5 trường hợp nhận tiền vào tài khoản phải chịu thuế TNCN
1. Tiền lương, tiền công và các khoản tương đương Đây là khoản thu nhập chịu thuế quen thuộc nhất. Khi bạn nhận lương, thưởng, phụ cấp từ công ty hoặc tổ chức, khoản tiền này sẽ phải chịu thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Doanh nghiệp có trách nhiệm khấu trừ thuế trước khi trả lương.
Lưu ý: Nếu bạn có thu nhập từ hai nơi trở lên, bạn phải tự quyết toán thuế với cơ quan thuế vào cuối năm. Mọi khoản lương nhận qua tài khoản đều là cơ sở để cơ quan thuế đối chiếu.
2. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh Nếu bạn dùng tài khoản cá nhân để nhận tiền từ việc bán hàng online, cung cấp dịch vụ (thiết kế, tư vấn, viết lách…), đây được xem là thu nhập từ kinh doanh.
Bạn sẽ phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN nếu tổng doanh thu từ hoạt động này trên 100 triệu đồng/năm. Cơ quan thuế có thể giám sát các tài khoản có giao dịch lớn và thường xuyên để yêu cầu kê khai, nộp thuế.
3. Thu nhập từ phí dịch vụ, hoa hồng Các khoản tiền như phí môi giới, hoa hồng quảng cáo, hoặc phí từ các dịch vụ “rút tiền hộ” đều là thu nhập chịu thuế.
Đối với dịch vụ chuyển/rút tiền hộ, chỉ phần phí dịch vụ bạn nhận được mới bị tính thuế, còn phần tiền gốc của giao dịch thì không.
4. Thu nhập từ lãi cho vay (áp dụng với tổ chức/doanh nghiệp) Khi một cá nhân cho một tổ chức hoặc công ty vay tiền và nhận lãi, khoản lãi đó sẽ chịu thuế TNCN với thuế suất 5%. Bên đi vay (công ty) có trách nhiệm khấu trừ thuế trước khi trả lãi cho bạn.
Ngược lại, tiền lãi phát sinh từ việc cho vay giữa các cá nhân với nhau hiện không thuộc diện chịu thuế TNCN.
5. Chênh lệch tiền bán nhà đất so với hợp đồng (trường hợp khai gian) Theo quy định, người bán nhà, đất phải nộp thuế TNCN 2% trên giá chuyển nhượng tại thời điểm công chứng. Tuy nhiên, rủi ro phát sinh khi người bán và người mua cố tình khai giá trên hợp đồng thấp hơn nhiều so với giá thực tế để trốn thuế.
Nếu cơ quan thuế phát hiện số tiền thực nhận qua tài khoản ngân hàng cao hơn giá đã khai báo, họ có quyền ấn định lại giá bán và truy thu phần thuế còn thiếu, kèm theo tiền phạt chậm nộp.

9 trường hợp phổ biến nhận tiền vào tài khoản không phải nộp thuế
Để tránh nhầm lẫn, dưới đây là những khoản tiền khi chuyển vào tài khoản cá nhân sẽ không bị tính thuế:
-
Tiền vay mượn, cho, tặng giữa cá nhân, bạn bè, người thân.
-
Vợ chồng chuyển tiền sinh hoạt cho nhau.
-
Tiền lương sau thuế được một người chuyển cho vợ/chồng hoặc người thân khác.
-
Tiền kiều hối do người thân từ nước ngoài gửi về.
-
Thu hộ – Chi hộ cho công ty (ví dụ: shipper thu tiền COD rồi nộp lại cho chủ cửa hàng).
-
Phần tiền gốc trong giao dịch dịch vụ chuyển/rút tiền hộ.
-
Tiền nhận được để đáo hạn khoản vay ngân hàng rồi chuyển đi ngay.
-
Tiền lãi từ việc cho vay giữa các cá nhân với nhau (ví dụ: chơi hụi, họ).
-
Tiền bán nhà, đất khi đã khai báo và nộp thuế đầy đủ trên giá trị giao dịch thực tế.
Để tránh những rắc rối không đáng có, người dân nên:
– Minh bạch các giao dịch: Sử dụng các tài khoản riêng biệt cho mục đích kinh doanh và chi tiêu cá nhân.
– Lưu giữ chứng từ: Luôn giữ lại các hợp đồng, hóa đơn, giấy tờ ủy quyền, hoặc các bằng chứng khác để chứng minh nguồn gốc và bản chất của các khoản tiền nhận được.
– Kê khai trung thực: Đặc biệt trong các giao dịch lớn như bất động sản, việc kê khai đúng giá trị thực tế sẽ giúp bạn tránh được những rủi ro pháp lý và tài chính về sau.
Đọc bài gốc tại đây.