Ngày 11/7, những mẻ cá thu đao đầu tiên trong mùa đã được bán tại chợ đầu mối Toyosu (Tokyo) với giá lên tới 300.000 yên/kg (53 triệu VNĐ) cho các con cá lớn – mức giá cao bất ngờ dù vẫn thấp hơn kỷ lục của năm ngoái.
Mùa cá năm nay bắt đầu sớm hơn thường lệ với mẻ cá đầu tiên cập bến từ cảng Kushiro, Hokkaido – sớm hơn hơn một tháng so với mùa cá thu đao năm 2023. Tuy nhiên, sản lượng sụt giảm nghiêm trọng. Mẻ cá đầu tiên chỉ đạt khoảng 50 kg, so với 42 tấn năm ngoái.
Mặc dù số lượng ít, mẻ hàng đầu mùa năm nay lại gây chú ý bởi kích cỡ cá vượt trội. Một số con nặng tới 170 gram, vượt xa mức phổ biến gần đây là khoảng 100 gram. Các con cá loại lớn này đã được bán với giá lên đến 50.000 yên/con (8,8 triệu VNĐ) do nguồn cung khan hiếm và chất lượng cao.
Tuy chưa phá kỷ lục 500.000 yên/kg của năm ngoái, mức giá hiện tại vẫn phản ánh nhu cầu mạnh và tâm lý chuộng hàng đầu mùa của thị trường Nhật Bản.
Trong khi đó, theo một số trang web thực phẩm, giá cá thu đao tại Việt Nam đang dao động trong khoảng 200.000-350.000 VNĐ/kg tùy loại.
Ông Yasuhiro Yamazaki, chủ tịch công ty Yamaharu – đơn vị đã mua lô cá giá cao nhất – nhận định: “Đây là những con cá tươi, lớn và rất có giá trị. Tôi khuyên mọi người nên thưởng thức cá sống theo kiểu sashimi”.
Dự kiến trong vài ngày tới, cá thu đao đầu mùa sẽ có mặt tại các cửa hàng hải sản tươi sống tại Tokyo, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng sành ăn vốn chuộng các món sashimi theo mùa.
Trong những năm gần đây, sản lượng cá thu đao Thái Bình Dương của Nhật Bản sụt giảm mạnh do nhiệt độ biển tăng lên, ngư trường chủ yếu đã dịch chuyển ra vùng biển quốc tế ở khu vực Bắc Thái Bình Dương, cách xa vùng biển gần Nhật Bản. Ngoài ra, để giảm thiểu tác động của việc đánh bắt quá mức và cạn kiệt nguồn lợi,Nhật Bản đã giảm hạn ngạch đánh bắt cá thu đao vào năm 2023. Do sản lượng ngày càng khan hiếm, giá thu đao tại Nhật Bản cũng đắt đỏ theo.
Mới đây, cơ quan Ngư nghiệp Nhật Bản đang cân nhắc việc nới lỏng quy định về kích thước và tải trọng của tàu đánh bắt cá thu đao Thái Bình Dương trên vùng biển quốc tế nhằm tăng sản lượng khai thác.
Đọc bài gốc tại đây.