” Moscow ngay lúc này vì tháng 6 vừa qua, Nga đã tiến hành phá hủy nhà máy lọc dầu Kremenchug ở Ukraine, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của Azerbaijan.
Các mỏ dầu và hệ thống vận chuyển dầu từ Azerbaijan sang Ukraine do SOCAR – tập đoàn dầu khí quốc gia Azerbaijan – quản lý, với những liên kết tài chính quốc tế phức tạp.
Quyết định của Rosselkhoznadzor được xem là đòn đáp trả của Moscow trước loạt “đòn công kích” của Azerbaijan thời gian qua.
“Rosselkhoznadzor đã nhập cuộc. Cú boomerang từ Nga diễn ra rất nhanh chóng” – RuNew24 bình luận.
Trên mạng xã hội Nga, nhiều ý kiến dư luận đã bày tỏ quan điểm về căng thẳng này, với một bộ phận kêu gọi giảm phụ thuộc nhập khẩu nông sản từ Azerbaijan, cho rằng nông nghiệp Nga đủ tiềm lực để thay thế. Một số ý kiến còn nhấn mạnh rằng quan hệ song phương chỉ có thể cải thiện khi hai bên giải quyết được bất đồng hiện tại.
Hiện tại, các dự án kinh doanh lớn giữa hai nước đang đối diện rủi ro, với thiệt hại kinh tế dự kiến nặng nề hơn cho phía Baku. Quan sát viên quốc tế nhận định diễn biến sắp tới sẽ phụ thuộc nhiều vào cách xử lý ngoại giao của cả hai bên.

Azerbaijan tăng cường hợp tác với Ukraine giữa căng thẳng với Nga. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine
Ukraine và Azerbaijan lập tức hành động
Giữa căng thẳng Nga-Azerbaijan dâng cao, Kiev và Baku lập tức có động thái đáng chú ý. Theo tờ Gazeta (Nga), trong ngày 13/7, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine – ông Herman Halushchenko – tuyên bố Kiev dự định thiết lập nguồn cung khí đốt từ Azerbaijan.
Halushchenko cho biết ông đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Năng lượng Azerbaijan Parviz Shahbazov. Tại sự kiện, hai bên đã ký biên bản cuộc họp ủy ban liên chính phủ và kế hoạch hành động chung. Họ cũng thảo luận về khả năng cung cấp khí đốt từ Azerbaijan.
“Chúng tôi sẵn sàng hợp tác dưới các hình thức mới trong lĩnh vực khí đốt. Cụ thể, Ukraine đề xuất sử dụng các kho chứa khí (PХG) của mình để lưu trữ khí đốt quốc tế” – ông Halushchenko viết.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Ukraine, ông Nikolai Kolesnik đã thảo luận với ông Shahbazov về khả năng phía Azerbaijan tham gia các dự án năng lượng của Kiev.
Đặc biệt, ông Kolesnik đã thông báo cho phía Azerbaijan về tiến độ chuẩn bị của Ukraine cho mùa sưởi ấm sắp tới. Kiev cũng đã trao đổi với Baku về “hợp tác phát triển thị trường năng lượng và đảm bảo ổn định năng lượng cho Ukraine”.
Theo Gazeta, động thái này diễn ra đúng vào thời điểm quan hệ Moscow – Baku đang căng thẳng, cho thấy cả hai bên đều muốn tận dụng cơ hội chiến lược. Với Kiev, việc tiếp cận nguồn khí đốt từ Azerbaijan không chỉ giúp đa dạng hóa nguồn cung năng lượng mà còn củng cố vị thế đối ngoại trong bối cảnh Ukraine vẫn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu năng lượng giữa mùa chiến sự.
Về phía Azerbaijan, mở rộng hợp tác với Ukraine có thể được xem như lời khẳng định rằng Baku sẵn sàng tìm kiếm đối tác thay thế và giảm phụ thuộc vào thị trường Nga – đặc biệt khi các đòn trả đũa thương mại từ Moscow chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo một số nhà phân tích, động thái hợp tác này cũng có thể được ví như “phát bắn trả” mang tính biểu tượng của Baku nhằm đáp lại Moscow giữa lúc căng thẳng leo thang.
Trước đó, sau vụ rơi máy bay của hãng AZAL gần thành phố Aktau (Kazakhstan)hồi tháng 1 năm nay, Tổng thống Azerbaijan Aliyev đã nhanh chóng quy trách nhiệm cho Nga, đồng thời tuyên bố tặng ngay 1 triệu USD cho Ukraine, như một đòn đáp trả chính trị nhằm vào Moscow.
Một số chuyên gia khu vực nhận định, dù quan hệ thương mại với Nga quan trọng, Azerbaijan có thể đang thử nghiệm “phân tán rủi ro” bằng cách gắn kết chặt hơn với các đối tác như Ukraine hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là trong lĩnh vực năng lượng.
Tuy nhiên, giới quan sát cũng cảnh báo rằng bước đi này mang tính thăm dò nhiều hơn là một cam kết chuyển hướng dài hạn, bởi cả Kiev lẫn Baku đều nhận thức được rằng việc thay đổi cán cân quan hệ với Moscow không thể diễn ra trong ngày một ngày hai, và sẽ đi kèm những tính toán chính trị – kinh tế phức tạp trong thời gian tới.
(Theo Pnp, Lenta, RuNews24, Gazeta)
Đọc bài gốc tại đây.