Khi còn ở Hong Kong (Trung Quốc), Lý Tiểu Long bắt đầu học Vịnh Xuân dưới sự giới thiệu của Trương Trác Khánh – người bạn thân đồng thời cũng là sư huynh trong môn phái. Trương không chỉ giới thiệu Lý Tiểu Long đến tông sư Diệp Vấn mà còn trực tiếp truyền dạy những kỹ thuật cơ bản của Vịnh Xuân. Tuy nhiên, ông dần nhận ra những hạn chế của võ thuật truyền thống so với các kỹ thuật nặng tính thực chiến của phương Tây.
Lý Tiểu Long sốc vì trận thua của sư huynh
Một người thầy khác có ảnh hưởng sâu sắc đến Lý Tiểu Long là Hoàng Thuần Lương, được mệnh danh là “Giảng thủ vương” – một cao thủ thực chiến nổi bật của Vịnh Xuân. Ông nổi tiếng với những trận giao đấu thắng các cao thủ võ phái khác, góp phần quảng bá tên tuổi Vịnh Xuân ở Hong Kong.
Những năm sau đó, chính Hoàng Thuần Lương tiếp tục dẫn dắt Lý Tiểu Long tham gia các trận giao đấu, giúp anh rèn luyện khả năng đối kháng thực tế. Sự kết hợp giữa kinh nghiệm thực chiến và nền tảng Vịnh Xuân đã giúp Lý Tiểu Long định hình tư duy “đi con đường thực tế” – một kim chỉ nam xuyên suốt sự nghiệp võ thuật sau này của anh.
Lý Tiểu Long bắt đầu học Vịnh Xuân vào khoảng năm 1953 (có nguồn ghi là 1954 hoặc 1955), với niềm đam mê mãnh liệt. Tuổi thơ anh chịu ảnh hưởng lớn từ tiểu thuyết võ hiệp, biểu diễn sân khấu và các truyền thuyết giang hồ, khiến anh tin tưởng tuyệt đối vào võ thuật truyền thống – đặc biệt là Vịnh Xuân quyền. Trong môi trường Hong Kong (Trung Quốc) nơi “võ quán nhiều hơn tiệm gạo”, niềm tin ấy lại càng được củng cố.

Lý Tiểu Long từng được Hoàng Thuần Lương dạy Vịnh Xuân Quyền
Tuy nhiên, đến cuối năm 1957, niềm tin của Lý Tiểu Long bị chấn động bởi thất bại của chính người sư huynh Hoàng Thuần Lương. Trong một trận thực chiến, dù chiếm ưu thế, Hoàng bất ngờ bị một cú đá từ đối thủ có biệt danh “Vua cước” hạ gục. Sự kiện này khiến Lý Tiểu Long choáng váng.
Theo tờ Kknews , Lý Tiểu Long bắt đầu nhìn nhận lại Vịnh Xuân và nhận ra những hạn chế của võ thuật truyền thống Trung Quốc, trong đó có sự bảo thủ của hệ thống môn phái, kỹ thuật và phương pháp huấn luyện. Ngay cả Vịnh Xuân – môn võ anh từng coi là “bất khả chiến bại” – cũng có điểm yếu. Từ đây, anh dần hình thành tư duy phê phán và định hướng cải cách võ thuật.
Vốn thông minh và hiếu học, Lý Tiểu Long bắt đầu tự nghiên cứu võ học một cách khoa học. Sau thất bại của Hoàng, anh xem đi xem lại các đoạn phim tài liệu về trận đấu đó để phân tích kỹ thuật và điểm yếu. Anh nhận ra rằng Vịnh Xuân rất mạnh trong cận chiến nhưng gần như không có kỹ thuật đá tầm xa – một lỗ hổng chí mạng trong đối kháng thực tế.
Vì vậy, bên cạnh việc học Vịnh Xuân, anh chủ động tìm hiểu các kỹ thuật cước pháp Bắc phái, trong đó có giao lưu với Thiệu Hán Sinh của Hội thể thao Tinh Võ, nghiên cứu các sách võ thuật như “Huấn luyện cơ bản võ thuật”, “Hòa quyền”, “Nhị thập tứ lộ liên hoàn thoái”… Anh thực hành nghiêm túc các bài tập về độ dẻo, sức mạnh, tốc độ từ sách và áp dụng chúng vào thực chiến.
Những kỹ thuật học được không chỉ cải thiện khả năng chiến đấu của Lý Tiểu Long, mà còn được anh thể hiện rõ nét trong các bộ phim võ thuật sau này. Giai đoạn đầu tại Mỹ, Lý giảng dạy hệ thống “Chấn Phiên Kungfu” – Vịnh Xuân cải tiến, và sau đó phát triển thành một phần quan trọng trong Tiệt quyền Đạo.
Năm 1964, tại giải vô địch Karate Long Beach (Mỹ), Lý Tiểu Long gây ấn tượng mạnh khi biểu diễn kỹ thuật “Đả bộ tam bất lạc địa bãi liên thối” – vốn được anh cải tiến từ Hòa quyền. Cũng năm đó, anh chấp nhận lời thách đấu của Wong Jack Man (Hoàng Trạch Dân), cao thủ Thiếu Lâm bắc phái tại Oakland và giành chiến thắng.
Nhưng chính “trận thắng xấu xí” này khiến Lý Tiểu Long nhận ra những hạn chế của bản thân và võ thuật truyền thống – một cú sốc lớn hơn cả trận thua năm 1957 của Hoàng Thuần Lương.
Thừa nhận võ Trung Quốc không bằng boxing
Lý Tiểu Long cho rằng khi đối thủ bỏ chạy thì mình không biết phải làm gì, ngoài ra trận đấu này lẽ ra phải kết thúc trong vài giây thì đã bị kéo dài sang 3 phút. Bên cạnh đó, Lý Tiểu Long còn bị hụt hơi khi giao đấu.
Từ năm 1965, Lý Tiểu Long bắt đầu quá trình “từ lượng biến thành chất”, hướng đến mục tiêu xây dựng một hệ thống võ thuật hoàn toàn mới – không bị ràng buộc bởi truyền thống hay hình thức. Anh công khai chỉ trích võ thuật truyền thống, kêu gọi cải cách, đặc biệt tại các giải đấu karate ở Mỹ.
Trong thư gửi Trương Trác Khánh ngày 4/1/1969, Lý Tiểu Long chia sẻ: “ Mười năm qua, việc phát triển võ thuật Trung Quốc luôn là trọng tâm của em… nhưng hiện tại em đã mất niềm tin vào võ thuật truyền thống, kể cả Vịnh Xuân.” Anh cũng giới thiệu phương pháp huấn luyện thực chiến hiện đại với mũ bảo hộ, găng tay, bảo vệ toàn thân – thực chiến toàn diện, không giới hạn trong hình thức hay bài quyền.

Dù thắng Hoàng Trạch Dân, Lý Tiểu Long đã thất vọng với Vịnh Xuân Quyền
Trong thư ngày 11/1/1970 gửi Hoàng Thuần Lương, Lý Tiểu Long thẳng thắn kêu gọi từ bỏ định kiến môn phái, nhấn mạnh: “Về võ đạo, em vẫn luyện tập hàng ngày, cùng các học trò và bạn bè tập hai lần mỗi tuần. Dù là quyền Anh phương Tây, Taekwondo hay vật, không quan trọng môn phái, miễn là hòa khí, không gây hấn”. Anh khẳng định: “Tiệt Quyền Đạo chỉ là một cái tên, điều quan trọng là không bị giới hạn bởi định kiến.”
Từ năm 1959 đến 1971, trong quá trình sinh sống và giao lưu võ học tại Mỹ, Lý Tiểu Long từng bước nhận ra sự yếu kém của võ thuật truyền thống Trung Quốc – bao gồm cả Vịnh Xuân – khi đối đầu với võ sĩ quyền Anh phương Tây: từ kỹ năng, thể lực đến thực chiến.
Sự đối lập rõ rệt giữa tính hình thức và thiếu thực dụng của võ truyền thống với sự khoa học và hiệu quả của quyền Anh đã thôi thúc Lý Tiểu Long thoát ly hoàn toàn để sáng tạo ra Tiệt quyền Đạo – hệ thống võ đạo mang tính cách mạng, hướng đến đối kháng thực chiến và hiệu quả tối đa.
Trong một đoạn thư đầy cảm xúc, Lý Tiểu Long từng nói với Hoàng Thuần Lương: “ Em đã luyện tập rất nhiều với các võ sĩ quyền Anh phương Tây. Em hy vọng các danh gia Vịnh Xuân đừng tự mãn mà thách đấu với họ!!!” . Câu nói kết thúc với ba dấu chấm than – như một lời cảnh tỉnh và cũng là sự tiếc nuối sâu sắc cho võ thuật truyền thống Trung Quốc mà anh từng hết lòng yêu mến.
Đọc bài gốc tại đây.